Anh xây công viên hoang dã trên nền bãi rác

Đứng trên đỉnh của trung tâm du khách tại Công viên thiên nhiên Thurrock Thameside, bạn có thể sẽ thất vọng với quang cảnh hiện ra: một cánh đồng lớn toàn cây gai bụi. Tuy nhiên, ít ai biết rằng 10 năm trước đó, quang cảnh nơi này thậm chí còn gây thất vọng hơn: những ngọn núi rác chất chồng trên một trong những bãi chôn lấp lớn nhất châu Âu.

Ảnh chụp từ trên cao Khu bảo tồn thiên nhiên và một góc khu đất ngập nước. (Ảnh: David Levene/The Guardian)

Trong vòng 50 năm, Thurrock Thameside là nơi chứa rác thải của người dân London. Nhưng bây giờ chỉ còn những mảnh kim loại bỏ đi là thứ duy nhất gợi nhớ đến quá khứ đó.

Công viên thoạt nhìn không mấy thu hút nhưng Khu bảo tồn được Tổ chức Essex Wildlife Trust (EWT) chăm chút và là nơi cư trú quý báu cho một số loài hiếm có bậc nhất Vương quốc Anh, chẳng hạn chim cúc cu, rắn vằn, chuột nước và ong Bombus sylvarum cực kỳ quý hiếm.

Công viên là nơi cư trú của một số loài quý hiếm nhất Vương quốc Anh như ong Bombus sylvarum. (Ảnh: Gabrielle Horup/Essex Wildlife Trust)

“Đây là quang cảnh đẹp nhất ở Essex”, quản lý truyền thông  EWT Emily McParland khẳng định và vồn vã thúc giục du khách đến vùng đất ở cửa sông Thames  này để “tôn vinh cảnh quan không mấy đẹp đẽ”.

“Nhiều người không biết rằng cây bụi là sinh cảnh có giá trị như thế nào. Cây bụi là một trong những sinh cảnh bị đánh giá thấp nhất nhưng một số loài mang tính biểu tượng bậc nhất nước Anh cần bụi rậm để sinh sôi nảy nở, vì vậy đó là điều chúng tôi cố gắng truyền đạt cho du khách”.

Công viên từng là bãi chôn lấp rác lớn nhất châu Âu. (Ảnh:  Essex Wildlife Trust)

Vào giữa những năm 1990, có khoảng 1.500 bãi chôn lấp ở Anh. Bây giờ chỉ còn dưới 250 bãi, phần lớn là do áp thuế khiến việc xử lý ở bãi rác đắt hơn so với đem đốt.

Bây giờ các bãi chôn lấp đầy cây bụi trên khắp vương quốc Anh đang trở thành nơi trú ẩn quan trọng cho các loài quý hiếm. Theo phân tích dữ liệu từ Cơ quan Môi trường và tổ chức Natural England của Tiến sĩ James Brand thuộc Đại học Queen Mary, London, có 20.000 bãi chôn lấp ở Anh và 1.315 trong số này có ít nhất một chỉ dẫn môi trường. Một tỷ lệ đáng kể (11%) các địa điểm được quan tâm đặc biệt về khoa học ở Anh được xây dựng một phần trên diện tích vốn là bãi chôn lấp rác.

“Điều này không có gì đáng ngạc nhiên. Cũng như trong nhiều trường hợp, do rác thải chôn vùi bên dưới mà mảnh đất đó không phù hợp cho các mục đích sử dụng khác”.

Bãi chôn lấp hình thành nên ngọn đồi Thurrock rộng 49 ha tọa lạc trên đỉnh mỏ đá từ những năm 1920 đã là nơi cung cấp vật liệu xây dựng cho thủ đô đang phát triển. Mỏ đã đóng cửa vào những năm 1950 và rác thải không mong muốn của London được đưa trở lại và đổ vào hố khai thác đá. Có thời điểm, Mucking Marsh (tên gọi lúc đó của bãi rác) tiếp nhận 660.000 tấn rác mỗi năm.

Bây giờ nơi này là điểm dừng chân quan trọng cho cú lửa từ Iceland, chích chòe từ Sénégal và chim hoét từ Nga để ăn sâu bọ và quả mọng trước khi tiếp tục hành trình.

Tất cả những sự sống này phụ thuộc vào một lớp đất sét dày chỉ 1,4 mét nằm trên 20 triệu tấn rác thải dày khoảng 30 mét. Tòa nhà duy nhất ở đây – trung tâm du khách – được giữ thẳng đứng bằng các giá kích thủy lực.

