Sửa đổi Nghị định đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Đảm bảo hành lang pháp lý thông thoáng

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang sửa đổi Nghị định 22/2012/NĐ-CP về đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo hướng đảm bảo hành lang pháp lý cho hoạt động này.

Một mỏ sắt đang được khai thác

Vướng mắc luật pháp

Hoạt động khai khoáng trên cả nước chiếm dụng tới 41.000ha đất tự nhiên. Một số địa phương, như Quảng Ninh, chỉ tính riêng các mỏ than lộ thiên đang hoạt động đã chiếm dụng tới 5.700ha đất. đấu giá quyền khai thác khoáng sản (ĐGQKTKS) lúc đầu được quy định tại Điều 78 và 79 Luật Khoáng sản, chi tiết thực hiện theo Nghị định 22/2012/NĐ-CP (Nghị định 22) quy định về ĐGQKTKS.

Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011 được kỳ vọng sẽ minh bạch hóa hoạt động khai thác khoáng sản nhờ việc đưa ra đấu giá công khai các mỏ khoáng sản. Tuy vậy, trong quá thực hiện vẫn có nhiều vướng mắc nên dù Luật Khoáng sản 2010 được Quốc hội thông qua hơn 6 năm, song việc ĐGQKTKS thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) vẫn chưa được thực hiện tại bất kỳ khu vực nào. Còn tại các địa phương, việc đấu giá chỉ thực hiện lẻ tẻ ở một số tỉnh.

Theo ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, theo quy định của Nghị định 22 trước đây, tổng số doanh nghiệp (DN) tham gia đấu giá phải là 3 DN nhưng sau khi bán hồ sơ 4 mỏ công khai năm 2015, chỉ nhận về trung bình mỗi mỏ được 5 – 6 hồ sơ. Khi lọc hồ sơ, những mỏ do Bộ TN&MT tổ chức đấu giá, Bộ Tài chính yêu cầu vốn chủ sở hữu là 50 tỷ đồng, nên vốn chủ sở hữu của DN đều chưa đạt. Chính vì vậy 4 mỏ chưa đấu giá được.

Sau đó, Bộ TN&MT đã đề nghị Thủ tướng cho sửa lại số DN tối thiểu và được chấp thuận. Hiện nay, theo Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, sửa đổi Nghị định 22, số DN tham gia đấu giá giảm xuống còn 2.

Theo báo cáo của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, sau 7 năm triển khai Nghị định 22, đến nay, Bộ TN&MT, các địa phương đã phê duyệt kế hoạch đấu giá với 582 khu vực khoáng sản, trong đó đã đấu giá thành công 304 khu vực (gồm 13 loại khoáng sản), tổng giá trị ước đạt khoảng 858 tỷ đồng ở cả Trung ương và địa phương, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tăng từ 10 – 135% so với giá khởi điểm góp phần tăng thu ngân sách nhà nước, đạt 52,23% kế hoạch.

Tháng 10/2020 sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi

Qua quá trình thực hiện đã xuất hiện những điểm bất cập trong các quy định của Nghị định 22 và các văn bản hướng dẫn với các quy định pháp luật khác có liên quan như Luật ĐGTS 2016, Luật Đất đai 2013, Nghị định 158/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khoáng sản.

Đồng thời, cũng có những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định 22 như về hồ sơ đề nghị tham gia đấu giá, về công khai danh sách tổ chức, cá nhân được tham gia phiên đấu giá, chứng minh năng lực tài chính, về chi phí cho công tác xác định trữ lượng, tài nguyên trong diện tích khu vực đấu giá, về khoáng sản đi kèm, về hoàn trả chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản…

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT kiến nghị, xem xét điều chỉnh khoản 1 Điều 3 và điểm d khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai 2013 nhằm có cơ chế thu hồi đất đối với các dự án khai thác khoáng sản trúng đấu giá thuộc thẩm quyền cấp phép của UBND cấp tỉnh…

Theo ông Quang, một số điều về ĐGQKTKS tại Nghị định 22 cần được sửa đổi cho phù hợp với Luật ĐGTS 2016 theo hướng: Những vấn đề đã được quy định trong Luật ĐGTS sẽ không quy định tại Nghị định sửa đổi, bổ sung; chỉ quy định những vấn đề có tính chất đặc thù phát sinh trong ĐGQKTKS…

Theo lộ trình, Ban soạn thảo sẽ hoàn thiện khung Nghị định 22 sửa đổi để họp Ban soạn thảo trong khoảng cuối tháng 3/2020 và trình Chính phủ vào tháng 10/2020.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên khẳng định, Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 22 xây dựng phải đáp ứng được những mục tiêu như: phù hợp với quy định Luật Đấu giá tài sản 2016; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá và các tổ chức, cá nhân liên quan. Đồng thời, đảm bảo tạo hành lang pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả của công tác ĐGQKTKS; hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động khoáng sản.