Lo virus lan ra toàn cầu từ 2.200 người trên tàu cập cảng Campuchia

Sau khi tàu Westerdam cập cảng Sihanoukville của Campuchia để những hành khách có thể về nhà, một cụ bà trên tàu đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona (Covid-19).

Sau khi hơn 2.200 du khách và thủy thủ đoàn trên tàu Westerdam được lên bờ tại cảng Sihanoukville của Campuchia, một hành khách trên tàu đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona khi bà tới Malaysia một ngày sau đó.

Các hành khách trên bong tàu Westerdam vui mừng sau khi nó được phép cập cảng Sihanoukville của Campuchia. (Ảnh: AP).

Người duy nhất trên tàu nhiễm virus?

Người này là một công dân Mỹ 83 tuổi, được làm xét nghiệm khi bay tới Malaysia từ Campuchia, và cả hai lần đều cho kết quả dương tính với virus corona. Điều này đã làm dấy lên những lo ngại về việc rất có thể đã có sự lây nhiễm chéo diễn ra trên tàu.

“Người phụ nữ này đã ở trên tàu, và đã nhiễm bệnh trong vài ngày, bà ấy có khả năng đã tiếp xúc và lây bệnh cho những người khác trên thuyền, trong khi những người này hiện đã về nhà. Có thể một ai đó đã nhiễm virus nhưng không có triệu chứng, và người này sẽ bắt đầu một chuỗi lây nhiễm mới ở bất cứ nơi nào họ trở về”, ông Stanley Deresinski, giáo sư Đại học Stanford, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, nhận định.

Việc tình trạng lây nhiễm chéo vẫn đang xảy ra mạnh mẽ trên tàu Diamond Princess, vốn bị cách ly ngoài cảng Yokohama của Nhật Bản, và trường hợp nhiễm bệnh mới được phát hiện trên du thuyền MS Westerdam mới đây, đã đặt ra câu hỏi về sự hiệu quả trong việc ngăn chặn virus lây lan trên các con tàu du lịch.

Sự quan ngại này đã dẫn tới việc ngày càng có nhiều quốc gia châu Á từ chối tiếp nhận những con tàu du lịch sang trọng cập cảng, đe doạ doanh thu của những công ty sở hữu và điều hành chúng, như Carnival hay Royal Caribbean Cruises.

“Nguy cơ lây nhiễm chéo là rất cao trên các con tàu du lịch. Mọi người di chuyển ở tất cả mọi nơi, bạn phải sử dụng chung những hành lang, chạm vào tay nắm cửa và lan can mà rất nhiều người đã chạm vào. Rất dễ để dính phải thứ gì đó”, ông Jean-Paul Rodrigue, giáo sư giao thông tại Đại học Hofstra ở New York, nhận định.

Tàu Westerdam đã trải qua 2 tuần lênh đênh trên biển trước khi Campuchia đồng ý tiếp nhận nó ở cảng Sihanoukville vào ngày 13/2. Các hành khách được phép rời đi ngay ngày hôm sau mà không cần kiểm dịch. Người nhiễm bệnh là một trong số các hành khách bay tới Kuala Lumpur để trở về Mỹ.

Sau khi phát hiện ca bệnh, Malaysia đã từ chối nhập cảnh với bất cứ hành khách nào khác của tàu Westerdam, khiến cho ba chuyến bay đưa hành khách ra khỏi Campuchia đã bị huỷ.

Đích thân Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã tặng hoa cho một số du khách của tàu Westerdam khi họ lên bờ. (Ảnh: AP).

Các chuyên gia y tế tỏ ra quan ngại sau khi các hành khách trên tàu Westerdam được phép lên bờ và trở về nhà mà không cần phải cách ly. Để so sánh, những người được đưa khỏi tàu Diamond Princess ở Nhật Bản sẽ tiếp tục bị cách ly sau khi đã trở về quốc gia của họ.

