Tìm ra con tàu đánh cá đầu gù quý hiếm đưa lên Facebook

Cá mó đầu gù đã được đưa vào danh mục đỏ của Liên minh bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, cấm đánh bắt.

Ngày 10-6, nguồn tin của PLO cho biết, Chi cục Thủy sản Bình Thuận đã truy tìm được chiếc tàu đánh bắt cá mó đầu gù sau khi một tổ chức phi chính phủ chuyên bảo vệ động vật hoang dã cung cấp thông tin và hình ảnh.

Một thuyền viên tàu Bth-97730 “khoe” ảnh cá mó đầu gù vừa đánh bắt.

Trước đó, trung tuần tháng 5-2020, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một tàu cá được cho là ở đảo Phú Quý đánh bắt được đàn cá mó đầu gù (còn gọi là cá mó đầu u hoặc cá vẹt) rất lớn.

Những hình ảnh lan truyền cho thấy hơn chục cá mó đầu gù khủng, xanh mướt nằm trên khoang tàu gỗ. Ngoài ra còn có hình ảnh một thuyền viên ôm con cá mó đầu gù nặng khoảng 30kg đứng trên tàu.

Cá mó đầu gù trưởng thành dài tới 1,5m, nặng 60 kg. Loài này sống thành đàn từ 20-100 con, sống rất lâu (đến 40 năm), sinh sản rất thấp.

Chúng thường sống trong các vịnh, quanh các hang động dưới nước và xác tàu đắm vào ban đêm. Món ăn của cá đầu gù là san hô, tảo… Mỗi con cá có thể tiêu thụ tới 5 tấn san hô/năm, chúng là nhà sản xuất cát san hô quan trọng, tác động tích cực đến sự phục hồi của hệ thống sinh thái rạn san hô.

Những bãi biển nào có nhiều cát mịn trắng tinh thì xác suất có nhiều cá đầu gù. Cá đầu gù ăn san hô, nghiền san hô thành bột mịn, rồi thải ra, được sóng biển đánh dạt lên bãi cát.

Loài này bị ngư dân săn bắt rất nhiều và nó đã bị suy giảm số lượng quần thể do đánh bắt quá mức. Suy thoái và hủy diệt môi trường sống cũng góp phần làm suy giảm. Loài cá này đã được liệt vào danh mục đỏ của Liên minh bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) ở hạng gần nguy cấp. Riêng ở Việt Nam loài cá này được xếp vào dạng EN (nguy cấp) cần được bảo vệ.

Đàn cá mó đầu gù bị tàu Bth-97730 đánh bắt.

Cá mó đầu gù nằm trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm nhóm I. Theo Nghị định 42-2019/NĐ-CP, nếu khai thác thủy sản nằm trong danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm nhóm I, mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ phạt tiền từ 30 – 100 triệu đồng nếu khối lượng thủy sản từ dưới 10 – 100kg trở lên.

Theo Chi cục Thủy sản Bình Thuận, sau khi nhận được thông tin, hình ảnh trên, Trạm Quản lý và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản (trạm TS) Phú Quý đã phối hợp với chính quyền địa phương xác định được chiếc tàu trên là tàu Bth-97730TS. Tuy nhiên khi mời làm việc thì thuyền trưởng VVT ngụ Đông Hải, Long Hải (Phú Qúy) cùng chiếc tàu trên đã ra khơi hoạt động đánh bắt trên biển.

Ngày 2-6, khi con tàu này trở về đảo, trạm TS đã mời thuyền trưởng đến làm việc. Theo lời khai của thuyền trưởng VVT, khoảng cuối tháng 4-2020, tàu Bth-97730TS đánh bắt cá tại khu vực đảo Đá Đông (quần đảo Trường Sa) thì phát hiện một đàn cá mó giáp (tức cá mó đầu gù) dưới rạn san hô.

Do không biết đây là loài cá quý hiếm cấm đánh bắt nên các thuyền viên đã vây bắt rồi chụp ảnh đưa lên Facebook. Sau đó nhiều người trên mạng xã hội bình luận đây là loài cá nguy cấp không được đánh bắt nên gỡ xuống. Và cùng trong chuyến biển này tàu Bth-97730 còn phát hiện nhiều đàn cá mó đầu gù lớn hơn nhưng đã bỏ qua không đánh bắt. Thuyền trưởng cũng đã cam kết không vi phạm khai thác các loài thủy sinh nguy cấp khi hoạt động đánh bắt trên biển thêm lần nào nữa.

Nhiều ngư dân địa phương cho biết, thông thường họ không nắm rõ thông tin loài cá nào nằm trong danh mục đỏ, có nguy cơ tuyệt chủng, nguy cấp hay gần nguy cấp. Khi đánh bắt, phát hiện và quay lưới trúng luồng cá nào thì ngư dân khai thác đưa lên bờ vận chuyển vào đất liền. Do đó, để hạn chế việc đánh bắt nhầm cá quý hiếm, nên truyền thông bằng hình ảnh nhiều hơn để ngư dân không khai thác, vận chuyển, mua bán trái pháp luật, vi phạm Luật Thủy sản.