Tổng Giám đốc Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) Petteri Taalas ngày 22/4 cho biết đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể giúp giảm 6% khí thải CO2 trong năm nay, mức giảm mạnh nhất hằng năm kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Phát biểu tại họp báo trực tuyến ở Geneva, ông Taalas cho biết: “Cuộc khủng hoảng này có một tác động lên lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Chúng tôi ước tính lượng khí thải CO2 sẽ giảm 6% trong năm nay vì giao thông đi lại giảm và sản xuất năng lượng công nghiệp giảm”.
Tuy nhiên, WMO nhấn mạnh dịch COVID-19 “có thể dẫn tới việc giảm tạm thời khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhưng không phải là sự thay thế cho một hành động khí hậu liên tục”.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Trái đất, WMO kêu gọi thế giới hãy chiến đấu chống biến đổi khí hậu với một quyết tâm tương tự như đã thể hiện trong cuộc chiến chống COVID-19. Theo WMO, 5 năm trở lại đây là những năm nóng kỷ lục và xu hướng này được dự báo sẽ tiếp tục. Mức CO2 tại một trạm quan sát toàn cầu đã cao hơn 26% so với mức năm 1970, trong khi mức nhiệt trung bình đã tăng 0,86 độ C kể từ đó. Mức nhiệt hiện nay cũng cao hơn 1,1 độ C so với thời tiền công nghiệp.
Tổng Giám đốc Taalas khẳng định các hiện tượng thời tiết cực đoan đã gia tăng và sẽ không biến mất vì dịch COVID-19, đồng thời cảnh báo các cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây thường đi kèm với một giai đoạn phục hồi, trong đó lượng khí thải tăng cao hơn nhiều so với trước khi khủng hoảng. Vì vậy, thất bại trong chống biến đổi khí hậu sẽ đe dọa cuộc sống của nhân loại, hệ sinh thái và các nền kinh tế trong “nhiều thế kỷ” tới.
Trong một diễn biến liên quan, Giáo hoàng Francis đã kêu gọi mọi người hãy bảo vệ môi trường, khẳng định rằng dịch COVID-19 đã chứng tỏ rằng một số thách thức hoàn toàn có thể được ứng phó bằng sự phối hợp toàn cầu.