Buộc tái xuất 7.000 tấn thép phế liệu vì vi phạm Luật Môi trường

Mới đây, việc một số DN nhập 7.000 tấn thép phế liệu bị ách tắc ở các cảng do cách xử lý chưa thống nhất của các cơ quan chức năng và cách hiểu các văn bản chưa rõ ràng. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, đoàn kiểm tra liên ngành do Bộ TNMT chủ trì đã tiến hành kiểm tra các lô hàng nhập khẩu (NK) thép phế liệu và kết luận: Các lô hàng đều vi phạm Luật Bảo vệ môi trường (LBVMT) và việc áp dụng biện pháp buộc tái xuất là đúng quy định của pháp luật.

Để hiểu rõ vấn đề này, ông Trần Hồng Hà – Cục trưởng Cục BVMT, Trưởng đoàn kiểm tra đã có cuộc trao đổi ngắn gọn sau đây. 

– Lý do nào khiến đoàn kiểm tra liên ngành đưa ra kết luận các lô hàng sắt thép phế liệu vi phạm LBVMT, trong khi trước đó cả Hiệp hội Thép, Bộ Công Thương đều có văn bản cho rằng DN NK sắt thép phế liệu, làm nguyên liệu cho sản xuất phôi thép? 

Qua kiểm tra các lô hàng thép phế liệu NK của 4 đơn vị ở Hải Phòng, gồm: Công ty cổ phần (CP) thép Đình Vũ, Công ty CP Tập đoàn Hoà Phát, Công ty TNHH thép Teachmart (đã đổi tên là Công ty CP Tập đoàn Vina Megastar), Công ty CP kim khí Hưng Yên và 2 đơn vị ở TP.HCM gồm: Công ty TNHH thương mại Anh Trang và Công ty CP kim khí TP.HCM, kết luận của đoàn kiểm tra là: Không đáp ứng yêu cầu về BVMT do các DN vi phạm các quy định tại điểm a (không phân loại chất thải nguy hại với chất thải thông thường) và điểm b (lẫn chất thải nguy hại), Khoản 1, Điều 43, Luật BVMT.

Trên thế giới và trong nước, chất thải nguy hại phải được phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý riêng với chất thải thông thường (theo Thông tư 12/2006/TT-BTNMT ngày 26/12/2006 của Bộ TNMT hướng dẫn điều kiện hành nghề và thủ tục lập hồ sơ, đăng ký, cấp phép hành nghề, mã số quản lý chất thải nguy hại), vì vậy không thể có những “ưu tiên” với phế liệu nhập khẩu có lẫn chất thải nguy hại.

– Theo ông, với phương pháp kiểm tra bằng mắt thường các lô hàng kể trên đã có thể kết luận chính xác mức độ vi phạm của các DN chưa? Liệu tới đây Bộ TNMT có phải sửa lại Điều 43 Luật BVMT để quy định chặt chẽ hơn về định nghĩa thế nào là “phế liệu sạch”, thế nào là “tạp chất được phép đi kèm” để không dẫn đến những cách hiểu khác nhau? 

Danh mục chất thải nguy hại được ban hành rất rõ ràng và cụ thể, có thể xác định được ngay khi tiến hành kiểm tra thực tế, vì vậy có thể khẳng định ngay mức độ vi phạm của các lô hàng do đã có lẫn các tạp chất nguy hại và không được phép NK.

Trên thực tế, việc chậm trễ trong việc xử lý các lô hàng phế liệu NK trái phép trong thời gian vừa qua là do các DN chưa tìm hiểu và nhận thức rõ về điều kiện và yêu cầu đối với phế liệu NK, danh mục chất thải nguy hại đã được ban hành, đồng thời chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định xử lý vi phạm hành chính theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 81/2006/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT. Ngoài ra, một số DN có biểu hiện gây cản trở công tác của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

– Vậy, đoàn kiểm tra kiến nghị xử lý ra sao đối với các lô hàng này? Hiện đã có DN nào tái xuất các lô hàng NK ấy chưa? 

Việc xử lý của các cơ quan chức năng trong thời gian vừa qua là đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Đến nay, đã có 4/6 DN chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền và Công ty cổ phần Tập đoàn Hoà Phát đã tái xuất được 29 container, số còn lại các Công ty chưa thực hiện việc tái xuất phế liệu theo quy định và đang kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, cho phép áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc xử lý, tiêu huỷ thép phế liệu NK bảo đảm tiêu chuẩn môi trường để giảm bớt thiệt hại.

Tuần tới, Bộ TNMT sẽ họp với các bộ, ngành liên quan để thống nhất biện pháp xử lý đối với các lô hàng trên.

Bên cạnh đó, ông Phạm Chí Cường – Chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA) – cho biết: VSA cũng đang hoàn chỉnh văn bản bổ sung gửi các cơ quan chức năng để kiến nghị tiếp tục giải quyết khó khăn cho việc NK sắt thép phế liệu làm nguyên liệu cho sản xuất phôi thép của ngành thép.

Trước mắt, hiệp hội sẽ thông báo cho các DN tạm ngừng NK các lô thép bánh tương tự để tránh ách tắc xảy ra. Hiệp hội kiến nghị Bộ TNMT, Bộ Công Thương sớm tổ chức họp để điều chỉnh các quy định về luật cho phù hợp với điều kiện thực tế VN.