Covid-19 cảnh báo sự vô trách nhiệm với động vật hoang dã

Vườn Bách thú London cảnh báo về việc thiếu hụt các nghiên cứu về sức khỏe của các loài hoang dã sẽ khiến con người dễ bị tổn thương đối với các dịch bệnh trong tương lai.

Thiếu hiểu biết về các vấn đề sức khỏe của động vật hoang dã sẽ khiến con người bị phơi nhiễm đối với các dịch bệnh nghiêm trọng hơn cả dịch Covid-19 đang bùng phát hiện nay, các chuyên gia của Vườn Bách thú London (ZSL) cảnh báo. Vườn Bách thú London, một tổ chức bảo tồn có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học về bệnh lý của các loài thú, đặc biệt là các bệnh lây từ động vật hoang dã sang con người, cho rằng cần nhiều nghiên cứu hơn để hiểu rõ về bệnh tật của các loài hoang dã và con đường những căn bệnh này chuyển biến thành bệnh trên con người, để giảm thiểu rủi ro về các đại dịch trong tương lai.

Tê tê – động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, là một trong số các loài bị nghi truyền nhiễm vi-rút cô-rô-na cho con người. Ảnh: Robin Hicks/Eco-Business.

Có cơ sở để cho rằng Covid-19 có nguồn gốc từ một chợ động vật hoang dã tại Vũ Hán, Tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, trước khi bùng phát khắp thế giới, khiến hàng triệu người mắc và làm tử vong hơn hàng trăm nghìn người tại thời điểm này, và đến nay các con số vẫn chưa dừng lại.

Tại khu chợ ngoài trời này, động vật hoang dã bị nhốt trong lồng và bán làm vật nuôi hoặc làm thực phẩm. Các mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng hiện nay, bao gồm Covid-19, Hội chứng suy hô hấp cấp tính nặng (Sars), Ebola và Zika đều bắt đầu từ bệnh trên động vật rồi lây sang con người.

Bảng giá bán hàng tại chợ hải sản Hoa Nam, Vũ Hán, Trung Quốc bao gồm cả giá hươu, rắn và đà điểu. Ảnh: SAM小K/Weibo

Vườn Bách thú London lưu ý rằng 61% bệnh lý của loài người có nguồn gốc từ động vật và 2/3 trong số tất cả các ca bệnh của con người được phát hiện từ đầu thế kỉ đến theo con đường này.

Ông Dominic Jermey, Giám đốc Vườn Bách thú London phát biểu: “Không thể biết có bao nhiêu ca lây nhiễm giữa các động vật hoang dã hay trong tình huống nào mà chúng có thể tạo dịch bệnh tiếp theo cho loài người. Nhưng nếu chúng ta biết được các yếu tố rủi ro về sự lây lan của các vi-rút từ các loài thú, chúng ta có thể đưa ra các giải pháp an toàn để ngăn chặn dịch xảy ra lần đầu mà không ảnh hưởng xấu tới các loài động vật hoang dã ở nơi vi-rút tự nhiên xuất hiện”.

Theo Vườn Bách thú London, số lượng tăng các vụ buôn bán hợp pháp và bất hợp pháp động vật hoang dã – được ước tính vào khoảng từ 7 tỉ tới 23 tỉ đô la Hoa Kỳ một năm – và tiếp xúc với động vật hoang dã tăng khi con người xâm phạm vào lãnh thổ của các loài hoang dã, sẽ làm tăng rủi ro lây bệnh từ động vật sang con người.

Vương quốc Anh đã ghi nhận hơn 100 nghìn ca mắc và hơn 15 nghìn ca tử vong do vi-rút cô-rô-na. Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson cũng đã phải trong tình trạng điều trị tích cực do vi-rút này. Trước tình hình đó, Vườn Bách thú London kêu gọi Vương quốc Anh thiết lập một trung tâm đặc biệt với các chuyên gia hàng đầu để tìm hiểu rõ hơn về nguồn dịch trong động vật hoang dã và con đường có khả năng lây truyền sang con người, để giúp chống lại các dịch bệnh trong tương lai.

Tuy nhiên, trung tâm toàn cầu của các vụ buôn bán phi pháp động vật hoang dã lại nằm ở Châu Á. Các quốc gia này giữ một hoặc nhiều vai trò (cung cấp nguồn, vận chuyển, đưa tới đích) trong quá trình buôn bán động vật hoang dã quốc tế phi pháp.

Ông Rohit Singh, người đứng đầu trong việc chống lại các vụ buôn bán này của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), đã nói với báo Eco-Business rằng việc buôn bán cần được nghiêm cấm chặt chẽ. Nhưng việc thực thi pháp luật tại nhiều thị trường động vật hoang dã phi pháp trong khu vực “cực kì yếu kém hoặc không được tiến hành”.

Biểu đồ Giá trị của các động vật hoang dã bị buôn bán bất hợp pháp tại Châu Á và Thái Bình Dương. Nguồn: Văn phòng Liên Hợp Quốc về Chống ma túy và tội phạm (UNODC)

Các chợ buôn bán động vật hoang dã rất phổ biến ở Đông Á và Đông Nam Á, là mảnh đất màu mỡ đầy tiềm năng cho sự lây lan vi-rút từ động vật sang con người, ông Singh cho biết. “Sự di chuyển của những người bị nhiễm bệnh, cùng với sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực giao thông và du lịch, có thể khiến các địa phương bùng phát dịch bệnh”, ông nói thêm.

Ông cũng cho hay biến đổi khí hậu, mất rừng, xâm phạm vào khu bảo tồn động vật hoang dã, tiêu thụ không bền vững hoặc thiếu kiểm soát các loài động vật hoang dã làm thức ăn và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, tất cả đã đóng góp vào sự lan rộng của các đại dịch.