Quần thể tê giác đen châu Phi tăng nhưng không nên tự mãn

Số lượng tê giác đen châu Phi trong tự nhiên đã tăng hàng trăm cá thể và đây là sự tăng lên hiếm hoi trong việc bảo tồn một loài gần như bị nạn săn trộm đẩy đến bờ vực tuyệt chủng.

Tê giác đen vẫn đang nguy cấp nhưng tỷ lệ gia tăng dù nhỏ (2,5%/năm trong sáu năm qua) cũng làm tăng quần thể từ 4.845 cá thể vào năm 2012 lên tới 5.630 vào năm 2018, mang lại hy vọng rằng những nỗ lực cứu loài sẽ được đền đáp.

Những nỗ lực miệt mài để cứu tê giác đen bao gồm việc di chuyển một số cá thể từ các nhóm đã ổn định đến địa điểm mới, việc tăng phạm vi sinh sống cho loài và đảm bảo quần thể sinh sản khả thi và thực thi pháp luật mạnh mẽ hơn để bảo vệ chúng. Số lượng của cả ba phân loài tê giác đen hiện đang được cải thiện.

Cá thể tê giác đen được lực lượng chống săn trộm chuyển từ Nam Phi tới Malawi. (Ảnh: Kyle de Nobrega/African Parks/PA)

Grethel Aguilar, quyền Tổng Giám đốc IUCN chỉ rõ: “Sự phục hồi chậm nhưng liên tục là một minh chứng cho những nỗ lực to lớn được thực hiện ở các quốc gia và là một lời nhắc nhở hùng hồn rằng bảo tồn có tác dụng”.

“Nhưng chúng ta không được phép tự mãn vì nạn săn trộm và buôn lậu vẫn là những mối đe nhức nhối. Điều cần thiết là tiếp tục các biện pháp chống săn trộm hiện hành, quản lý quần thể một cách chuyên sâu và chủ động với sự hỗ trợ từ các bên, ở cả trong nước và quốc tế”.

Triển vọng cho các loài tê giác châu Phi khác vẫn không mấy sáng sủa, theo bản cập nhật Sách đỏ được công bố ngày 19/3.

Tê giác trắng có nhiều hơn ở châu Phi nhưng được IUCN phân loại sắp nguy cấp. Triển vọng đối với loài này tệ đi trong những năm gần đây do tình trạng săn trộm ở vườn quốc gia Kruger tại Nam Phi khá cao. Tê giác trắng có sừng lớn hơn tê giác đen nên hấp dẫn hơn đối với những kẻ săn trộm và cũng dễ dàng bị tìm thấy hơn do ưa thích sinh cảnh mở hơn.

Mặc dù số lượng tê giác trắng tăng trong khoảng thời gian 2007-2012 nhưng số lượng của phân loài tê giác trắng Nam Phi đã giảm 15% trong giai đoạn đó, từ mức ước tính 21.300 xuống còn 18.000 cá thể.

Mức độ săn trộm dường như đã giảm đi trong vài năm qua so với mức đỉnh điểm năm 2015 khi trung bình 3,7 cá thể tê giác bị giết mỗi ngày. Ước tính năm 2019 cho thấy nạn săn trộm đã giảm hơn nữa do các chính phủ thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn chống lại các băng đảng tội phạm có tổ chức đứng sau nạn săn trộm.

Richard Emslie, Điều phối viên về tê giác châu Phi tthuộc IUCN cho biết: “Với việc tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia tham gia vào săn trộm, tội phạm tê giác không chỉ là đơn thuần là tội ác về động vật hoang dã. Nếu đà suy giảm săn trộm đáng khích lệ này tiếp tục sẽ tác động tích cực đến số lượng tê giác. Tiếp tục dốc tiền và nỗ lực là cần thiết để duy trì xu hướng này”.

Các tác động của cuộc khủng hoảng covid-19 cũng khiến các chuyên gia lo ngại vì ngưng trệ du lịch sẽ làm giảm tài nguyên cho bảo tồn. Emslie cho biết “tác động của Covid-19 với du lịch toàn cầu có tác động tiêu cực đến các hoạt động thương mại tư nhân liên quan đến động vật hoang dã, các vườn quốc gia và khu bảo tê giác. Những hoạt động đó chi trả cho toàn bộ công việc bảo tồn thực địa vốn cần hỗ trợ tài chính nhiều hơn để có thể duy trì những nỗ lực hiện tại bất chấp virus”.

Tuy nhiên, chi phí bảo vệ tê giác tăng lên rất nhiều trong thập kỷ qua trong khi giá bán trực tiếp đã giảm, do đó không khuyến khích các chủ đất tư và cộng đồng giữ tê giác. Khoảng 1/2 số tê giác trắng và gần 40% số tê giác đen sống trên đất tư nhân hoặc đất do cộng đồng quản lý. Nếu tê giác bị coi là một chi phí, điều đó sẽ cản trở những nỗ lực để bảo vệ chúng.

Bản cập nhật Sách đỏ IUCN cho thấy hơn 31.000 loài trên toàn thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng. Sách đỏ có thể sẽ được cập nhật ít nhất ba lần nữa trong năm nay.

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: