Người trồng rừng lao đao

Dịch Covid-19 đã giáng một đòn nặng nề khiến người trồng rừng lao đao…

Rừng trồng ở Yên Bái. (Ảnh: Thái Sinh)

Tỉnh Yên Bái có 463.139,9 ha rừng, trong đó 217.537,1 ha rừng trồng, 245.602,8 ha rừng tự nhiên, có khoảng 30.000 hộ làm nghề trồng rừng, gần 500 cơ sở chế biến gỗ, mỗi năm XK 300.000m3 ván bóc, gỗ ghép thanh.

Kinh tế rừng của Yên Bái phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy trong 10 năm qua, đến cuối năm 2019 tổng diện tích rừng của Yên Bái là 463.139,9 ha, trong đó có 217.537,1 ha là rừng trồng: Keo, bồ đề, trám, mỡ, quế…, tỷ lệ che phủ rừng đạt 63%, đứng top đầu các tỉnh miền núi phía Bắc.

Hàng năm Yên Bái khai thác hơn 550.000m3, chế biến xuất khẩu gần 300.000m3 ván bóc và hàng trăm mét khối gỗ dán, gỗ ghép thanh XK sang các thị trường: Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan… Nhưng từ đầu năm đến nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ tới người trồng rừng, chế biến gỗ rừng trồng và XK.

Ông Vương Quốc Đạt – GĐ Cty Lâm nghiệp Thác Bà hiện đang trồng và kinh doanh gần 1.000ha rừng, một DN có “máu mặt” trong 5 DN trồng rừng còn lại của Yên Bái đã phải kêu trời: Từ đầu năm đến nay Cty mới chỉ khai thác được 5 ha, bởi không ai đến mua. Mọi năm dịp này các cơ sở chế biến gỗ đã đến đặt hàng tơi tới, còn năm nay chẳng mấy người đến hỏi…

Cty Lâm nghiệp Thác Bà mỗi năm khai thác từ 100-120 ha, thu nhập 7-8 tỷ, bình thường quý I khai thác 50 ha. Nhưng hết tháng 3 sang đầu tháng 4 rồi mới khai thác 10%. Thứ nhất là không có người mua, thứ hai giá rẻ, mỗi khối giảm 200.000đ/m3, thứ ba khách mua xin… chịu tiền. Thành ra, Cty thà để gỗ trên rừng để cây còn lớn, chứ bán chịu thì biết đến bao giờ mới đòi được tiền?

Vì thế, từ khi dịch Covid-19 xảy ra, nhất là khi có Chỉ thị 16 của Chính phủ, Cty cho cán bộ văn phòng nghỉ, công nhân thì tập trung trồng rừng. Hiện nay Cty đã trồng được khoảng 50 ha bạch đàn bằng các giống: K3229, CT3 UP54.

Cơ sở chế biến gỗ ván bóc. (Ảnh: Thái Sinh)

Do không khai thác nên từ tháng hai đến nay Cty phải vay ngân hàng trên 500 triệu để tạm ứng lương cho công nhân và cán bộ.

Ông Đạt buồn rầu: Mong sao dịch Covid-19 sớm chấm dứt, chứ cứ thế này thì chết mất thôi. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị giãn, hoãn và giảm các loại thuế và tiền thuê đất. Chỉ tính tiền thuê đất mỗi năm Cty trả khoảng 1 tỷ, hiện chưa biết lấy tiền đâu để trả.

Tỉnh Yên Bái có gần 500 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, tập trung ở các huyện: Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn làm ván bóc, gỗ ghép thanh, nhưng đến nay nhiều cơ sở đã đóng cửa. Tính ra chỉ có 20% số xưởng làm cầm chừng.

Ông Hoàng Văn Tuyến chủ cơ sở chế biến gỗ ở xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên thở dài: Dịp này năm ngoái cơ sở của gia đình tôi thu mua chừng 200m3 của bà con, năm nay chỉ mua khoảng 20m3, bởi SX ra ai mua? Các nhà khác đều đóng máy cả rồi. Gay quá, nhà tôi vay ngân hàng mấy trăm triệu tình hình này cũng chưa biết lấy tiền đâu trả. Con Cô vít này ác quá…

Công ty CP Yên Thành có trụ sở tại huyện Yên Bình, mỗi năm SX từ 6.500-7.000m3 ván ép, xuất khẩu trực tiếp sang Hàn Quốc khoảng 1.500m3, số còn lại bán cho các Cty trong nước: Thanh Hằng, Long Đạt, Việt Trung… để các Cty này XK.

Ván ép của Cty CP Yên Thành chờ xuất khẩu. (Ảnh: Thái Sinh)

Theo ông Nguyễn Đức Dũng – GĐ Cty: Từ đầu năm đến nay Cty thu mua 5.000m3 ván bóc để làm được 2.500m3 gỗ ván ép, giảm 30% so với mọi năm. Các hợp đồng với Hàn Quốc thì không có vấn đề gì, do Covid-19 thì việc XK có chậm, nhưng với các bạn hàng trong nước họ cũng đang nghe ngóng xem thị trường trong nước và  thế giới thế nào…

Các cơ sở thu mua và chế biến tinh dầu quế cũng đang hoạt động cầm chừng, mùa bóc vỏ quế đã bắt đầu, nhưng năm nay im ắng lạ thường.

Có lẽ chỉ có Cty CP Trà thảo mộc Quế phát chuyên SX nước lau sản từ tinh dầu quế hiện nay chưa bị ảnh hưởng mấy bởi dịch Covid-19, bà Nguyễn Kim Thoa – GĐ Cty cho biết: Mỗi ngày Cty SX khoảng 700 lít cung cấp cho thị trường Vĩnh Phúc, Lai Châu và một số tỉnh khác.