Ninh Bình:Nhức nhối nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã

Tình trạng săn bắt, giết hại và buôn bán động vật hoang dã tuy không mới nhưng chưa bao giờ là cũ, và ngày càng nhức nhối hơn khi những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức này có dấu hiệu gia tăng trở lại, bởi các đối tượng buôn lậu đang kiếm được lợi nhuận “khủng” từ việc buôn bán này.

Săn bắn, buôn bán động vật hoang dã vẫn lọt lưới

Thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam; Văn bản số 253/UBND-VP3 ngày 6/6/2022 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về săn, bắt, giết, nuôi nhốt, mua bán, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài động vật hoang dã nói chung và chim hoang dã, di cư nói riêng theo quy định. Trong đó tập trung tại địa bàn trọng điểm là các huyện, thành phố: Nho Quan, Hoa Lư, Gia Viễn, Kim Sơn, Yên Mô, Tam Điệp.

Kết quả từ tháng 6/2022 đến tháng 11/2023, Chi cục Kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 17 vụ vi phạm, tịch thu 725 cá thể chim các loại, 1 cá thể khỉ đuôi dài, 33 cá thể rắn Ráo Trâu, 1 cá thể rắn Hổ mang; đồng thời, phối hợp với lực lượng có liên quan kiểm tra, xác minh gỡ bỏ thông tin rao bán động vật hoang dã trên mạng của cá nhân vi phạm.

Công an thành phố Tam Điệp (Ninh Bình) bắt giữ đối tượng săn bắt, mua bán động vật quý hiếm thuộc loại nguy cấp, cần được ưu tiên, bảo vệ. Ảnh: VOV

Cùng với lực lựợng Kiểm lâm, phía Công an tỉnh Ninh Bình cũng đã tập trung vào cuộc, tăng cường công tác trinh sát trên các địa bàn trọng điểm, các đối tượng biểu hiện săn bắt các loài động vật hoang dã, chim di cư. Kết quả đã phát hiện, xử lý 29 vụ vi phạm về chim hoang dã, tịch thu 232 cá thể chim các loại.

Ngoài ra, Đồn biên phòng Kim Sơn và Hải đội 2 phối hợp chặt chẽ với lực lượng Kiểm lâm thường xuyên tuần tra, kiểm tra tại các khu vực bãi bồi ven biển, rừng ngập mặn; đã phát hiện, xử lý 1 đối tượng sử dụng súng săn trái phép.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế, do những hạn chế về con người, phương tiện, kinh phí đầu tư cho lĩnh vực bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư; một số địa phương, công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm tra chưa được thường xuyên nên tình trạng vi phạm về săn, bắt, mua bán chim hoang dã tại một số nơi vẫn còn xảy ra.

Công tác bảo vệ còn nhiều gian nan

Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình, việc ngăn chặn săn bắt chim hoang dã vẫn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, lực lượng mỏng, chế tài chưa đủ mạnh để xử lý các đối tượng vi phạm. Hơn nữa, một số cơ quan, đơn vị và địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa chủ động trong công tác bảo vệ chim hoang dã, di cư.

Công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng để tổ chức tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát chưa được thường xuyên, liên tục. Trong khi, tình trạng buôn bán, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, chim hoang dã phức tạp, tinh vi hơn khi nhiều giao dịch được đưa lên không gian mạng.

Chính quyền và công an xã Sơn Lai, huyện Nho Quan xử lý một đối tượng trên địa bàn dùng chim mồi để bẫy bắt chim hoang dã trên địa bàn. Ảnh: Báo NB

Việc săn, bắt, tận diệt các loài chim hoang dã, di cư không chỉ tác động tiêu cực đến cân bằng sinh thái, môi trường, an toàn sức khỏe con người mà còn ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế. Với Ninh Bình, chúng ta đang xây dựng hình ảnh một điểm đến du lịch thân thiện, hiếu khách với thiên nhiên hoang sơ, trong lành, do vậy cần phải chấm dứt triệt để tình trạng này.

Thời gian tới, thiết nghĩ cần có sự phối hợp vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa giữa các lực lượng. Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh quan tâm cấp kinh phí hằng năm cho công tác bảo vệ động vật hoang dã, chim hoang dã, di cư; bổ sung nguồn nhân lực, phương tiện, công cụ hỗ trợ để các sở, ngành, địa phương triển khai công tác này.

Ngoài ra, cấp có thẩm quyền cũng cần xem xét sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định pháp luật có liên quan để bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư cũng như tăng cường chế tài xử lý các vi phạm có liên quan. Trước mắt, cần xử lý nghiêm những trang mạng, những hội nhóm, cá nhân đang công khai rao bán chim hoang dã trên không gian mạng.

Về phía người dân, hãy nói không với việc mua bán, sử dụng chim hoang dã và chủ động đấu tranh, tố giác những hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã.