Ngày Sức khỏe thế giới 7/4: Tôn vinh lực lượng y tế tuyến đầu

Tròn 70 năm kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức kỷ niệm Ngày Sức khỏe thế giới vào ngày 7/4 hằng năm (từ năm 1950), thế giới đang đối mặt với một thách thức y tế nghiêm trọng.

Ngày Sức khỏe thế giới 7/4 năm nay là một ngày hết sức đặc biệt. Cả thế giới đang gồng mình chống đại dịch COVID-19, dịch bệnh bùng phát khoảng 3 tháng trước, không chỉ đe dọa sức khỏe mà cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 74.400 người. Tròn 70 năm kể từ ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức kỷ niệm Ngày Sức khỏe thế giới vào ngày 7/4 hằng năm (từ năm 1950), thế giới đang đối mặt với một thách thức y tế nghiêm trọng, càng khiến cộng đồng quốc tế nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của sức khỏe đối với con người.

Một nữ y tá làm viêc tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 29/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Năm 2020, chủ đề của ngày 7/4 là “Universal Healthcare” (Chăm sóc sức khỏe toàn dân), triển khai chiến lược xây dựng khung hành động để hệ thống chăm sóc sức khỏe tiếp cận tới tất cả các khu vực trên thế giới là trọng tâm chính của WHO. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 đang là “cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có tiền lệ” với tốc độ lây lan không thể kiểm soát. Hơn 1.347.330 người nhiễm tại 209 quốc gia và vùng lãnh thổ tính đến trưa 7/4, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thống y tế toàn thế giới, làm đình trệ mọi hoạt động của cuộc sống thường nhật.

Tình trạng các ca nhiễm và tử vong tăng mạnh, gây quá tải ở các quốc gia được đánh giá là có hệ thống y tế hiện đại như Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Italy… đang khiến người ta lo ngại về “kịch bản xấu”, khi virus SARS-CoV-2 không bị ngăn chặn, lan nhanh tới những khu ổ chuột ở Ấn Độ hay Brazil, những làng quê nghèo châu Phi nơi hệ thống y tế còn thiếu thốn lạc hậu, hay những trại của người di cư vốn đông chật và thiếu vệ sinh.

Phần lớn những ca tử vong do COVID-19 đều ở độ tuổi trên 60, có những bệnh lý nền, như tiểu đường, tim mạch và huyết áp… Tuy nhiên, cũng có trường hợp ở những độ tuổi khác, không có bệnh lý nền và có cả trẻ nhỏ. Điều đó cho thấy dịch bệnh không loại trừ ai, từ người cao tuổi tới trẻ nhỏ, từ người dân tới các vị lãnh đạo, mà điển hình là Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa phải nhập viện điều trị COVID-19.

Trước dịch bệnh, vũ khí duy nhất mà mỗi người có thể sử dụng để ứng phó hiệu quả không phải tiền bạc hay địa vị mà là một nền tảng sức khỏe tốt. Để có được điều này, mỗi người cần nâng cao nhận thức về những lối sống lành mạnh và biện pháp để bảo vệ sức khỏe. Đây cũng là lúc vấn đề chăm sóc sức khỏe toàn dân trở thành trọng tâm hành động tại mỗi quốc gia và trên toàn cầu.

Năm 2020 còn được WHO công nhận là Năm quốc tế các y tá, điều dưỡng và hộ sinh, những người như Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, là lực lượng ‘xương sống’ của mọi hệ thống y tế trên thế giới. Năm nay WHO dành ngày 7/4 để tôn vinh công việc của lực lượng này, cũng như đề cao vai trò của họ trong việc đảm bảo một thế giới khỏe mạnh.

Nhân viên y tế làm việc tại khu vực điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện Erasme ở Brussels, Bỉ, ngày 27/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở hầu hết các quốc gia, đội ngũ y tá và điều dưỡng chính là những người sát cánh cùng các bác sĩ ở tuyến đầu phòng chống dịch, với những nhiệm vụ hết sức quan trọng như chăm sóc và điều trị, tham gia đối thoại cộng đồng để hiểu hơn về những lo lắng và thắc mắc của người bệnh, và ở một khía cạnh khác, họ cũng tham gia thu thập dữ liệu cho các nghiên cứu lâm sàng.

