Quốc hội bàn nhiều vấn đề kinh tế – xã hội quan trọng

Sau 8 ngày làm việc, từ ngày 20/5 đến 28/5, Quốc hội đã kết thúc đợt 1 của Kỳ họp thứ 9 họp theo hình thức trực tuyến.

Tại đợt 1 này, Quốc hội đã nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về phòng, chống dịch Covid-19 và những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội; nghe các báo cáo về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của nhân dân gửi đến từ kỳ họp thứ 8. Quốc hội cũng đã nghe và cho ý kiến về các tờ trình quan trọng.

Tại kỳ họp lần này, trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Trần Hồng Hà nêu rõ: Sự bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch COVID-19 hiện nay đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn đề bảo vệ môi trường. Cùng với đó, sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ đã đặt ra cơ hội về đổi mới tư duy, cách thức trong quản lý môi trường, định hình các mô hình tăng trưởng mới cũng như những thách thức về sự dịch chuyển công nghệ cũ, ô nhiễm vào nước ta.

Về giấy phép môi trường, Bộ Trưởng Trần Hồng Hà cho biết, thời hạn của giấy phép môi trường tối đa là 5 năm đối với các dự án thuộc loại hình công nghiệp có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; 10 năm đối với các dự án khác hoặc có thể ngắn hơn theo đề nghị của chủ dự án đối với một số loại hình đặc thù như thuê nhà xưởng để sản xuất: “Dự thảo Luật bảo vệ môi trường đã quy định về nguyên tắc sử dụng thuế, phí bảo vệ môi trường, xác định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên môi trường trong việc đánh giá tác động mức độ gây ô nhiễm môi trường, hiệu ứng nhà kính của chất thải hoặc sản phẩm hàng hóa khi sử dụng. Đề xuất danh mục cụ thể các đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, phần này đã làm việc rất rõ với Bộ Tài chính, không có sự xung đột đến sự thống nhất trong Luật. Nhằm mục tiêu điều chỉnh hành vi theo hướng giảm phát thải, thân thiện môi trường, bổ sung nhiều công cụ kinh tế mới như tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cơ chế đặt cọc hoàn trả, trách nhiệm của nhà xuất nhập khẩu trong thu gom, tái chế, xử lý bao bì”.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – Phan Xuân Dũng cho rằng: “Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường đề nghị nghiên cứu cụ thể hơn về sự cố môi trường theo 4 mức: mức độ thấp, trung bình, cao và mức độ thảm họa tại khoản 1 điều 131, điều 133 trách nhiệm quản lý nhà nước trong phòng ngừa, ứng phó với sự cố môi trường, giữa Bộ Tài nguyên môi trường với các bộ khác”.

Đối với việc cấm hay không việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, vấn đề này được các đại biểu thảo luận với những ý kiến trái chiều. Ủng hộ phương thức kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Đại biểu Trần Hoàng Ngân – Đoàn đại biểu quốc hội TPHCM lý giải, người cho vay nếu không thu hồi được khoản nợ cho vay một cách hiệu quả thì sẽ hạn chế cho vay. “Tuy nhiên, thứ nhất là chúng ta phải đổi tên, bởi vì theo khảo sát của 3 Luật của Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc thì người ta dùng từ “dịch vụ kinh doanh thu hộ nợ”, nghe dễ dàng hơn là đòi nợ. Và quan điểm thứ hai của tôi, thì tuy là ghi vào trong Luật, nhưng hiện nay chúng ta nên dừng cấp phép mới bởi vì những điều kiện để đam bảo hoạt động nay kinh doanh đúng theo những quy định chuẩn mực, đem lại quyền lợi cho người cho vay, cũng như là người đi vay được thực thi một cách hợp pháp”.

Quốc hội cũng đã nghe trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, trong đó, vấn đề thu hút sự quan tâm của các đại biểu là hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP. Trong phiên thảo luận, nhiều đại biểu tranh luận về vấn đề kiểm toán với dự án PPP. Đại biểu Đặng Thế Vinh, đoàn đại biểu quốc hội Hậu Giang cho rằng, một dự án PPP mà bốn lần kiểm toán là quá nhiều. Ngay cả khi thực hiện 1, 2, 3 cuộc kiểm toán cũng không hợp lý, bởi vì dự án theo hình thức công tư PPP mang tính chất đặc thù, vừa công vừa tư, nên không thể áp dụng kiểm toán công toàn bộ hay tư toàn bộ: “Khoản 1, khi mới bắt đầu triển khai dự án mà đã kiểm toán việc tuân thủ lựa chọn nhà đầu tư là quá sớm, thứ hai dự án trong quá trình điều chỉnh, vậy khi kiểm toán ban đầu có đảm bảo rằng sau này không có sai phạm hay không, và kiểm toán ban đầu đó không phải là chứng chỉ ban đầu để sau này không kiểm toán nữa. Thứ hai, kiểm toán phần vốn nhà nước chỉ là một phần rất nhỏ. Điểm C kiểm toán phần tài sản công nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư nhưng chúng ta lại không biết giá trị công trình như thế nào thì liệu như vậy đã hợp lý chưa”.

Theo các đại biểu, kiểm toán phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp Luật, Hiến pháp, xem xét thời điểm xác định tiến hành kiểm toán và chỉ nên kiểm toán ở giai đoạn khi công trình đã hoàn thành và chuẩn bị đi vào vận hành.

Trong báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 trước Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, dư nợ công đến 31/12/2018 là hơn 3.200.000 tỷ đồng, bằng hơn 58% GDP thực hiện; nợ Chính phủ gần 2.800.000 tỷ đồng, gần bằng 50% GDP thực hiện. Nợ công tăng dẫn đến áp lực về nghĩa vụ nợ ngày càng cao đối với nhà nước. Liên quan đến chi ngân sách, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc chỉ rõ, còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán… Qua kiểm toán hơn 2.000 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính gần 9.500 tỷ đồng. “Nổi bật là, cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công; công tác thu xếp vốn tín dụng của Nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án; hầu hết các dự án BT và các dự án đối ứng đều chậm tiến độ so với hợp đồng; giao đất cho nhà đầu tư thanh toán dự án chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai 2013; xác định đơn giá đất chưa phù hợp; xác định giá đất để giao cho nhà đầu tư tại một số dự án còn tồn tại, bất cập…”

Trong khi đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải, nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán được giao: “Mục tiêu đặt ra trong kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, cơ cấu thu nội địa so với tổng thu ngân  sách nhà nước khoảng 84-85%; tỉ lệ thu từ thuế, phí, lệ phí khoảng 21% GDP, nhưng thực tế năm 2018, cơ cấu thu nội địa chỉ chiếm 80,7% tổng thu ngân sách nhà nước. Tỉ lệ thu từ thuế, phí, lệ phí chỉ đạt 19,1% GDP. Đồng thời, thu nội địa không bao gồm các khoản thu về nhà đất giảm 1,7% so với dự toán. Thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh ở cả ba khu vực là doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đều tiếp tục không đạt dự toán”.

Quốc hội cũng thảo luận và tiến hành giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; thảo luận, cho ý kiến Tờ trình về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Luật Tổ chức Quốc hội; thảo luận, cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều…

Trong đợt 2 của Kỳ họp thứ 9, Chương trình sẽ diễn ra từ ngày 8/6 – 18/6/2020, Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội để xem xét, thông qua nhiều vấn đề quan trọng. Đây cũng là kỳ họp không tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp. Theo Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, các đại biểu Quốc hội có vấn đề cần chất vấn sẽ gửi văn bản đến người được chất vấn và người được chất vấn có trách nhiệm trả lời đại biểu. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành thời gian xem xét, quyết định công tác nhân sự.

Nguồn: