WHO lên tiếng quan ngại về phương pháp miễn dịch cộng đồng

WHO lên tiếng cảnh báo, khái niệm “miễn dịch cộng đồng” là vô cùng nguy hiểm.

Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc chương trình Khẩn cấp Y tế của WHO. Ảnh: AFP

CNN dẫn lời tiến sĩ Mike Ryan – Giám đốc chương trình Khẩn cấp Y tế của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong cuộc họp báo ngày 11.5 cho biết: “Ý tưởng miễn dịch cộng đồng có thể xảy ra tình trạng các quốc gia có các biện pháp hạn chế lỏng lẻo và không cần phải làm gì sẽ bất ngờ đạt được một số khả năng miễn dịch cộng đồng – vậy nếu chúng ta mất đi những người cao tuổi trong quá trình này thì sẽ ra sao? Đây là một tính toán thực sự nguy hiểm”.

Thuật ngữ “miễn dịch cộng đồng” hay được gọi chính xác là “miễn dịch bầy đàn” được lấy từ dịch tễ học thú y, nơi mọi người “quan tâm đến sức khỏe tổng thể của cả đàn chứ không phải từng con động vật riêng lẻ”, ông Ryan cho biết, tuy nhiên, ông khẳng định rằng: “Con người không phải là những bầy đàn”.

Tiến sĩ Ryan nói rằng thế giới cần phải cẩn thận khi sử dụng thuật ngữ này, vì nó “có thể dẫn đến một sự tính toán rất tàn bạo, không đặt con người và cuộc sống của con người cùng những đau khổ của họ vào trọng tâm của sự tính toán đó”.

Để làm rõ, nhà dịch tễ học bệnh truyền nhiễm của WHO, Tiến sĩ Maria Van Kerkhove cho biết có khoảng 90 nghiên cứu được công bố đã cho thấy kết quả khảo sát kháng thể. Tuy nhiên, bà Van Kerkhove cũng lưu ý rằng vì nhiều nghiên cứu chưa được công bố nên WHO không thể đánh giá phê bình về tất cả các nghiên cứu này, nhưng bà cho biết: “Điều thú vị từ các nghiên cứu sắp ra mắt là tỉ lệ rất thấp trong số nhiều người được xét nghiệm có bằng chứng về kháng thể tại khắp các quốc gia ở châu Âu, Mỹ và Cchâu Á”.

Phạm vi này nằm trong khoảng từ 1% đến 10%, và một số lượng lớn người vẫn rất “nhạy cảm”, dễ mắc COVID-19.

Tiến sĩ Van Kerkhove khẳng định: “Điều đó thực sự quan trọng khi chúng ta nghĩ về những gì có thể xảy ra trong các đợt dịch bệnh tiếp theo hoặc cũng có thể là một sự phục hồi tiềm năng”.