Bồi hoàn đa dạng sinh học: Cơ hội trả lại thiên nhiên những gì đã mất

Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang được giới chuyên gia kiến nghị đưa vào Luật là bồi hoàn đa dạng sinh học để trả lại thiên nhiên những gì đã mất…

Nhiều loài chim quý hiếm được nuôi dưỡng, bảo tồn tại khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười. (Ảnh: Nam Thái/TTXVN)

Đa dạng sinh học là một thành phần đặc biệt của môi trường, tuy nhiên, các quy định đánh giá tác động về cảnh quan, phương pháp dự báo sự suy giảm, mất mát dạng sinh học vẫn còn sơ sài, thiếu cụ thể và chưa thực sự được quan tâm, coi trọng. Một số trường hợp, do thiếu các đánh giá phù hợp về tác động của dự án đối với cảnh quan thiên nhiên, dẫn đến nhiều danh lam thắng cảnh, di sản bị phá vỡ, không thể phục hồi.

Vì thế, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã bổ sung quy định bồi hoàn đa dạng sinh học với kỳ vọng bù đắp lại những giá trị của tự nhiên bị mất đi do tác động của các dự án đầu tư cũng như kiểm soát các hoạt động “đánh đổi môi trường lấy kinh tế.”

Những “thiếu vắng” từ Luật

Tại buổi chia sẻ về chính sách trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi diễn ra chiều 8/6, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn, Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), cho biết hiện nay việc khai thác, sử dụng cảnh quan vẫn có tính đơn ngành; chưa có đánh giá cụ thể về các đặc trưng của cảnh quan để có chiến lược bảo tồn và quản lý tổng hợp.

Minh chứng điển hình là việc chuyển đổi đất rừng để phát triển cây công nghiệp ở Tây Nguyên hiện còn hơn 3,3 triệu hécta rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp. Trung bình mỗi năm, Tây Nguyên có gần 6.000 hécta rừng tự nhiên bị biến mất. Điều này ảnh hưởng đến chức năng của hệ sinh thái, đặc biệt là điều hoà nguồn nước gây tình trạng khô hạn kéo dài.

Ngoài ra, việc cảnh quan bị phân mảnh cũng đã ảnh hưởng đến các chức năng và đa dạng sinh học của cảnh quan. Tại Việt Nam, phân mảnh rừng là một hiện tượng phổ biến ở tất cả các vùng miền. Đơn cử như dãy Trường Sơn, trong vài thập niên qua, rừng tự nhiên ở đây đã bị suy thoái và phân mảnh nghiêm trọng gây ảnh hưởng khả năng điều tiết lũ lụt và hạn hán, nhiều loài sinh vật quý hiếm, đặc hữu bị đe dọa.

Thậm chí, nhiều khu vực thuộc các di sản thiên nhiên, hay ở các di sản có giá trị đặc biệt tầm quốc tế về thẩm mỹ, địa chất-địa mạo như vịnh Hạ Long, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, các công viên địa chất toàn cầu (Cao nguyên đá Đồng Văn, Non nước Cao Bằng)… cũng đã có các hoạt động xâm hại cảnh quan.

Điều đáng lưu tâm là nhiều cảnh quan thiên nhiên, sau khi bị phá vỡ sẽ không thể phục hồi nguyên trạng, dẫn theo nhiều hệ lụy về suy thoái các hệ sinh thái đa dạng sinh học; làm tổn thất đến sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa, đặc biệt đối với các hoạt động du lịch và bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học.

Trong khi đó, các quy định về nội dung đánh giá tác động đa dạng sinh học còn sơ sài, không cụ thể. Các giải pháp bảo vệ môi trường đề xuất trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) cũng tập trung chủ yếu vào xử lý chất thải, giảm thiểu chất ô nhiễm mà chưa quan tâm thích đáng đến bảo vệ cảnh quan, bảo tồn đa dạng sinh học.

“Mặc dù ĐTM có yêu cầu cân nhắc đến ngăn ngừa tác động đến hệ sinh thái, bảo tồn tính đa dạng sinh học, tuy nhiên chưa có cơ chế để thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động bất lợi phù hợp, bao gồm áp dụng bồi hoàn đa dạng sinh học, góp phần không nhỏ gây ra sự suy giảm đa dạng sinh học hiện nay ở nước ta,” bà Nhàn nhấn mạnh.

Về quy định pháp luật đối với bảo vệ cảnh quan ở Việt Nam, bà Nhàn cho biết đã được đề cập trong một số Luật và các văn bản dưới Luật như: Luật đa dạng sinh học 2008, Luật Di sản văn hóa 2013, Luật Bảo vệ Môi trường 2014,… Tuy nhiên, cảnh quan đang được hiểu theo các khía cạnh khác nhau, chưa được quy định chế độ quản lý…

Ảnh minh họa (Nguồn: TTXVN)

Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành chính sách quản lý, bảo vệ cảnh quan, đặc biệt là cảnh quan thiên nhiên. Một số quốc gia ban hành các đạo luật riêng về quản lý, bảo vệ cảnh quan như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ngoài ra, nội dung bảo vệ cảnh quan thiên nhiên được đề cập trong các Công ước, hướng dẫn như Công ước cảnh quan châu Âu, hướng dẫn của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN)…

Phương án kinh tế tốt

Từ nhưng bất cập nêu trên, đại diện Tổng cục Môi trường cho rằng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã bổ sung các quy định pháp lý về đánh giá tác động cảnh quan thiên nhiên quan trọng; kiểm soát các tác động bất lợi từ các dự án phát triển kinh tế-xã hội tới cảnh quan thiên nhiên quan trọng thông qua hệ thống ĐTM.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng bổ sung điều 147 về bồi hoàn đa dạng sinh học của cảnh quan thiên nhiên quan trọng. Theo đó, bồi hoàn đa dạng sinh học là việc bù đắp cho các giá trị đa dạng sinh học bị mất đi do tác động của dự án đầu tư gây ra sau khi đã áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và đa dạng sinh học.

Theo quy định này, chủ dự án có tác động làm suy giảm đa dạng sinh học có trách nhiệm: đánh giá đa dạng sinh học của khu vực bị tác động bởi dự án; dự báo mức độ suy giảm của đa dạng sinh học (nếu có) do việc triển khai dự án gây ra mà không thể giảm thiểu được; đề xuất phương án bồi hoàn đa dạng sinh học.

Phương án bồi hoàn đa dạng sinh học phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản như: đa dạng sinh học được bồi hoàn phải hơn hoặc tương đương với đa dạng sinh học bị suy giảm; ưu tiên thực hiện phương án bồi hoàn đa dạng sinh học tại khu vực bị mất đa dạng sinh học do thực hiện dự án. Trường hợp không thể thực hiện được tại chỗ thì chủ dự án có trách nhiệm đề xuất một địa điểm khác phù hợp theo quy định của pháp luật.

Đại diện Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cũng lưu ý, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới như Hoa Kỳ, Australia, Brazil, Colombia, Nam Phi, Hà Lan, Thụy Điển, Vương quốc Anh… đã thiết lập hoặc đang phát triển các chính sách bồi hoàn để bảo vệ cả loài và cả hệ sinh thái. Các khoản bồi hoàn ngày càng được sử dụng để đạt được lợi ích môi trường với các chính sách bồi hoàn được nâng cao ở hơn 30 quốc gia.

“Thông qua cơ chế bồi hoàn, đa dạng sinh học sẽ được bảo toàn, nhờ đó sẽ giảm mất mát đa dạng sinh học, duy trì cân bằng sinh thái trong quá trình phát triển của loài người, góp phần phát triển bền vững,” bà Nhàn nhấn mạnh.

Có chung quan điểm, phó giáo sư-tiến sĩ Lê Xuân Cảnh, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, cho biết ở Việt Nam mới thí điểm bồi hoàn đa dạng sinh học ở 2 địa phương là Bà Rịa-Vũng Tàu và Kiên Giang. Hiện nay, ở Kiên Giang đã bồi hoàn thành công, góp phần trả lại cho thiên nhiên những gì đã mất.

“Nếu chúng ta đưa bồi hoàn đa dạng sinh học vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi lần này, tôi cho rằng đây là phương án kinh tế rất tốt. Tức là đa dạng sinh học sẽ không bị mất đi, mà được bồi hoàn và có được nguồn kinh tế, tài chính từ những dự án phát triển lớn để cho phục hồi và duy trì đa dạng sinh học,” ông Cảnh nhấn mạnh.