Ông Deresinski và các chuyên gia y tế khác cho rằng những hành khách của tàu Westerdam ít nhất nên được giám sát bởi các cơ quan y tế địa phương, hoặc tự thực hiện cách ly. Nhà chức trách các quốc gia có công dân trên tàu cũng nên xét nghiệm virus sau khi họ trở về.

“Không cần phải tiếp xúc quá lâu thì mới bị nhiễm bệnh”, ông Deresinski cho biết.

Nhiễm trước hay sau khi lên tàu?

Thời gian ủ bệnh của virus corona được cho là kéo dài tối đa 14 ngày – gần bằng với khoảng thời gian mà con tàu lênh đênh trên biển, khi nó rời cảng Hong Kong hôm 1/2 cho tới lúc cập cảng Sihanoukville vào ngày 13/2. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết vì con tàu đã ở trên biển 14 ngày, các hành khách được phép di chuyển ngay sau khi họ rời tàu.

Holland America Line – công ty điều hành tàu Westerdam trực thuộc tập đoàn Carnival – đã khẳng định không có trường hợp nào nhiễm virus được ghi nhận trong hành trình. Việc xác định nguồn khiến hành khách người Mỹ nhiễm virus sẽ là chìa khoá để xác định nguy cơ các hành khách khác bị nhiễm virus.

“Tôi không biết đủ rõ về bệnh nhân này để xác định xem liệu bà ấy đã bị nhiễm trước khi lên tàu, và có một thời gian ủ bệnh dài. Có lẽ bà ấy đã bị nhiễm bệnh khi đang ở trên tàu, và điều đó cho thấy rằng ít nhất có một người nữa trên tàu nhiễm bệnh, và đã lây cho bà ấy”, ông Ben Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, nhận định.

Người phụ nữ nhiễm bệnh được rời khỏi Campuchia sau khi điền vào bản điều tra tình trạng sức khoẻ và được kiểm tra thân nhiệt. Sau khi bà và 144 hành khách khác từ tàu Westerdam đến Kuala Lumpur quá cảnh sang các chuyến bay khác, bà được phát hiện có các dấu hiệu ho, sốt và khó thở. Hai xét nghiệm khác đã xác nhận chẩn đoán, theo Bộ Y tế Malaysia. Người chồng 85 tuổi của bà cho kết quả âm tính với virus, cũng như với 6 hành khách khác đang bị cách ly.

Hơn 600 du khách người Mỹ trên tàu Westerdam đang trên đường về nhà, và đây là nhóm khách lớn nhất trên tàu tính theo quốc tịch. Khoảng 233 hành khách và 747 thành viên thuỷ thủ đoàn vẫn đang ở lại trên tàu ở cảng Sihanoukville, Campuchia.

Vẫn còn nhiều du khách và thành viên thuỷ thủ đoàn ở lại trên tàu Westerdam tại cảng Sihanoukville. (Ảnh: AP).

Ông Padmanabha Rao, 81 tuổi, và người cháu trai 20 tuổi của mình vẫn đang chờ thông tin chi tiết về việc khi nào họ có thể rời khỏi tàu. Hôm 16/2, thuyền trưởng cho biết các hành khách còn lại có thể sẽ phải chờ đợi vì chính quyền Campuchia có kế hoạch kiểm tra y tế bổ sung, bao gồm việc lấy mẫu dịch họng để xét nghiệm.

Ông Rao và các hành khách còn lại đã thảo luận về cuộc di tản dành cho công dân Mỹ trên tàu Diamond Princess ở Nhật Bản, và hy vọng chính phủ sẽ làm điều tương tự với những người Mỹ trên tàu Westerdam.

“Tôi không muốn gây nguy hiểm cho những người hàng xóm, bạn bè hay gia đình. Có lẽ mọi người trên con tàu này nên được đi cách ly. Đó là cách duy nhất để ngăn chặn sự lây lan thêm nữa ở quê nhà”, ông Rao nói và cho biết sẽ tự cách ly 14 ngày nếu được trở về nhà.