Cái giá của tái chế rác điện tử tại Thái Lan: “Chúng ta sẽ chết dần”

Mặc cho những lệnh cấm nhập khẩu rác thải điện tử, Thái Lan vẫn là trung tâm xử lý rác của Đông Nam Á.
Trong ánh đèn lờ mờ của nhà máy, những người phụ nữ cúi sát người xuống sàn để lọc ra “ruột gan” của những thiết bị hiện đại: pin, mạch điện và hàng đống dây. Họ đập chúng bằng búa và giữ bằng đôi tay trần.

Những người đàn ông, vài người che mặt bằng vải để tránh mùi khó chịu, xúc những đống kim loại bỏ vào máy nghiền. Khói bốc lên ngay sát những cánh đồng và ngôi làng. Người dân trong làng chẳng biết đó là khói đốt nhựa hay kim loại. Họ chỉ biết rằng thứ khói này mùi thật ghê tởm và khiến họ buồn nôn.

Trung Quốc đóng cửa, Đông Nam Á đón nhận

Nhà máy đó, tên New Sky Metal, là một trong những nhà máy mở ra theo phong trào xử lý rác thải điện tử đang lên tại Đông Nam Á. Từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu các loại rác điện tử từ khắp thế giới, rác thải bắt đầu đổ về Đông Nam Á và đầu độc môi trường lẫn con người nơi đây.

Những người phụ nữ lọc rác điện tử bằng tay trần tại nhà máy New Sky Metal, Thái Lan. (Ảnh: New York Times).

Thái Lan trở thành trung tâm của ngành xử lý rác thải. Chính phủ Thái Lan cũng phải tìm cách cân bằng giữa lợi ích của số đông và lợi nhuận thu được từ việc xử lý và buôn bán rác thải điện tử.

Năm 2018, Thái Lan đã cấm nhập khẩu rác thải điện tử. Tuy nhiên những nhà máy vẫn mọc lên trên khắp quốc gia, và hàng tấn rác điện tử đang được xử lý hàng ngày.

“Rác điện tử cũng phải có chỗ để. Từ Trung Quốc, chúng chuyển về Đông Nam Á”, Jum Puckett, Giám đốc Basel Action Network, mạng lưới vận động chống vận chuyển rác điện tử tới các quốc gia nghèo chia sẻ.

“Cách duy nhất để kiếm tiền là xử lý số lượng lớn bằng nhân công bất hợp pháp với giá rẻ, và mặc kệ việc ô nhiễm”, ông Puckett nhận xét.

Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, mỗi năm có tới 50 triệu tấn rác thải điện tử trên toàn cầu. Việc tái chế những thiết bị này nghe chừng là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, để lấy được những kim loại quý như vàng, bạc hay đồng bên trong những chiếc điện thoại, máy tính và TV, người tái chế phải chấp nhận nguy hiểm cho sức khỏe.

Một bãi rác ở Krok Sombun, phía đông Bangkok. (Ảnh: New York Times).

Trung Quốc đã làm việc này nhiều năm, cho đến năm 2018, khi họ đóng cửa với những rác thải điện tử ngoại nhập. Thái Lan và những quốc gia khác trong Đông Nam Á, với luật về môi trường lỏng lẻo hơn, người lao động dồi dào và rẻ cùng mối quan hệ nhập nhằng giữa doanh nghiệp và chính phủ ngay lập tức nhận thấy cơ hội.

“Mỗi bộ mạch hay dây cáp đều đem lại tiền, đặc biệt là khi người ta không phải lo ngại về môi trường hay sức khỏe của người tái chế”, Penchom Saetang, người đứng đầu tổ chức theo dõi môi trường Ecological Aleart & Recovery Thailand chia sẻ.

Luật đã ban bố nhưng tình trạng ngày càng tệ

Trong khi Indonesia, Malaysia và Phillippines đối phó với rác thải từ các nước phương Tây, Thái Lan là quốc gia đầu tiên đưa ra luật để chống tình trạng này. Tháng 6/2018, Bộ Công nghiệp Thái Lan công bố luật cấm nhập khẩu rác thải điện tử. Cảnh sát nước này đã khám xét nhiều nhà máy tái chế, trong đó có New Sky Metal.

“New Sky đã đóng cửa rồi. Không hề có rác thải điện tử nhập vào Thái Lan”, Yutthana Poolpipat, trưởng chi cục hải quan tại cảng Laem Chabang nói vào tháng 9.

Những công nhân đang lấy lõi đồng từ dây điện cũ. (Ảnh: New York Times).

Tuy nhiên, trong chuyến tìm hiểu của New York Times gần đây, nhà máy này vẫn đang hoạt động. Đây là tình trạng chung của nhiều địa phương tại Thái Lan. Công ty này chỉ bị phạt khoảng 650 USD cho mỗi vi phạm.

Từ khi Thái Lan ban bố lệnh cấm, đã có thêm 28 nhà máy tái chế, chủ yếu xử lý rác điện tử, mọc lên tại tỉnh Chachoengsao nằm phía đông Bangkok. Trong năm 2019, 14 công ty được cấp phép xử lý rác thải điện tử.

