Phát hiện 14 gấu ngựa, 69 cầy vằn Bắc quý hiếm tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Sau 3 năm triển khai dự án khoa học “Nghiên cứu, bảo tồn các loài Gấu Ngựa, Cầy Vằn Bắc tại Khu bao tồn thiên nhiên Pù Luông (giai đoạn 2017-2020)”,  Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã phát hiện khoảng 11-14 cá thể Gấu ngựa và 69 cá thể Cầy vằn Bắc quý hiếm đang sinh sống, tìm thức ăn tại các tiểu khu rừng Pù Luông.

Cầy vằn Bắc dính bẫy ảnh tại thung Mó Chó, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Ảnh: TTXVN phát

Ông Lê Đình Phương, Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cho biết: Trong quá trình triển khai dự án, Ban quản lý đã tổ chức tập huấn cho 20 cán bộ; thực hiện 12 đợt điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố, tần suất bắt gặp hai loài Gấu ngựa, Cầy vằn Bắc tại 11 khu vực khác nhau trong khu bảo tồn. Đồng thời, Ban quản lý đã xây dựng 10 tuyến giám sát, cấp phát 5.000 tờ rơi tuyên truyền cho người dân, tổ chức họp 10 thôn, bản có địa giới hành chính giáp với khu bảo tồn để thực hiện chương trình tuyên truyền quản lý, bảo vệ loài vật quý.

Gấu ngựa dính bẫy ảnh tại thung Lâu Buốc Nặm, khu vực Son-Bá-Mười, thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN phát

Bên cạnh đó, cán bộ dự án đã thực hiện 5 đợt điều tra để hoàn thành báo cáo chuyên đề về điều tra, đánh giá các mối đe dọa đối với 2 loài Gấu ngựa, Cầy vằn Bắc gồm săn bắt động vật hoang dã, khai thác gỗ trái phép, tình trạng phá rừng làm nương rẫy. Điều tra, nghiên cứu và xác định nhu cầu nguồn thức ăn đối với 2 loài cho thấy, Gấu ngựa sử dụng 28 loài thực vật và 7 nhóm loài động vật làm thức ăn, loài Cầy vằn Bắc sử dụng 10 nhóm loài động vật và 4 loài thực vật làm thức ăn, trong đó thức ăn là các loại giun đất, dế mèn, vòi voi, bọ hung, gián chiếm tỉ trọng lớn và có thể cung cấp quanh năm, thức ăn thực vật gồm có quả các loài chi Ficus, lá cỏ.

Thức ăn của Gấu ngựa được tìm thấy trong khu vực rừng Pù Luông. Ảnh: TTXVN phát

Ngoài ra, việc thực hiện thành công dự án này đã nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền địa phương trong công tác bảo tồn hai loài thú quý hiếm Gấu ngựa, Cầy vằn Bắc đang có nguy cơ tuyệt chủng cục bộ được phục hồi, tạo nên sự cân bằng sinh thái, bảo tồn tính đa dạng sinh học, góp phần bảo vệ các loài động vật rừng hoang dã tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông nói riêng và ở Việt Nam nói chung.

Cũng theo ông Lê Đình Phương: Thời gian tới, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông sẽ tiếp tục đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ kinh phí để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu khoa học nhằm tăng cường công tác bảo tồn 2 loài Gấu ngựa, Cầy vằn Bắc. Đồng thời, Ban quản lý cũng tiếp tục duy trì hoạt động tuần tra, đặt bẫy ảnh để giám sát sự biến động của quần thể 2 loài, nâng cao hiệu quả, tăng cường thực thi pháp luật, xử lý nghiêm các hoạt động khai thác, buôn bán, vận chuyển lâm sản và động vật hoang dã, trong đó chú trọng đến 2 loài Gấu ngựa, Cầy vằn Bắc.

Cán bộ lâm nghiệp lập ô điều tra, sử dụng máy GPS. Ảnh: TTXVN phát

Theo báo cáo của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Gấu ngựa (Ursus thibetanus) là loài thú lớn, nặng từ 80-180 kg, thân béo, tai tròn, chân trước, chân sau có 5 ngón, đi bằng bàn chân sau. Bộ lông Gấu ngựa màu đen tuyền, lông hai bên cổ dài tạo thành bờm, ngực có yếm hình chữ V, đuôi ngắn, không thò ra khỏi bộ lông. Hiện nay, Gấu ngựa đã có tên trong Danh lục đỏ thế giới và có tên trong Sách đỏ Việt Nam 2007. Loài này chỉ còn xuất hiện tại các khu vực có diện tích rừng nguyên sinh, ít tác động của con người như các tiểu khu rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông để sinh sống, tìm kiếm thức ăn.

Loài Cầy vằn Bắc (Chrotogale owstoni) có bộ lông màu vàng nhạt hoặc xám bạc, có 4-5 sọc đen lớn vắt ngang lưng, mặt có 3 sọc đen nhỏ kẹp giữa 2 sọc trắng chạy từ mũi đến đầu, sườn và đùi còn có nhiều đốm đen. Cầy vằn Bắc đã có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ thế giới, hiện loài này có phạm vi hoạt động rộng hơn để tìm kiếm nguồn thức ăn, tuy nhiên việc phát hiện, bắt gặp dấu vết của loài này là rất ít.