Hàn Quốc chạy đua thoát phụ thuộc khoáng sản quý hiếm Trung Quốc

Vonfram xanh nhấp nháy từ các bức tường của những hầm mỏ từng bỏ hoang có thể là xúc tác cho nỗ lực của Hàn Quốc nhằm phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc với các khoáng sản quan trọng.

Hàn Quốc săn tìm vonfram. Ảnh chụp màn hình

Sự phụ thuộc vào Trung Quốc

Mỏ vonfram (hay tungsten) ở Sangdong, cách Seoul 180km về phía đông nam, đang được hồi sinh để chiết xuất kim loại hiếm có giá trị trong thời đại kỹ thuật số, trong các công nghệ từ điện thoại, chip đến xe điện và tên lửa.

Nhiều quốc gia coi khoáng sản là vấn đề an ninh quốc gia khi Trung Quốc kiểm soát việc khai thác, chế biến hoặc tinh chế nhiều loại khoáng sản này.

Cường quốc Châu Á là nhà cung cấp khoáng sản quan trọng lớn nhất cho Mỹ và Châu Âu, theo nghiên cứu của Cơ quan Khảo sát Địa chất Trung Quốc năm 2019. Trong số 35 khoáng sản mà Mỹ phân loại là quan trọng, Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất của 13 loại khoáng sản, bao gồm các nguyên tố đất hiếm cần cho công nghệ năng lượng sạch. Trung Quốc là nguồn cung cấp 21 khoáng sản quan trọng lớn nhất cho Liên minh Châu Âu, như antimon dùng trong pin.

Mỏ vonfram (hay tungsten) ở Sangdong, Hàn Quốc. Ảnh chụp màn hình Reuters

“Trong nhà hàng nguyên liệu thô quan trọng, Trung Quốc đang ngồi ăn tráng miệng và phần còn lại của thế giới đang ngồi trên taxi đọc thực đơn” – Julian Kettle, Phó Chủ tịch cấp cao về kim loại và khai thác tại công ty tư vấn Wood MacKenzie, ví von.

Phải có phương án B

Tiềm năng đặc biệt lớn với Hàn Quốc, quê hương của các nhà sản xuất chip lớn như Samsung Electronics. Hàn Quốc là nước tiêu thụ vonfram bình quân đầu người lớn nhất thế giới và phụ thuộc vào Trung Quốc tới 95% trong nhập khẩu kim loại vốn được đánh giá cao nhờ sức mạnh không gì sánh được và khả năng chịu nhiệt.

Theo CRU Group, đơn vị phân tích hàng hóa có trụ sở tại London, Trung Quốc kiểm soát hơn 80% nguồn cung vonfram toàn cầu.

Mỏ vonfram ở Sangdong, đô thị từng có 30.000 dân và hiện chỉ còn 1.000 người, có một trong những mỏ vonfram lớn nhất thế giới và có thể sản xuất 10% nguồn cung toàn cầu khi đi vào khai thác từ năm 2023, theo chủ sở hữu mỏ.

Lewis Black, Giám đốc điều hành của Almonty Hàn Quốc, thuộc công ty mẹ là Almonty Industries, trụ sở tại Canada, cho biết, công ty có kế hoạch cung cấp khoảng một nửa sản lượng cho thị trường nội địa Hàn Quốc nhằm thay cho nguồn cung từ Trung Quốc.

“Rất dễ mua từ Trung Quốc và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc nhưng họ biết họ đang phụ thuộc quá mức. Bạn phải có một kế hoạch B ngay bây giờ” – Lewis Black nói.

Vonfram ở Sangdong, được phát hiện năm 1916, từng là trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc, chiếm 70% thu nhập xuất khẩu của đất nước trong những năm 1960 vào thời điểm kim loại này được sử dụng nhiều trong các công cụ cắt kim loại.

Mỏ Sangdong đã bị đóng cửa năm 1994 do nguồn cung khoáng sản từ Trung Quốc rẻ hơn.

Hiện tại Almonty đang nhận định rằng, nhu cầu kể trên, cùng với giá tiếp tục tăng nhờ cuộc cách mạng kỹ thuật số và cách mạng xanh cũng như mong muốn về đa dạng hóa các nguồn cung sẽ thúc đẩy việc khai thác ở mỏ này.

Giá ở Châu Âu của paratungstate 88,5%, thành phần nguyên liệu quan trọng trong các sản phẩm vonfram, đang giao dịch quanh mức 346 USD/tấn, tăng hơn 25% so với một năm trước và gần với mức cao nhất trong 5 năm, theo cơ quan định giá Kim loại Châu Á.