Các quan chức Thái Lan cho biết những nhà máy vẫn đang hoạt động vì chưa xử lý hết rác thải tồn kho, hoặc đang xử lý rác thải điện tử trong nước. Tuy nhiên, những chuyên gia trong ngành cho rằng giải thích như vậy không hợp lý.

Xử lý những lô rác điện tử nhập khẩu từ trước không thể mất nhiều thời gian như vậy. Số lượng rác điện tử mà người Thái thải ra cũng không đủ để hàng loạt nhà máy mới mọc lên.

“Cứ hỏi bên hải quan về việc khai báo sai xem. Ra luật thôi là không đủ, khi mà người thực thi không làm đúng”, Banjong Sukreeta, Phó giám đốc cục công nghiệp cho biết. Dù vậy, ông Yutthana khẳng định mọi lô hàng ở cảng đều được kiểm soát kỹ lưỡng.

Vào tháng 10, Quốc hội Thái Lan thông qua một số luật giảm trách nhiệm môi trường đối với các nhà máy. Trong khi đó, luật kiểm soát đối với ngành rác thải điện tử tại Thái Lan lại chưa được thông qua.

“Thái Lan đang tự chấp nhận ô nhiễm môi trường với những bộ luật mới thông qua. Có quá nhiều lỗ hổng để tránh bị phạt”, Somnuck Jongmeewasin, giảng viên về môi trường tại đại học Silpakorn nhận xét.

Những bao rác điện tử tại một nhà máy đã đóng cửa ở Đông Nam Bangkok. Nhiều nhà máy được cho là đã đóng cửa vẫn đang hoạt động. (Ảnh: New York Times).

Tại King Aibo Electronics, một trong những nhà máy gần ngôi chùa nói trên, những tấm bảng chú thích giờ hàng đến toàn viết bằng tiếng Trung Quốc. Cả 3 công nhân có mặt khi phóng viên của New York Times tới đây đều là người Trung Quốc.

“Chúng tôi biết người Trung Quốc qua đây mở nhà máy”, ông Banjong Sukreeta chia sẻ. Tuy nhiên, ông cũng cho biết Thái Lan giờ đây có quy định chặt chẽ hơn.

Sau lệnh cấm, những nhà máy không đóng cửa mà chỉ mọc lên thêm, mặc cho những quan chức khẳng định chúng đều đã bị đóng.

Đầu năm nay, các nhà chức trách thừa nhận 2.900 tấn rác điện tử bị thu giữ trong những đợt kiểm tra năm ngoái đã biến mất. Người quản lý Trung Quốc được giao trông giữ lượng rác này cũng không còn dấu tích.

Vào tháng 9, Sumate Rianpongnam, một nhà hoạt động môi trường, đã lên tiếng về tình trạng ô nhiễm ở thị trấn Kabinburi nhà anh. Tối hôm đó, anh nghe thấy những tiếng xe máy, súng bắn ở gần nhà mình. Không lâu sau, lựu đạn nhỏ nổ ở gần nhà bạn của anh nhưng may mắn là không ai bị thương.

Có nhiều người không được may mắn như vậy.

Năm 2013, một vị trưởng làng lên tiếng về việc xả rác thải sai quy định và bị bắn 3 nhát vào người ngay ban ngày. Người chịu trách nhiệm vụ xả súng là một viên chức thuộc Sở công nghiệp địa phương. Ông này được thả vào tháng 9 vừa qua.

“Tôi lựa chọn làm việc này, và không sợ chết”, Sumate chia sẻ.

“Tôi đâu có chọn được không khí sạch để thở”

Một số loại rác điện tử nếu như không được tiêu hủy ở nhiệt độ thích hợp sẽ thải ra dioxin, chất có thể gây ung thư và xâm nhập chuỗi thức ăn.

Phayao Jaroonwong, nông dân sống phía đông Bangkok, cho biết cây trái của bà chết nhiều sau khi mọc lên một nhà máy xử lý rác điện tử ở gần nhà.

Metta Maihala, người sở hữu một vườn cây gần nhà máy xử lý rác. (Ảnh: New York Times).

“Sao người phương Tây không tự đi tái chế rác của mình đi. Thái Lan không thể nhận thêm rác nữa. Chúng tôi không phải là bãi rác của thế giới”, bà bức xúc.

Phra Chayaphat Kuntaweera, trụ trì một ngôi chùa gần nhiều nhà máy tái chế cho biết ông và các sư trong chùa gần đây hay bị ho, nôn. Khi các nhà máy đốt rác thải, họ cảm thấy rất đau đầu.

Tấm bảng “rao bán chùa” được sư trụ trì treo lên trước cửa từ đầu năm nay, bởi các sư trong chùa không thể chịu đựng mùi rác thêm nữa.

Dưới bóng của những cuộn khói từ nhà máy New Sky Metal, Metta Maihala kiểm tra lại những cây khuynh diệp đang trồng. Hồ nước mà cô dẫn vào trang trại dường như có một lớp mây che phủ phía trên và bốc mùi đến nhức đầu.

“Chúng tôi đâu có lựa chọn được không khí để thở. Rồi sẽ có thêm nhiều nhà máy nữa mở ra, và chúng ta đều sẽ chết, một cái chết từ từ”, cô Metta nói.