Nguy cơ nhiễm độc Asen tại Đông Nam Á

ThienNhien.Net – Theo một nghiên cứu gần đây, vùng châu thổ Irrawaddy của Myanmar – nơi thường hứng chịu sự tàn phá của các trận lốc xoáy và đảo Sumatra tại Indonesia đang phải đối mặt với nguy cơ nước ngầm nhiễm độc Asen.

Trong một bài báo trên tạp chí Nature Geoscience, các nhà nghiên cứu cho biết họ đã sử dụng một mẫu số hóa để khảo sát các đặc điểm địa chất cũng như thành phần hóa học của đất tại Đông Nam Á, từ đó lập được bản đồ các điểm nóng có nguy cơ bị nhiễm độc Asen.

Michael Berg, một trong năm tác giả của bài báo, cũng là nhà khoa học hàng đầu tại Viện Khoa học và Công nghệ Hoàng gia Thụy Sỹ chuyên nghiên cứu về nước, tại Dubendor cho biết: “Rõ ràng có một vấn đề đáng quan tâm ở đây, đó là các số liệu của chúng tôi cho thấy nguy cơ nhiễm độc asen ở tầng nước ngầm”.

Nhiễm độc Asen, đặc biệt đối với nước uống là một mối đe dọa tới sức khỏe con người. Số liệu thống kê tới nay cho biết nó đang ảnh hưởng tới hơn 70 quốc gia và 137 triệu người trên toàn thế giới. Quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là Bangladesh với hàng trăm nghìn người đang đối mặt với nguy cơ tử vong do ung thư phổi, bàng quang và da.

Asen với đặc tính không màu không mùi xâm nhập nguồn nước từ lớp trầm tích tự nhiên có trong đất hoặc từ hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Asen gây chết người khi bị hấp thụ với liều lượng lớn tuy nhiên chỉ một lượng nhỏ Asen cũng đã có thể gây ra ung thư, các vấn đề về da và nhịp tim bất thường.

Berg và cộng sự của ông đã chính thức xác nhận nguy cơ nhiễm độc asen vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới tại châu thổ Irrawaddy của Myama- một vùng trũng từng bị tàn phá bởi một cơn cuồng phong, giết chết 84.537 người.

Dựa vào các mẫu nghiên cứu, người ta còn phát hiện ra nguy cơ nhiễm độc ở một khu vực rộng lớn khoảng 10 triệu ha vùn bờ biển phía Đông đảo Sumatra và lưu vực sông Chao Phraya thuộc miền Trung Thái Lan. Tuy nhiên, nguy cơ tại Chao Phraya thấp hơn do người dân ở đây lấy nước từ các tầng sâu ngậm nước.

Các nhà nghiên cứu còn cho biết rằng, những vùng có lớp trầm tích giàu chất hữu cơ bao gồm cả bùn và đất sét cũng có khả năng bị nhiễm độc Asen cao hơn các nơi khác.

Berg nói: “Đó là các lớp trầm tích trẻ. Chúng tôi chỉ tìm thấy Asen được giải phóng từ các lớp trầm tích như vậy. Asen có trong đất hầu như là bị rửa trôi đi hết”.

Và Berg hy vọng rằng bản đồ mà họ cung cấp có thể đóng vai trò như “một lá cờ đỏ” báo hiệu những nơi nguy hiểm cho chính quyền cũng như người dân trong việc phòng ngừa nguy cơ nhiễm độc Asen cao trước khi cho phép xây giếng nước và các công trình liên quan tới nguồn nước tại những khu vực này.

Lex van Geen, một nhà địa hóa học thuộc trường đại học Columbia, làm việc tại đài thiên văn Lamont – Doherty, người đã nghiên cứu về nhiễm độc Asen tại Bangladesh nhưng không tham gia vào nghiên cứu trên, cho rằng nên tập trung nghiên cứu ở các khu vực vốn ít được quan tâm về nguy cơ nhiễm độc Asen như ở Myanmar.

Tuy nhiên, ông nói rằng các mẫu số hóa không xác định được những vùng ở sâu dưới mặt đất mà nguồn nước không bị ô nhiễm. “Sử dụng bản đồ dựa vào địa chất bề mặt sẽ xác định được sự phân bố lượng Asen tại những khu vực có nước ngầm ở sát bề mặt. Thế nhưng phương pháp này lại không cho biết độ sâu cần thiết để tới được những nơi có hàm lượng Asen thấp, đây là mặt hạn chế của nghiên cứu”.