Giống như hầu hết các bãi chôn lấp, lớp đất mặt này quá mỏng để nuôi cây vì rễ của chúng sẽ đâm vào lớp nhựa đen bọc rác thải, có khả năng phát tán khí metan và chất lỏng độc hại ra môi trường. Đây là lý do tại sao các khu bảo tồn động vật hoang dã trên các bãi chôn lấp rác thường dưới dạng cây bụi hoặc đồng cỏ.

Việc chuyển đổi Thurrock từ bãi rác thành khu bảo tồn động vật hoang dã xuất phát từ thỏa thuận trị giá 2,8 triệu bảng giữa quỹ tín thác cộng đồng Enovert ( trước đây là quỹ môi trường Cory) và công ty DP World điều hành cảng London Gateway để cải thiện các địa điểm cho động vật hoang dã dọc theo cửa sông.

Bãi chôn lấp ngừng tiếp nhận rác thải vào năm 2010 và từng phần được niêm phong trước khi chuyển giao cho EWT coi sóc. Khi lớp đất sét trên đỉnh hoàn thành, Khu bảo tồn EWT sẽ có diện tích 340 ha, gấp đôi Công viên Regent.

Bãi chôn lấp Mucking Marsh sinh ra lượng khí metan đủ để cung cấp năng lượng cho khoảng 10.500 ngôi nhà. Lượng khí nhà kính dồi dào này được đưa vào một đường ống và sau đó đốt cháy để tạo thành CO2 và các hạt bụi trước khi thải vào khí quyển. Enovert sẽ quản lý chất hữu cơ phân rã cho đến khi ngừng sản xuất ra khí (dự kiến ​​ vào năm 2040). Quá trình phân hủy rác hữu cơ trên các bãi chôn lấp tạo ra 1/3 lượng phát thải methane của Vương quốc Anh, do đó đảm bảo các bãi chôn lấp được che đậy đúng cách là chìa khóa để giảm thiểu thiệt hại môi trường.

Khi khai trương Khu bảo tồn thiên nhiên Thurrock Thameside vào năm 2013, Sir David Attenborough nói rằng sự chuyển đổi nơi này đánh dấu “một chương mới” ở cửa sông Thames. Những năm sau này, EWT cho biết số lượng các loài thực vật ở khu bảo tồn đã tăng từ 48 lên 91, có cả hoa lan ong, hoa yellow rattle và cỏ ba lá chân chim.

Sẻ sylvia communis, sáo đá đầu đen, hoét và hồng tước đều sử dụng cây gai bụi để xây tổ và làm thức ăn. Những năm tới, EWT có kế hoạch trồng xen ngũ cốc và kê để thu hút nhiều loài chim đồng ruộng bị suy giảm đáng kể, bao gồm cả chiền chiện, sẻ đất và cu gáy châu Âu – những loài hiện đang dần tuyệt chủng ở Anh.

Một cá thể cú lửa từ Iceland ghé qua công viên. (Ảnh: Andy Rouse/2020Vision/Essex Wildlife Trust)

Các loài bò sát như rắn vằn cũng đang sinh sôi nảy nở, ngủ đông trong những bụi cây yên bình và tỉnh dậy vào mùa xuân để sưởi ấm trên các vệ cỏ.

Thurrock Thameside còn xa mới là một môi trường được chăm sóc cẩn thận nhưng tự nhiên cần loại đất đai này, theo giáo sư Karl Williams, Giám đốc Trung tâm Quản lý chất thải thuộc Đại học Central Lancashire.

“Vùng đất tốt cho động vật hoang dã thường trông không đẹp đẽ trong mắt chúng ta”.

Trung tâm cho du khách ở công viên được giá kích thủy lực giữ cho đứng vững được trên nền đất sét mỏng phủ trên bãi rác. (Ảnh: David Levene/The Guardian)

“Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy các bãi chôn lấp rác gần với nơi bạn sống đến thế nào. Nhiều khi các bãi này lấp đầy lỗ hổng trên mặt đất và khôi phục đất đai về thời điểm trước khi bị khai mỏ. Chúng không thể được phát triển, vì vậy cứ để thiên nhiên lấy lại và gọi các loài quay trở về”.

Các loài chim như sáo đá đầu đen kiếm thức ăn và làm tổ trên cây gai bụi. (Ảnh: Adam Jones/Essex Wildlife Trust)

Nhật Anh (Theo Guardian)

Nguồn: