Tây Nguyên, máu kiểm lâm vẫn đổ

Khắp Tây Nguyên, câu chuyện lâm tặc tấn công lực lượng bảo vệ rừng xảy ra ngày càng nhiều với chiều hướng phức tạp. Lâm tặc hành hung kiểm lâm bởi chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, kiểm lâm dù được trang bị công cụ hỗ trợ nhưng thực chất là vẫn “tay không bắt giặc” vì lo ngại các rủi ro pháp lý xảy ra.

Nạn phá rừng ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung còn diễn ra phức tạp, có chiều hướng tăng cao. Ảnh: H.LONG

Lâm tặc sẵn sàng tấn công 

Gần 2 tháng kể từ khi bị hành hung, đến nay, sức khỏe của ông Nguyễn Quang Đỗ – cán bộ bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ia H’Drai, vẫn chưa thể phục hồi.

Ông Đỗ kể, khuya 8.4, ông Đinh Văn Tuấn (trú làng Típ, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, Kon Tum) đi ôtô độ chế vào đến chốt bảo vệ rừng Suối Ia Blok, Lâm trường Sê San. Tại đây, ông Tuấn gặp ông Nguyễn Quang Đỗ và gợi ý xin được đưa xe vào chở đồ đạc (chưa xác định chở đồ gì – PV). Sau đó, ông Đỗ không đồng ý nên 2 bên xảy ra mâu thuẫn.

“Chúng tôi nói chuyện nhưng ông Tuấn có những lời lẽ xúc phạm rồi xô xát với tôi. Chưa hết, ông Tuấn dùng dao chém ông tôi đứt gân tay, tổn thương xương cổ tay, phải phẫu thuật nối gân tay” – ông Đỗ nhớ lại.

Không chỉ cản trở lực lượng chức năng làm nhiệm vụ như tại Kon Tum, nhiều đối tượng lâm tặc còn sẵn sàng tấn công bằng hung khí nếu bị kiểm lâm bắt quả tang đang phá rừng hoặc vận chuyển lâm sản.

Đơn cử như như ở Vườn Quốc gia Yok Đôn trong thời gian ngắn liên tiếp xảy ra tình trạng kiểm lâm bị lâm tặc hành hung. Anh Tạ Công Sinh, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 11 (thuộc Vườn Quốc gia Yok Đôn, Đắk Lắk) nhớ lại, thời điểm tháng 2 vừa qua, khi đang làm nhiệm vụ trong rừng thì anh nghe qua bộ đàm đồng nghiệp báo về có nhiều đối tượng tấn công kiểm lâm.

“Trước đó, anh em chúng tôi chia ra làm 2 nhóm để truy bắt các đối tượng lâm tặc. Một nhóm của anh Ngô Lê Nhật Tiến, Nguyễn Văn Triều – Trạm bảo vệ rừng số 7, lần theo dấu vết của lâm tặc vận chuyển gỗ từ vườn ra vùng đệm. Phát hiện xe gỗ đang phóng bạt mạng trong rừng, 2 anh Tiến và Triều tiến hành truy bắt. Vừa truy bắt, các anh báo cáo để chúng tôi đến hỗ trợ. Mãi đến khi lực lượng hỗ trợ đến nơi, chúng tôi đã truy bắt được nhiều xe tang vật cùng hình ảnh lâm tặc để phục vụ điều tra” – anh Sinh kể và cho biết, trong quá trình làm nhiệm vụ, cả anh Tiến và anh Triều đều bị lâm tặc sử dụng dao, gậy gộc hành hung gây chấn thương ở vùng mặt.

Kiểm lâm “tay không bắt giặc”

Ít ai biết, 7 cán bộ tại trạm bảo vệ rừng số 11 hiện được phân công quản lý, bảo vệ hơn 5.000ha rừng nguyên sinh. Công việc các anh bắt đầu từ tờ mờ sáng và kết thúc lúc tối muộn. Vất vả là thế, theo lời anh Tạ Công Sinh, hiện anh em cán bộ trong trạm còn nhiều trăn trở khi làm nhiệm vụ. “Các anh em dù được trang bị các vũ khí phục vụ công việc nhưng ít khi sử dụng. Nguyên nhân bởi việc sử dụng vũ khí dễ gây sát thương cao và có thể liên lụy đến pháp luật nếu sử dụng không đúng quy định” – anh Sinh chia sẻ.

Khi vào rừng “ăn gỗ” hoặc “săn” lâm đặc sản của rừng, các đối tượng “thủ” theo đủ loại vũ khí “nóng”, “lạnh” và rất manh động, có thể rút súng bắn vào lực lượng kiểm lâm không một chút run tay để thoát thân.

