Khói lò gạch bủa vây, nhiều vườn cây không cho quả

Nhiều năm qua, nông dân các huyện Duy Tiên, Lý Nhân của tỉnh Hà Nam thường xuyên than phiền vì khói của các lò gạch thủ công làm ô nhiễm môi trường không khí, làm cộng đồng dân cư trong vùng bị ngột ngạt và đặc biệt gây cho cây trồng thiệt hại rất lớn.

Nhiều loài cây trồng ở vị trí đúng luồng khói lan toả triền miên đã không cho quả, gây mất mùa triền miên.
Riêng ở 2 xã: Mộc Nam, Mộc Bắc, huyện Duy Tiên đã có gần 130 lò gạch bám theo dọc bờ sông Hồng liên tục hoạt động, làm cho mặt bằng đất canh tác bị đào bới lồi lõm, chất lượng đất canh tác ngày càng suy giảm và khói bụi lan toả làm cho rất nhiều cây trồng của nông dân bị hư hỏng.
Những thửa ruộng trồng Bạc hà, Húng, Dong riềng, lúa..gần lò gạch thường bị khói làm táp lá, năng suất sản phẩm rất thấp. Cây bạc hà ở vùng này có hàng chục ha, cây trồng cách lò gạch từ 200 đến 600 mét và bị khói lan toả thì năng suất tinh dầu giảm khoảng 20%- 30% so với trồng ở nơi không gần lò gạch.
Hàng ngàn cây nhãn của các hộ gia đình nằm ở vùng khói lò gạch “bủa vây” hầu như không có quả và hơn 100 ha ngô, đậu ở đây cho rất ít hạt. Các xã Hoà Hậu, Đạo Lý, Nhân Thịnh….của huyện Lý Nhân cũng có trên 100 lò gạch thủ công thường xuyên hoạt động và làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nông dân trong khu vực.
Điển hình, gần đây 2 lò gạch ở xã Chân Lý làm cháy gần 4,5 ha ngô và gần 3,6 ha đay ở xung quanh. Lò gạch ở xã Đạo Lý cũng làm cháy gần 5 ha lúa của người dân, trong đó có 1,3 ha lúa bị hư hỏng hoàn toàn. Hầu hết các lò gạch thủ công ở Hà Nam hoạt động là do hợp đồng với xã và chính quyền xã cũng tự ý cấp đất đai mặt bằng sản xuất.
Lợi nhuận của việc làm gạch khá cao: mỗi lò nung từ 6 đến 8 đợt, sau khi trừ các chi phí cũng lãi hơn 60 triệu đồng và các chủ lò cũng đóng góp một phần vào ngân sách địa phương, nên chính quyền các xã cũng ưu ái đối các chủ lò gạch và có phần làm ngơ trước những bức xúc về môi trường. Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới sự phát triển lò gạch tràn lan, coi nhẹ việc cải tiến công nghệ, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân; đồng thời cũng gây ra tình trạng mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư, nhất là giữa người trồng trọt với các chủ lò gạch.