Bức xúc từ mỏ Ngọt

ThienNhien.Net – Thực trạng ô nhiễm môi trường trong hoạt động khai thác, chế biến fenspat và cao lanh thô thuộc Xí nghiệp Khai thác Dịch vụ khoáng sản Phú Thọ và Hóa chất Phú Thọ tại khu vực mỏ Ngọt, khu 7 (xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) từ lâu đã gây bức xúc trong nhân dân. Đã có nhiều kiến nghị của người dân nhưng đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.

Tháng 05/1998, Công ty Pirít (nay là Xí nghiệp Khai thác – Dịch vụ khoáng sản và Hóa chất Phú Thọ – Tổng Công ty Apatít Việt Nam) được UBND tỉnh Phú Thọ cấp phép khai thác quặng fenspat và cao lanh ở dạng sản phẩm thô trên diện tích 27,68ha tại khu vực mỏ Ngọt Phù Lao. Xí nghiệp chính thức đi vào hoạt động khai thác từ năm 1999, từ đó đến nay xí nghiệp này đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và nhiều hệ lụy khác ảnh hưởng đến đời sống của bà con quanh khu vực mỏ.

Đặt chân đến khai trường khu mỏ, trước mắt chúng tôi là một công trường rộng lớn hàng chục ha.
Những chiếc máy xúc, ô tô tải hoạt động ầm ầm. Bụi tung mù mịt sau mỗi chuyến xe qua.
Hệ thống dây chuyền nghiền nhỏ quặng do sử dụng lâu nên đã xuống cấp, thường xuyên bị rò rỉ bụi.
Ống thải khói bụi từ dây chuyền nghiền nhỏ quặng fenspat và cao lanh của Xí nghiệp Khai thác – Dịch vụ khoáng sản và Hóa chất Phú Thọ vẫn chạy hết công suất, bất chấp sự phiền toái nó gây cho người dân xung quanh.
Người dân địa phương cho biết, cứ vào mùa hanh khô hàng năm, người dân nơi đây lại ngột thở vì khói bụi, cây cối, hoa màu thường xuyên bị phủ một lớp bụi trắng xóa. Được biết, họ đã kiến nghị nhiều nơi nhưng đến nay vẫn chưa thấy Xí nghiệp có biện pháp khắc phục.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thi, cách nhà máy nghiền khoảng hơn 100m lúc nào cũng đóng cửa, để hạn chế bụi vào nhà ông phải dùng nilông dán kín cửa. Gia đình ông Nguyễn Văn Bình (Trưởng khu 7) còn cách khu chế biến của nhà máy hơn 1km nhưng bụi vẫn thường xuyên bám vào hoa màu nhà ông.
Khi mưa lớn, các khu vực xung quanh xí nghiệp khai thác thường bị xói lở khiến đất, đá trôi xuống ruộng của một số hộ dân, năm 2000 xí nghiệp đã tiến hành đền bù cho 10 hộ dân thuộc khu 6 và 7, xã Sơn Thủy. Hộ được đền bù nhiều nhất là 2.880.000 đồng, ít nhất chỉ được 341.000 đồng. Một số diện tích đất ruộng của các hộ gia đình sát khu mỏ đã phải chuyển sang trồng cây công nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa được đền bù.
Ông Phạm Đình Khương, Phó giám đốc Xí nghiệp giãi bày: “Việc xô lũ của xí nghiệp cũng có nhưng không đáng kể, chủ yếu là dân khai thác quặng chui tạo ra, họ thường khai thác trộm những khu vực chưa được quy hoạch quanh khu mỏ, nên mỗi khi mưa đến gây ra hiện tượng xô lũ”.
Đặc biệt là con suối Con, trước đây nó sâu hơn so với mặt đường của dân đi tới hơn 2 mét, nhưng bây giờ con suối đó đã cao hơn cả mặt đường, người dân đi lại khó khăn. Nguyên nhân là do đất từ bãi thải của xí nghiệp tràn xuống gây bồi lấp suối.
Ngoài ra, khi các chất thải từ công đoạn tuyển quặng và nước thải bơm từ hố khai thác quặng bị nhiễm thuốc mìn thải ra môi trường đã gây chết cá của bà con.
Ông Nguyễn Trung Hiếu , cán bộ xã Sơn Thủy bảo rằng mối quan hệ giữa xí nghiệp với địa phương rất tốt, hàng năm xí nghiệp thường xuyên đóng góp xây dựng các công trình, giao lưu văn nghệ nhưng không đáng kể. Xã cũng đã đề nghị xí nghiệp cải tạo, nâng cấp con đường đất từ thị trấn vào đến xã chỉ khoảng hơn 2km thôi nhưng đến nay vẫn chưa được.

Đã hơn chục năm qua, người dân nơi đây phải cam chịu cảnh sống tạm bợ do ô nhiễm từ khu mỏ Ngọt. Họ đã kêu nhiều, viết đơn kiến nghị lên trên nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.