Có thể nói một cách đơn giản rằng, nếu không có đội ngũ này, thế giới sẽ khó có thể phản ứng một cách toàn diện với dịch bệnh. Mở rộng ra, đây là một lực lượng quan trọng giúp các quốc gia đạt các chỉ tiêu liên quan đến tỷ lệ người dân tiếp cận chăm sóc y tế, các mục tiêu sức khỏe sinh sản và trẻ em, mục tiêu kiểm soát các dịch bệnh truyền nhiễm, không truyền nhiễm, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân. Theo WHO, thế giới cần thêm 9 triệu y tá, điều dưỡng và nữ hộ sinh mới có thể đạt mục tiêu bao phủ y tế toàn cầu vào năm 2030.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 12/2019 tại Trung Quốc tới nay, thế giới ghi nhận hơn 100 nhân viên y tế, bao gồm cả bác sĩ, y tá, điều dưỡng đã tử vong vì lây nhiễm virus khi đang làm nhiệm vụ. Với tốc độ lây lan nhanh chóng và số ca tử vong tăng khó kiểm soát, dịch bệnh đẩy hầu hết hệ thống y tế ở nhiều quốc gia như Mỹ, Italy và Tây Ban Nha vào tình trạng quá tải, khan hiếm cả nhân lực và vật lực. Tại Mỹ, từ Los Angles tới Miami, nhiều địa điểm từng là trung tâm hội nghị, sân thể thao và điểm đỗ xe đang được chuyển đổi khẩn cấp thành các bệnh viện dã chiến, nhưng thứ thiếu thốn lúc này chính là đội ngũ y tế và thiết bị bảo hộ. Tại Anh, bệnh viện NHS Nightingale London, một trong 6 bệnh viện dã chiến được thiết lập, khi đi vào hoạt động sẽ tương đương 10 bệnh viện khu vực, cần tới 16.000 nhân viên.

Tại các quốc gia châu Phi, dịch bệnh càng làm gia tăng áp lực đối với hệ thống y tế vốn đã yếu kém, việc đảm bảo các trang thiết bị xét nghiệm, điều trị và nhân viên y tế đang được cho là “nhiệm vụ bất khả thi” với những quốc gia này. Trong lúc thiếu thốn nhân lực, tình trạng khan hiếm trang thiết bị bảo vệ đẩy các nhân viên y tế, y tá, điều dưỡng…, vốn đang chịu nhiều áp lực tăng ca, vào nguy cơ cơ cao bị lây nhiễm, thậm chí phải đánh đổi cả tính mạng khi đảm nhận công việc mà không có đủ đồ bảo hộ.

Nhân viên y tế tại một bệnh viện ở thành phố Daegu, Hàn Quốc ngày 24/3/2020. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Chính vì vậy, nhân ngày 7/4, WHO nhấn mạnh vai trò quan trọng không thể thiếu của lực lượng này, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ toàn cầu, đảm bảo đội ngũ y tá, điều dưỡng, nữ hộ sinh đủ mạnh để mỗi người dân ở khắp mọi nơi được hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe cần thiết. Đội ngũ nhân viên y tế, đặc biệt là điều dưỡng và y tá đóng vai trò chính trong chăm sóc bệnh nhân trên toàn cầu, kể cả trong thời dịch bệnh hay khi xảy ra xung đột, và để đạt được mục tiêu đảm bảo sức khỏe toàn dân, cần đảm bảo đủ lực lượng nhân viên y tế được đào tạo và tập huấn bài bản.

Cụ thể, các chính phủ tập trung vào 5 lĩnh vực chính gồm tăng cường đầu tư cho đào tạo lực lượng y tá và điều dưỡng, tuyển dụng những y tá chuyên ngành, đầu tư xây dựng kỹ năng lãnh đạo cho các y tá và điều dưỡng, đưa lực lượng này vào vị trí trung tâm của dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu và ủng hộ các y tá và điều dưỡng trong tuyên truyền các thông tin tăng cường sức khỏe và ngăn chặn bệnh tật.

Trong thông điệp nhân Ngày Sức khỏe thế giới 2020, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres chia sẻ dù năm nay là năm khó khăn cho mọi người dân trên thế giới, nhưng trong ngày 7/4 này, LHQ mong muốn được bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc hơn bao giờ hết tới những nhân viên chăm sóc sức khỏe – các y tá, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên, dược sĩ, bác sĩ, những người lái xe, người dọn vệ sinh, người quản lý và rất nhiều người khác trong các hệ thống y tế đang tham gia cuộc chiến đẩy lui COVID-19.

Đó là những người đang làm việc ngày đêm để giúp người dân được an toàn, chạy đua với thời gian và sẵn sàng hy sinh tính mạng để chiến đấu với dịch bệnh. Theo ông Guterres, với chuyên môn và tinh thần trách nhiệm, các y tá và điều dưỡng đang gánh trên vai những trách nhiệm y tế nặng nề nhất, thực hiện những công việc khó khăn trong thời gian dài, đối mặt với nguy cơ bị tổn thương, lây nhiễm và cả những áp lực về thể chất và tinh thần trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng này. Những nữ hộ sinh cũng mang trong mình trách nhiệm cao cả và cực kỳ quan trọng khi luôn đảm bảo chào đón những công dân mới đến với thế giới một cách an toàn, trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành.

Nhân Ngày Sức khỏe thế giới 2020 hết sức đặc biệt này, TTK LHQ đã chia sẻ cảm nghĩ của rất nhiều người trên thế giới đối với lực lượng nhân viên y tế, đội ngũ y tá, điều dưỡng và hộ sinh trên tuyến đầu chống dịch: “Các bạn khiến chúng tôi tự hào, truyền cảm hứng cho chúng tôi. Chúng tôi mang ơn các bạn. Cám ơn vì những điều khác biệt mà các bạn đang tạo ra, mỗi ngày và ở mọi nơi trên thế giới”.