Mỏ Sangdong đang được hiện đại hóa, với những đường hầm rộng lớn được đào dưới lòng đất, trong khi nhà máy nghiền vonfram cũng đã bắt đầu hoạt động.

Kang Dong-hoon, một quản lý ở Sangdong, cho hay: “Chúng ta nên tiếp tục vận hành loại mỏ này để công nghệ mới có thể được chuyển giao cho các thế hệ tiếp theo. Chúng tôi đã biến mất trong ngành công nghiệp khai thác trong 30 năm. Nếu chúng tôi đánh mất cơ hội này, thì sẽ không còn cơ hội nữa”.

Almonty Industries đã ký một thỏa thuận 15 năm để bán vonfram cho Global Tungsten & Powders có trụ sở tại Pennsylvania,  Mỹ. Đây là nhà cung cấp cho quân đội Mỹ và sử dụng nhiều kim loại này trong các đầu đạn pháo, tên lửa và ăng ten vệ tinh.

Tuy nhiên, không có gì đảm bảo thành công lâu dài cho tập đoàn khai thác đang đầu tư khoảng 100 triệu USD vào dự án Sangdong, Reuters lưu ý. Những liên doanh như vậy có thể vẫn gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với Trung Quốc và một số chuyên gia trong ngành lo ngại rằng các nước phát triển sẽ không tuân thủ cam kết đa dạng hóa chuỗi cung ứng với các loại khoáng sản quan trọng.

Ngoại giao chuỗi cung ứng

Seoul đã thành lập lực lượng đặc trách các hạng mục chính về an ninh kinh tế sau cuộc khủng hoảng nguồn cung vào tháng 11 năm ngoái khi Bắc Kinh siết chặt xuất khẩu hợp chất urea mà nhiều phương tiện diesel Hàn Quốc bắt buộc phải sử dụng để cắt giảm lượng khí thải. Vào thời điểm đó, gần 97% urea của Hàn Quốc đến từ Trung Quốc và tình trạng thiếu hụt khiến người dân đổ xô tới các trạm xăng dầu khắp đất nước.

Chuỗi cung ứng khoáng sản cũng trở thành một nội dung của sứ mệnh ngoại giao. Ảnh chụp màn hình

Korea Mine Rehabilitation and Mineral Resources Corporation (KOMIR), cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm về an ninh nguồn lực quốc gia Hàn Quốc cho biết đã cam kết trợ cấp khoảng 37% chi phí đào hầm của Sangdong và sẽ cân nhắc hỗ trợ thêm để giảm thiểu bất kỳ tổn hại môi trường tiềm tàng nào.

Hồi tháng 1, Tổng thống đắc cử Yoon Seok-yeol đã cam kết giảm sự phụ thuộc vào khoáng sản của “một quốc gia nhất định” và tháng 4 vừa qua đã công bố chiến lược tài nguyên mới cho phép chính phủ Hàn Quốc chia sẻ thông tin dự trữ với khu vực tư nhân.

Hàn Quốc không đơn độc. Mỹ, Liên minh Châu Âu và Nhật Bản đều đã đưa ra hoặc cập nhật các chiến lược cung cấp khoáng sản quan trọng của đất nước trong 2 năm qua, đặt ra các kế hoạch rộng lớn để đầu tư vào các dòng cung cấp đa dạng hơn nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chuỗi cung ứng khoáng sản cũng trở thành một nội dung của sứ mệnh ngoại giao. Năm ngoái, Canada và Liên minh Châu Âu khởi động quan hệ đối tác chiến lược về nguyên liệu thô để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Gần đây, Hàn Quốc ký các thỏa thuận hợp tác với Australia và Indonesia về chuỗi cung ứng khoáng sản.

“Ngoại giao chuỗi cung ứng sẽ được nhiều chính phủ ưu tiên trong những năm tới vì việc tiếp cận các nguyên liệu thô quan trọng cho quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và xanh đã trở thành ưu tiên hàng đầu” – Henning Gloystein, Giám đốc nguồn năng lượng và khí hậu của công ty tư vấn Eurasia Group, cho hay.

Vào tháng 11, nhà hoạch định kinh tế hàng đầu Trung Quốc cho biết sẽ đẩy mạnh thăm dò các tài nguyên khoáng sản chiến lược bao gồm đất hiếm, vonfram và đồng.