“Trong khi đó, chúng tôi vào rừng trong tay chỉ có đèn pin và điện thoại. Dùi cui điện, súng caosu thì thiếu và dùng lâu ngày bị hỏng. Có những dùi cui điện bị mủn nát, chủ yếu là đeo để thị uy chứ nếu phải đấu thì hoàn toàn không cân sức” – anh Hà Hải Bình – Đội trưởng Đội Kiểm lâm đặc nhiệm – Cục Kiểm lâm (Bộ NNPTNT) chia sẻ.

Theo lời anh Bình, năm nào cũng có vài vụ kiểm lâm bị “lâm tặc” hành hung, xâm hại. Nhẹ thì sứt chân mẻ trán, nặng thì gãy tay vỡ đầu. Cũng theo đội trưởng Hà Hải Bình, lực lượng kiểm lâm đã vậy, lực lượng bảo vệ rừng còn khổ hơn.

“Lực lượng bảo vệ rừng do chủ rừng tự tổ chức và đảm bảo. Đây là lực lượng mang tính dân sự nên ngoài trang thiết bị cơ bản như đèn pin, gậy gỗ… còn lại không có gì. Kể cả việc đào tạo sử dụng phương tiện, công cụ, nghiệp vụ gần như hoàn toàn thiếu. Vì vậy, dù nhiều khi gặp các đối tượng phá rừng, nhưng công tác đảm bảo an toàn cán bộ là khâu quan trọng nhất nên phải lẳng lặng rút, chịu thua“ – Đội trưởng Hà Hải Bình nói.

Còn theo anh Sinh, bên cạnh nguyên nhân khách quan, công tác bảo vệ rừng trở nên gian nan bởi việc xử lý các đối tượng hành hung kiểm lâm vẫn còn chưa nghiêm, chưa có sức răn đe.

“Cũng có trường hợp đánh kiểm lâm xong rồi lúc xử phạt hành chính vẫn không đóng tiền phạt. Có trường hợp lại không đủ yếu tố để khởi tố hành vi tấn công người thi hành công vụ… Cứ thế, lâm tặc hoành hành coi thường pháp luật” – anh Sinh chia sẻ.

Ông Phạm Tuấn Linh – Phó Giám đốc phụ trách Vườn Quốc gia Yok Đôn, việc các đối tượng chống đối và dùng dao, gậy tấn công người thi hành công vụ đang xảy ra với chiều hướng phức tạp làm ảnh hưởng đến tâm lý công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng.

“Việc xử lý các hành vi chống người thi hành công vụ trong thời gian qua còn chậm, do đó chưa thể tạo tính răn đe, tuyên truyền trong nhân dân, một số đối tượng coi thường pháp luật. Chúng tôi đã đề nghị Sở NNPTNT kiến nghị UBND tỉnh Đắk Lắk có chỉ đạo Công an tỉnh, huyện Ea Súp nhanh chóng điều tra, xử lý các đối tượng cầm đầu, kích động, xúi dục, lôi kéo người đồng bào tại chỗ phá rừng” – ông Linh nói.

*Kiểm lâm được trang bị các loại vũ khí quân dụng theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 có hiệu lực từ ngày 1.7.2018. Cụ thể, kiểm lâm, hải quan cửa khẩu, lực lượng chuyên trách chống buôn lậu của hải quan được trang bị súng ngắn, súng tiểu liên và đạn sử dụng cho các loại súng này.

Kiểm lâm là lực lượng chuyên trách của Nhà nước, có chức năng bảo vệ rừng, giúp Bộ trưởng Bộ NNPTNT và Chủ tịch UBND các cấp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Lực lượng kiểm lâm được trang bị các loại vũ khí quân dụng là súng ngắn, súng tiểu liên và đạn sử dụng cho các loại súng này để phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ rừng, bảo đảm chấp hành pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh đó còn được trang bị công cụ hỗ trợ như dùi cui điện, dùi cui caosu, phương tiện xịt hơi cay, áo giáp, găng bắt dao, mũ chống đạn, khóa số tám và động vật nghiệp vụ.

*Trước tình trạng lâm tặc chống trả quyết liệt và hành hung lực lượng bảo vệ rừng tại Kon Tum, Chi cục Kiểm lâm Kon Tum vừa kiến nghị Sở NNPTNT tham mưu UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, cương quyết xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi chống người thi hành công vụ, hủy hoại tài sản; đồng thời kiến nghị các ngành chức năng phải áp dụng khung hình phạt cao nhất với loại đối tượng này.