Không dám nhận bàn giao hàng ngàn hécta vì rừng đã trọc hóa

Chính quyền tỉnh Gia Lai đang chuẩn bị bàn giao hàng ngàn hécta đất rừng thuộc Dự án 661 Tây Bắc Đắk Đoa lại cho các BQL rừng phòng hộ ở một số địa phương quản lý. Việc bàn giao này tưởng chừng như đơn giản nhưng nếu làm không thỏa đáng sẽ rất dễ gây ra hàng loạt hệ lụy khó lường…

Bàn giao cánh rừng từng bị “xẻ thịt”

Được biết, Dự án 661 Tây Bắc Đắk Đoa do BCH quân sự tỉnh Gia Lai quản lý với diện tích đất rừng khoảng 4.200ha (có 2.200ha diện tích rừng tự nhiên). Mục đích của dự án là bảo vệ, quản lý và phát triển rừng tự nhiên cũng như rừng sản xuất. Tuy nhiên, thời gian trước đó, tại lâm phần thuộc BQL dự án đã xảy ra nhiều vụ chặt phá rừng, trái phép. Hàng loạt cán bộ, quân nhân của BQL dự án 661 Tây Bắc Đắk Đoa bị xử lý kỷ luật.

Hiện trường một vụ phá rừng ở Gia Lai. Ảnh: Khánh An

Tỉnh ủy Gia Lai quyết định chuyển giao toàn bộ diện tích đất rừng thuộc dự án kể trên cho các địa phương và các BQL rừng phòng hộ Đắk Đoa, Đông Bắc Chư Păh và Bắc Biển Hồ quản lý. Lý do được đưa ra đó là để việc khai thác, quản lý đất rừng đạt được hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, BQL rừng phòng hộ Đắk Đoa dự kiến sẽ được bàn giao đến 2.200ha đất rừng. Tuy vậy, thời gian vừa qua, cánh rừng do đơn vị kể trên chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ thường xuyên bị lâm tặc tấn công, hàng loạt cây gỗ quý bị đốn hạ không thương tiếc. Rừng đang quản lý, đơn vị đã lo chưa xuể thì nay bỗng dưng “từ trên trời rơi xuống” cả ngàn diện tích rừng tự nhiên. Chẳng biết chủ rừng sẽ xoay sở như thế nào nếu rừng mới được bàn giao lại bị lâm tặc kéo vào tàn phá.

“UBND tỉnh Gia Lai đã yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chuyển giao toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, bản đồ, vật chất có liên quan phục vụ cho công tác bàn giao. Chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan cẩn trọng, tránh lợi dụng việc bàn giao để các đối tượng vào rừng chặt phá, khai thác, xâm lấn đất rừng trái phép. Chính quyền, đơn vị nào để xảy ra phá rừng thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Kpă Thuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai – cho biết.

Chủ rừng sợ bị truy cứu trách nhiệm

Các BQL rừng phòng hộ kể trên đều cùng chung tình cảnh ái ngại, sợ bị truy cứu trách nhiệm sau khi nhận bàn giao quản lý cánh rừng có diện tích rất lớn và đã từng bị “xẻ thịt”.

Cánh rừng tự nhiên hơn 2.200ha này không chỉ là “lá phổi xanh” của Gia Lai mà còn là của cả vùng Tây Nguyên. Trước đây, nó được phía quân đội quản lý, bảo vệ nên lâm tặc có phần dè chừng, không dám lộng hành nhưng nay được bàn giao cho đơn vị khác thì rất dễ trở thành “miếng mồi” của lâm tặc.

Nếu chính quyền Gia Lai không tính toán kỹ lưỡng việc bố trí nhân sự quản lý, bảo vệ trước khi tiến bàn giao thì rất dễ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, khó lường.

Lãnh đạo BQL rừng phòng hộ Đắk Đoa nêu quan điểm: “Đơn vị dự kiến sẽ nhận 2.500ha đất rừng. Khi chúng tôi tiến hành rà soát số liệu ghi sổ sách thì thấy có đến hơn 1.200 diện tích rừng tự nhiên. Đơn vị chỉ sợ rừng bàn giao bị phá, Sở NNPTNT và UBND tỉnh sẽ truy cứu trách nhiệm về sau.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang thiếu hụt nhân sự trầm trọng, mỗi nhân viên phải theo dõi hàng trăm hécta rừng. Việc tăng thêm diện tích đất rừng quản lý sẽ làm tăng gánh nặng cho đơn vị; khi để xảy ra phá rừng lại phải gánh vác trách nhiệm rất nặng nề trước Sở NNPTNT, UBND tỉnh”.

Ông Nguyễn Văn Hoan – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai – nhấn mạnh: “UBND tỉnh sẽ thuê đơn vị tư vấn, đánh giá, kiểm kê hiện trường rừng một cách độc lập. Khi các địa phương, BQL rừng phòng hộ và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh thống nhất về hiện trạng rừng thì mới lập biên bản bàn giao, tránh đổ thừa trách nhiệm”.

Nếu được giao nhận thêm đất rừng thì phải kiện toàn tổ chức bộ máy, tăng thêm biên chế nhân sự cho các BQL rừng phòng hộ; thành lập thêm các chốt canh gác may ra có thể làm tốt công tác giữ rừng. Tuy nhiên, trong bối cảnh các đơn vị đều phải thực hiện tinh giản biên chế thì đề xuất tăng nhân sự sẽ rất khó thực hiện. Sở đang tính đến phương án điều động nhân viên ngành lâm nghiệp bổ sung cho những khu vực trọng điểm thường xuyên có lâm tặc hoành hành, ông Hoan thông tin.