Khoét bờ biển lập trại vì cơn thèm hải sâm “thần dược” ở Trung Quốc

Nhu cầu tiêu thụ hải sâm tại Trung Quốc tăng vọt vài thập kỷ qua mang lại động lực mới cho ngành ngư nghiệp nhiều vùng, nhưng đồng thời đe dọa làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên.

Cong Xuanzhi ví von hải sâm trong vùng giống như gà, nhưng cách mô tả đó không dành cho hương vị của loài họ hàng sao biển. “Một số được nuôi trong chuồng, một số khác được thả rong”, ông chia sẻ với New York Times bên ngoài trại nuôi hải sâm với 54 hồ bơm nước biển, được phân theo ô như một khoảnh than tổ ong. (Ảnh: Reuters).
Cuộc cải cách và lột xác nền kinh tế Trung Quốc đã giúp hàng triệu người thoát nghèo, cùng theo đó là nhu cầu thưởng thức “sơn hào hải vị” ngày một lớn, trong đó có hải sâm. Đông y cho rằng loài này còn có dược tính điều trị nhiều loại bệnh, từ thấp khớp đến bất lực ở nam giới. Cơn thèm hải sâm của người Trung Quốc cũng khiến loài sinh vật biển có nguy cơ biến mất dần ngoài tự nhiên. (Ảnh: Reuters).
Lặn biển bắt hải sâm cũng không phải công việc dễ dàng. Mùa thu hoạch đỉnh điểm rơi vào cuối thu đầu đông. Thợ lặn phải làm việc không ngơi tay trong nước lạnh biển dưới 10 độ C. Họ hưởng công theo khối lượng thu hoạch, đổi lại có thể kiếm được khoản thu nhập lên đến vài trăm USD/ngày trong mùa thu hoạch. (Ảnh: NYT).
Giá của hải sâm được đánh bắt ngoài biển, dù còn tươi, đã qua chế biến hay được phơi khô, đều cao hơn từ 2-3 lần so với hải sâm nuôi trồng. Loại đắt giá nhất là hải sâm phơi khô, trung bình gần 1.000 USD/kg. (Ảnh: NYT).
Hải sâm được xem là đặc sản tại đảo Quảng Lộc, ngoài khơi thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Tuy nhiên, số lượng trong tự nhiên của loài này đã suy giảm nhanh chóng trong vài thập kỷ qua tại địa phương. Chính quyền ở Quảng Lộc phải thúc đẩy chuyển đổi mô hình sang nuôi trồng thủy sản, với những trại nuôi hải sâm mọc lên dọc bờ biển. Một số khác được nuôi ngoài biển, trong điều kiện gần giống với môi trường sinh sống tự nhiên của chúng. Mô hình này được gọi là “thả rong”. (Ảnh: NYT).
Nhiều phần trên bờ biển phía đông bắc thành phố Đại Liên bị nạo vét để tạo ao hồ nhân tạo với quy mô lớn đến mức có thể nhìn thấy được từ vệ tinh. Người dân bơm nước biển vào ao hồ, nuôi hải sâm trong vòng 1 năm rồi khai thác. Những trang trại như của Cong Xuanzhi nằm sâu hơn trong đất liền, nuôi con giống để bán cho các trại ven biển, trải dài từ Liêu Ninh đến tận Phúc Kiến ở phía đông nam Trung Quốc. (Ảnh: NYT).
Hải sâm là một trong những hải sản được nuôi trồng có giá trị nhất tại Trung Quốc. Ngành này mang về trung bình mỗi năm gần 8 tỷ USD, theo chuyên gia sinh học biển Bao Pengyun, nghiên cứu về hải sâm tại Đại học Hải dương Đại Liên. Loài họ hàng của sao biển cũng có thể giúp ích cho môi trường nếu phát triển cân bằng. Chúng ăn đá và cát, làm sạch nước biển. Việc hải sâm biến mất khỏi môi trường tự nhiên sẽ gây ra những tác hại lớn với chuỗi thức ăn trong tự nhiên. (Ảnh: NYT).
Hải sâm tự nhiên ở Trung Quốc sinh sống chủ yếu ở vùng biển quanh Đại Liên. Nhiều nhà hàng và chợ tại thành phố còn xây tượng cho loài này. Thành phố có một khu nghỉ dưỡng xoay quanh hình tượng hải sâm, với viện bảo tàng, khách sạn và linh vật. (Ảnh: NYT).
Hải sâm gai Nhật Bản nằm trong số 7 loài động vật đang bị đe dọa trong danh sách của Liên đoàn Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Có 9 loài hải sâm khác đang nằm trong diện đáng lo ngại. Mặc dù các nhà khoa học Trung Quốc cho rằng hải sâm nuôi trồng ven biển hoặc trên biển không quá khác biệt so với họ hàng của chúng trong tự nhiên, gần 70% các loài hải sâm có thể ăn được trên thế giới đang bị đánh bắt vô tội vạ, từ Nam Thái Bình Dương đến cả Địa Trung Hải và Vịnh Mexico. (Ảnh: NYT).
Theo luật pháp Trung Quốc, ngay cả hải sâm do thợ lặn bắt được cũng không thể bán dưới tên gọi hải sâm tự nhiên. Phần lớn là con giống được sinh sản trong các trại trên đất liền, rồi mang thả xuống biển chờ trưởng thành. Hao Junze, giám đốc một công ty thuê biển để khai thác hải sâm ở Quảng Lộc, nói ông thường bán sản phẩm của ngư trường là hải sâm “từ biển sâu”. (Ảnh: NYT).
Hải sâm trưởng thành trong tự nhiên có gai lớn và trắng hơn những con được nuôi trồng. Trong môi trường nước lạnh hơn, hải sâm cũng lớn chậm hơn. Việc hải sâm tự nhiên mất từ 2-3 năm để trưởng thành khiến nhiều người tin rằng chúng bổ dưỡng hơn nhiều. (Ảnh: NYT).
Một trong những nhà hàng hải sản nổi tiếng nhất ở Đại Liên, Wanbao Seafood Fang, liên tục mở đi mở lại đoạn viedo giới thiệu về đặc sản vùng. Họ gộp vào đó một đoạn phóng sự từ Fox News mô tả hải sâm có thể là “liều thuốc thần kỳ” chữa trị ung thư. (Ảnh: NYT).