Dịch tả lợn châu Phi lan rộng, FAO- OIE ra cảnh báo nóng

FAO và OIE đã kêu gọi các nước cùng hợp tác chống lại dịch tả lợn châu Phi đang gây ra cuộc khủng hoảng lớn cho ngành công nghiệp thực phẩm.

Dịch tả lợn châu Phi đẩy giá thịt lợn lên cao và tạo ra khủng hoảng thiếu thực phẩm trên quy mô thế giới. Trong ảnh là cảnh người dân tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc tranh nhau mua thịt lợn hồi đầu năm nay. Ảnh: THX

Báo cáo mới nhất của Chương trình Lương nông Thế giới (FAO) và Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi (AFS) đang tiếp tục gây ra những tổn thất rất lớn đến tổng đàn lợn thế giới và gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng.

Nguyên nhân là do thịt lợn là loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất thế giới, chiếm tới 36% sản lượng thịt tiêu thụ toàn cầu.

Các chuyên gia cho biết, sự lây lan và kéo dài của dịch tả lợn châu Phi trong hai năm trở lại đây đã gây ra mối đe dọa đối với an ninh lương thực toàn cầu, phát triển kinh tế và nông thôn.

Theo các nghiên cứu của FAO và OIE, AFS chính là rào cản đối với ngành nông nghiệp khiến nó không thể phát huy hết tiềm năng, cũng như tạo ra công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và sụt giảm đầu tư vào lĩnh vực này.

Do đó, việc kiểm soát trên quy mô toàn cầu đối với AFS sẽ góp phần đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp quốc, đặc biệt là hai mục tiêu giảm nghèo và thanh toán nạn đói.

Hiện dịch tả lợn châu Phi vẫn đang ảnh hưởng tại nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Á -Thái Bình Dương cũng như châu Âu. Trong điều kiện vẫn chưa có vacxin hữu hiệu ngăn chặn thì bệnh dịch này không chỉ là rào cản đối với sức khỏe và phúc lợi động vật mà còn tác động bất lợi đến sinh kế của nông dân.

Nhân viên thú y kiểm tra đàn lợn tại một trang trại mới tán đàn ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Ảnh: THX

“AFS vẫn đang hiện hữu tại 51 quốc gia và trong bối cảnh khó khăn do coronavirus thì nguy cơ dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng sẽ làm gia tăng các cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội”, ông Matthew Stone, Phó tổng giám đốc lĩnh vực tiêu chuẩn quốc tế và khoa học của OIE nói.

Theo ông Stone, hiện nhiều quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi AFS đang bị thiếu hụt các nguồn nhân lực, tài chính hoặc kỹ thuật để phát hiện, đối phó và ngăn chặn sớm bệnh dịch.

Phó tổng giám đốc FAO Maria Semedo cho biết, trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay đang có các bệnh dịch có thể lây lan nhanh chóng qua đường biên giới thì việc chia sẻ kịp thời các thông tin, hợp tác quốc tế và cảnh báo sớm về dịch tả lợn châu Phi là cần thiết để ngăn chặn sự lây lan và giảm thiểu tác động.