Lâm tặc triệt hạ hàng trăm cây rừng tại suối Vàng, Tà Kóu

Những kẻ triệt hạ rừng không ký biên bản, rời khỏi hiện trường và các cơ quan chức năng mời gọi nhiều lần nhưng không có mặt để làm việc.

Ngày 20-7, tin từ UBND huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận cho biết đã có văn bản gửi Hạt Kiểm lâm huyện; Công an huyện và các đơn vị, địa phương liên quan yêu cầu tiếp tục điều tra và xử lý nghiêm hành vi phá rừng tại khu vực suối Vàng, Tiểu khu 300 thuộc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu.

Một vụ phá rừng ở Tà Kóu trước đây PLO đã phản ánh. (Ảnh: PN)

Ngoài việc đề nghị Cơ quan điều tra khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ hành vi phá rừng trái pháp luật, UBND huyện Hàm Thuận Nam cũng yêu cầu Công an, Hạt Kiểm lâm tham mưu làm rõ và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân của các cơ quan, đơn vị liên quan để xảy ra phá rừng.

UBND huyện cũng yêu cầu Hạt Kiểm lâm chỉ đạo lực lượng kiểm lâm cơ động, các bộ phận nghiệp vụ phối hợp với kiểm lâm địa bàn hỗ trợ cho Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Tà Kóu trong công tác bảo vệ rừng. Qua đó kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp.

UBND huyện cũng đề nghị Ban Quản lý KBTTN Tà Kóu tăng cường lực lượng bảo vệ giữ nguyên hiện trường vụ vi phạm, tuyệt đối không để đốt dọn, làm thay đổi hiện trường; chủ động xây dựng kế hoạch, có biện pháp quản lý, bảo vệ rừng tại gốc, bố trí ngay chốt bảo vệ rừng tại các khu vực thường xuyên xảy ra phá rừng, lấn, chiếm đất lâm nghiệp.

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Hàm Thuận Nam, trưa 11-6, Ban Quản lý KBTTN Tà Kóu kiểm tra rừng tại khu vực suối Vàng, tiểu khu 300 thuộc địa phận xã Hàm Minh phát hiện ba thanh niên đang đốt dọn cây rừng trên điện tích rừng bị phá trái pháp luật trước đó.

Qua xác minh, diện tích rừng bị phá hơn 2.300 m2 thuộc lô 25, khoảnh 6, tiểu khu 300 thuộc rừng đặc dụng, KBTTN Tà Kóu. Quá trình làm việc, lập biên bản vi phạm, cả ba thanh niên không hợp tác, không ký vào biên bản và tự ý rời khỏi hiện trường.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng xác minh được một trong số ba thanh niên trên là NTL (30 tuổi), ngụ Tân Thuận, Hàm Thuận Nam.

Ngày 29-6, Hạt Kiểm lâm đã mời Công an huyện, Ban Quản lý KBTTN Tà Kóu và UBND xã Hàm Minh kiểm tra hiện trường.

Qua xác minh, khu vực rừng bị phá có bốn khu vực, có 93 cây gỗ các loại như căm xe, dầu, gáo, lim, gụ…đường gốc gốc từ 10 cm đến 50 cm bị triệt hạ. Tổng trữ lượng lâm sản bị thiệt hại gần 10 m3. Ngoài ra còn có gần 200 cây gỗ có đường kính dưới 8 cm cũng bị triệt hạ.

Theo Hạt Kiểm lâm, toàn bộ rừng đều bị triệt phá trắng, thiệt hại 100%. Tại thời điểm kiểm tra, cành lá, phần vỏ cây đã khô, xác định thời gian phá rừng khoảng cuối tháng 5-2020. Công cụ dùng để triệt phá rừng là cưa máy cầm tay, tại hiện trường còn dấu vết lam cưa.

Hạt Kiểm lâm cho biết UBND xã Tân Thuận đã ba lần mời và Hạt Kiểm lâm gửi giấy mời một lần nhưng ông NTL không có mặt để làm việc. Hạt Kiểm lâm đang phối với với Công an Hàm Thuận Nam tiếp tục mời gọi NTL và những người liên quan đến để làm rõ.

Ngoài vụ phá rừng bảo tồn công khai này, trước đó ông Nguyễn Ngọc Hai, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu Công an tỉnh, UBND huyện Hàm Thuận Nam chỉ đạo Công an huyện lập chuyên án đấu tranh phòng, chống tình trạng phá rừng, hủy hoại cây rừng bằng hóa chất tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu.

Cụ thể thời gian qua tình trạng triệt hạ, khoan lỗ, bỏ hóa chất đầu độc cho cây rừng chết dần tại xã Tân Thuận, huyện Hàm Thuận Nam, trên lâm phần quản lý của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu để chiếm đất trồng thanh long liên tục xảy ra.

Khi lấy mẫu cây rừng bị chết, ngành kiểm lâm xác định tất cả các mẫu đều có tồn dư hợp chất glyphosate, một hợp chất cực độc có trong thuốc diệt cỏ. Được biết gần đây, rừng Tà Kóu liên tục bị phá để chiếm đất, nhiều vụ việc đã được khởi tố nhưng tình trạng này vẫn không giảm.

Năm 1997, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định xác lập Tà Kóu là khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia với diện tích trên 11.000 ha. Trong đó có hơn 3.500 ha thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và hơn 7.700 ha thuộc phân khu phục hồi sinh thái.

Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên nhiên thế giới (WWF), Tà Kóu thuộc vùng sinh thái Trường Sơn, là một trong 221 vùng sinh thái quan trọng trên thế giới. Đặc biệt, Khu bảo tồn thiên nhiên này nằm trong tiểu vùng sinh thái quan trọng cần bảo tồn khẩn cấp (SA7, WWF, 2001).

Tà Kóu là vùng đa dạng hệ sinh thái. Hệ thực vật có 751 loài và có ít nhất 15 loài thực vật quý hiếm. Hệ động vật có xương sống ở cạn có 178 loài, trong đó có những loài động vật quý hiếm mới phát hiện như gà gô, diều núi, vọoc bạc Trường Sơn, chà vá chân đen…

Vai trò cơ bản của Khu bảo tồn này là điều hòa khí hậu, nguồn nước, bảo vệ đất chống cát bay, tạo cảnh quan phát triển du lịch sinh thái, di tích văn hóa cấp quốc gia, cung cấp nước ngọt sinh hoạt và nông nghiệp, bảo vệ môi trường cho vùng kinh tế biển Bình Thuận.

Đặc biệt đây chính là rừng đầu nguồn cung cấp nguồn nước cho các con suối và giếng nước, là nguồn nước duy nhất cho sinh hoạt và các hoạt động canh tác.

Trong khu bảo tồn và vùng đệm không có sông lớn. Do đó việc bảo tồn rừng, thảm thực vật núi Tà Kóu và vùng xung quanh núi có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự bền vững về sinh kế của người dân địa phương, bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và canh tác.