Bãi rác bỗng biến thành bức tường nghệ thuật đương đại ở Hà Nội

16 tác phẩm sắp đặt từ nguyên vật liệu tái chế đã biến một đoạn đường khu vực phường Phúc Tân ven sông Hồng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thành không gian nghệ thuật đương đại, thu hút du khách tham quan.

Đoạn đường ven sông Hồng tại phường Phúc Tân vốn là nơi tập kết nhiều rác thải bỗng chốc trở nên sạch sẽ, khang trang với nhiều công trình nghệ thuật được làm từ đồ dùng tái chế.
Có 16 nghệ sỹ với 16 tác phẩm sắp đặt nghệ thuật trải dài trên những bức tường còn sót lại kéo dài gần 200m.
“Khu vực ven sông từ cách tiếp cận của lịch sử vẫn bị coi như mặt sau của thành phố, nơi người ta thoải mái xả rác hoặc những thứ phế thải ra đó. Chính từ bối cảnh văn hoá đó nhóm nghệ sỹ chúng tôi có ý tưởng thực hiện một dự án nghệ thuật công cộng ngay trên bức tường vốn có tác dụng ngăn sự lấn chiếm của người dân địa phương nơi đây“, đại diện nhóm nghệ sỹ thực hiện dự án cho hay.
Những mô hình này được làm bằng chính những phế thải tập kết ở con đường ven sông. Người dân, nhóm họa sĩ gom nhặt phế liệu, một số mạnh thường quân, doanh nghiệp tài trợ sắt, kính…

Tác phẩm “Voi”, “Sống xanh” của Goerge Burchett – 1 họa sỹ người Úc sinh ra tại Hà Nội. Với dự án lần này, Goerge Burchett sử dụng hình ảnh con voi trong lịch sử văn hoá Việt Nam, con voi của bà Trưng bà Triệu đã từng tham gia đánh giặc, con voi cũng là biểu tượng gắn liền với thiên nhiên.
1 con thuyền chống lũ của người dân vùng lũ sông Hồng do họa sỹ Cấn Văn Ân thể hiện. Trên đó gắn 5000 mảnh gương để phản chiếu hình ảnh chính cây cầu Long Biên.
Các tác phẩm thu hút được sự chú ý của người dân, du khách và đặc biệt là các em nhỏ.
Dự án này với thiết kế có thể mang tới hiệu quả cả ban ngày cũng như cả hiệu ứng ánh sáng ban đêm. Bên trên là tác phẩm “Những Thánh Gióng đương đại” do 1 nghệ sỹ người Mỹ gốc Việt thực hiện.

Tác phẩm “Nhà nổi” của họa sỹ trẻ Lê Đăng Ninh với nguyên liệu là thùng phi sắt, alu gương và đèn led. Tác phẩm sắp đặt này sẽ là một đối thoại thú vị với những người nhập cư sống lênh đênh trên những “du thuyền”- hình ảnh gần gũi với sông Hồng từ xưa đến nay.
Từ vỏ chai nhựa, vỏ chai dầu nhớt đã qua sử dụng, khung sắt, gốm vụn… Họa sỹ Vũ Xuân Đông đã tạo hình nên những cánh buồm và những con sóng lô nhô.
Nhóm tác giả thực hiện dự án hi vọng đây sẽ là một điểm nhấn tiếp theo của thành phố, có khả năng thu hút cộng đồng cũng như mang lại lợi ích về văn hoá, môi trường và tham quan du lịch cho chính người dân địa phương.