Xuất khẩu gỗ: 20 tỉ USD từ… Trung Quốc

Dù là ngành xuất khẩu hàng chục tỉ USD nhưng liên kết trong ngành gỗ Việt Nam rất lỏng lẻo.

Ảnh: Quý Hòa

Tại thị trường Nam Thái Bình Dương và Nam Mỹ, Thanh Hòa là một nhà thu mua nguyên liệu, cung cấp gỗ tròn, gỗ xẻ cho 50-70 nhà chế biến, còn ở Việt Nam, công ty này là nhân chứng về sự đổ vỡ liên kết trong chuỗi chế biến gỗ. Sau gần 10 năm bám trụ 3 dự án liên kết doanh nghiệp và người trồng rừng tại Thừa Thiên – Huế, ông Trần Thiên, Giám đốc Công ty Thanh Hòa ở TP.HCM, buộc phải từ bỏ kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu bền vững, cùng khoản lỗ gần 5 tỉ đồng và tồn kho hơn 3.000m3 phôi liệu.

Lỏng lẻo trong cam kết mềm

Văn hóa kinh doanh và cơ chế chính sách, 2 yếu tố gây đổ vỡ các liên kết trong ngành gỗ, trở thành tác nhân chính dẫn đến mất cân đối lợi ích giữa trồng rừng, sơ chế và chế biến gỗ của Việt Nam. Năm 2019, ngành gỗ xuất khẩu 11 tỉ USD, nhưng ông Thiên cho rằng, các hộ trồng rừng đã không nhận được phần giá trị gia tăng tương xứng trong khi họ là đối tượng quyết định đầu vào cho mặt hàng xuất khẩu tỉ USD.

Ngành gỗ có 95% doanh nghiệp là tư nhân, hoàn toàn tự bơi trong một liên kết yếu, khi Nhà nước chưa có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ. Thực thi cam kết hợp đồng là điểm yếu của hầu hết doanh nghiệp Việt. Họ ký hợp đồng dựa trên sự tin tưởng, chủ yếu theo dõi tài chính, đồng thời sử dụng phương thức “bán lúa non” để mua gỗ từ các hộ trồng rừng.

Không cam kết cùng phát triển, các doanh nghiệp thường đưa ra những cam kết mềm khi thị trường có nhu cầu và chỉ với một vài dòng sản phẩm nhất định. Các doanh nghiệp đã lập tức xóa bỏ cam kết với các hộ trồng rừng về việc mua toàn bộ gỗ FSC ngay khi thị trường bão hòa. Quyền thuộc về người mua và doanh nghiệp chế biến không bao giờ chịu từ bỏ quyền lợi của mình để bình đẳng với nhà chế biến hay hộ trồng rừng là bài học cay đắng mà ông Thiên rút ra được từ đổ vỡ các liên kết.

Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, nhưng theo ông Thiên, vẫn gần như đi chân không về chuyên môn hóa. Đến nay, các công đoạn: trồng rừng, sơ chế, chế biến và bán hàng không được phân định một cách rõ ràng. Với lợi thế tiếp cận trực tiếp với đồng USD, nhiều doanh nghiệp lớn đổ tiền đầu tư làm từ A tới Z, thậm chí cả trồng rừng. “Việc gì cũng phải làm”, ông Thiên nói là nguyên nhân chính khiến không ít ông lớn ngành gỗ phá sản như Trường Thành và Khải Vy.

Các quốc gia xuất khẩu sản phẩm gỗ đều coi trọng mảng sơ chế phôi liệu nhưng tại Việt Nam, đây là lĩnh vực kém phát triển. Tại làng nghề Hố Nai, nơi cung cấp nguồn gỗ nguyên liệu cho khu vực Bình Dương, Bình Phước, vẫn sử dụng công nghệ cưa mâm đã có trên 100 năm. Tương tự, tại các làng nghề ở Phú Thọ, nơi cung ứng gỗ nguyên liệu cho đồng bằng sông Cửu Long, vẫn sử dụng cưa CD đứng của Pháp từ 50 năm nay để xử lý đầu ra cho các hộ trồng rừng Tây Bắc.

Những lo ngại có cơ sở

Trong khi đó, việc Mỹ áp mức thuế cao gây tác động tiêu cực lên thương mại của Trung Quốc, ngành chế biến gỗ Trung Quốc buộc phải giảm mua 5% nguyên liệu. Thị trường thế giới bớt đi những câu chuyện về tranh chấp nguyên liệu với Trung Quốc nhưng tác động này đã khiến Việt Nam dư cung hơn 100%. Với mức lưu kho trung bình 10.000m3 gỗ, nhiều nhà kinh doanh nguyên liệu, đặc biệt là gỗ rừng trồng của Việt Nam rơi vào tình trạng thua lỗ nặng nề khi giá nguyên liệu giảm tới 20-30%.

Sự đổ vỡ liên kết trong ngành gỗ nhiều khả năng không tác động lên mục tiêu xuất khẩu 20 tỉ USD vào năm 2025. Xuất hiện những quan ngại cho rằng con số này có thể được tạo dựng từ các doanh nghiệp FDI gỗ Trung Quốc tại Việt Nam. Trung Quốc đã trở thành quốc gia dẫn đầu danh sách đầu tư vào ngành gỗ Việt Nam trên cả 3 hình thức: dự án đầu tư mới, dự án tăng vốn mở rộng sản xuất và góp vốn thông qua mua cổ phần.

Số liệu nghiên cứu của Forest Trends và các hiệp hội gỗ trong nước, trong 9 tháng đầu năm 2019, Trung Quốc đã có 40 dự án đầu tư mới vào Việt Nam. Theo quan sát của ông Thiên, hơn 10 nhà máy của Trung Quốc đã được dựng lên ở các tỉnh miền Trung của Việt Nam, kéo theo một loạt nhà cung cấp phôi liệu, trải từ Tây Ninh đến Cà Mau.

Bây giờ, nhiều nhà chế biến gỗ ở miền Nam muốn từ bỏ làm sơ chế do đầu tư phôi liệu chiếm hơn 1/2 mặt bằng nhà xưởng và hơn 2/3 nhu cầu vốn của doanh nghiệp nhưng giá trị gia tăng mang lại không bằng một nửa suất đầu tư. Tuy nhiên, việc từ bỏ này là không dễ dàng do ngành gỗ Việt Nam là một liên kết yếu và không chủ động về phôi liệu. Trong khi đó, chỉ một vài doanh nghiệp bán hàng do người Việt Nam thiết kế, đại bộ phận còn lại vẫn sản xuất theo đơn đặt hàng của nhà nhập khẩu. Thời điểm này có thể là cơ hội để ngành gỗ Việt Nam xây dựng chuỗi liên kết mới.

Tất nhiên, cần thời gian để doanh nghiệp nhìn nhận lại văn hóa kinh doanh nhưng theo Tiến sĩ Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest Trends, Nhà nước cần đóng vai trò thúc đẩy các mối liên kết phát triển bền vững hơn.

Tiến sĩ Phúc gợi ý Chính phủ có thể đưa ra các quy định liên quan đến mua sắm công, cam kết mua toàn bộ sản phẩm của doanh nghiệp có liên kết với hộ trồng rừng. Các quy định như vậy có thể không đảm bảo liên kết được tất cả 1,4 triệu hộ trồng rừng nhưng chắc chắn tạo động lực thúc đẩy chuỗi liên kết toàn ngành gỗ.