Người Việt chịu đựng ô nhiễm tốt hơn nước khác?

Đó là câu hỏi được chuyên gia đặt ra trước thực trạng quy chuẩn nồng độ ô nhiễm không khí tại Việt Nam cao gấp gần 3 lần so với tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới.

“Quy định rất nhiều, kiểm tra cũng thấy thực hiện tốt. Nhưng môi trường vẫn ô nhiễm. Vậy phải chăng tiêu chuẩn của chúng ta có vấn đề”, ông Nguyễn Thế Đồng, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nêu vấn đề tại hội thảo Hiện trạng ô nhiễm không khí và chính sách quản lý chất lượng không khí tại Việt Nam sáng 27/11.

Cũng tại hội thảo, lần đầu tiên nghiên cứu “Ô nhiễm không khí tại TP.HCM và một số đề xuất chính sách quản lý hiệu quả chất lượng không khí giai đoạn 2019-2030” do TS Hồ Quốc Bằng cùng đồng sự thực hiện được công bố. Nghiên cứu này được nhiều chuyên gia đánh giá là kết quả chi tiết nhất từ trước đến nay mô phỏng chất lượng không khí tại TP.HCM.

Tiết kiệm 12.500 tỷ nếu giảm tiêu chuẩn nồng độ bụi mịn theo chuẩn WHO

Đó là kết quả trong nghiên cứu về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí với sức khỏe và kinh tế được TS Trần Ngọc Đăng, giảng viên bộ môn Sức khỏe Môi trường, khoa Y tế công cộng, ĐH Y dược TP.HCM, chia sẻ tại hội thảo.

Cụ thể, nghiên cứu chỉ ra quận 8 là nơi có nồng độ bụi mịn PM 2.5 cao nhất TP.HCM. Trong khi đó, quận 2, 7, 9 là những quận được đánh giá tương đối sạch. Từ đó, nghiên cứu dự báo quận 8 sẽ tăng khoảng 42 ca tử vong do ô nhiễm không khí trên 100.000 dân. Con số này ở quận 9 chỉ là 2 ca.

Chuyên gia khuyến nghị nên điều chỉnh quy chuẩn nồng độ PM 2.5 của Việt Nam tiệm cận với chuẩn thế giới. Ảnh: Việt Linh.

“Ước tính lợi ích kinh tế mà TP.HCM đạt được nếu giảm nồng độ bụi mịn (PM 2.5) xuống theo chuẩn WHO là 12.500 tỷ đồng. Hiện, nồng độ quy chuẩn Việt Nam đang gấp gần 3 lần (25 µg/m3)”, ông Đăng dự báo.

Có quan điểm tương tự, ông Nguyễn Thế Đồng nêu nhiều vấn đề trong quản lý không khí và đặt câu hỏi về việc quy chuẩn nồng độ bụi tại Việt Nam cao gấp 3 lần WHO.

“Tại sao chúng ta lại gấp 3 lần thế giới? Hay là người Việt Nam có sức chịu đựng tốt hơn? Cần phải có cơ sở khoa học và thay đổi để tiệm cận với quy chuẩn quốc tế”, ông Đồng khuyến nghị.

Cảng biển là nguồn phát thải lớn của TP.HCM

“Chúng ta không còn khả năng tiếp nhận nhiều loại khí thải tại một số khu vực trung tâm nữa”, PGS.TS Hồ Quốc Bằng, Giám đốc Trung tâm ô nhiễm không khí và Biến đổi khí hậu, cảnh báo tại hội thảo.

Theo nghiên cứu “Ô nhiễm không khí tại TP.HCM và một số đề xuất chính sách quản lý hiệu quả chất lượng không khí giai đoạn 2019-2030”, mức tăng phát thải dự báo năm 2025 của TP.HCM là gần 40% (trừ SO2 và TSP).

Với tình hình này, hiện nay, TP.HCM chỉ còn có thể tiếp nhận khoảng 150 tấn SO2/năm cho khu vực trung tâm và 545 tấn SO2/năm cho các khu vực ngoại thành. TP không thể tiếp nhận thêm khí CO và NOx, nếu không tình trạng không khí sẽ ở mức nguy hại.

“Bản đồ phác thảo hiện trạng phát thải tại TP.HCM chỉ ra một số vùng như huyện Cần Giờ phát thải khá thấp. Cùng với đó, gió đông bắc thổi ô nhiễm từ trung tâm qua huyện Bình Chánh khiến chất lượng không khí tại đây khá tệ dù phát thải thấp”, ông Bằng lý giải.

Bản đồ hiện trạng phát thải tại TP.HCM. Đồ họa: Báo cáo nghiên cứu.

Một phát hiện mới của nghiên cứu này là phát thải từ hoạt động bến cảng tàu của TP.HCM đóng góp đáng kể vào vấn đề ô nhiễm không khí. Cụ thể, cảng biển đóng góp 15% tổng phát thải SO2 của toàn TP cùng 11,5% NOx và 5% bụi. Hoạt động giao thông là nguồn phát thải gây ô nhiễm cao nhất TP.HCM. Cụ thể, hoạt động giao thông chiếm 46% tổng phát thải bụi, 99% tổng phát thải CO…

Nhận định về kết quả này, ông Nguyễn Thế Đồng đánh giá đây là nghiên cứu công phu và nhấn mạnh ý nghĩa của việc nhận diện nguyên nhân ô nhiễm của từng thành phần không khí. Trong đó, ông Đồng đặc biệt đánh giá cao mô phỏng bản đồ nồng độ ô nhiễm.

“Mô hình này cho thấy ông gây ô nhiễm chưa chắc phải chịu hậu quả, nhưng ông hàng xóm lại chịu. Kết quả này sẽ đóng góp cho nhiệm vụ quy hoạch phân vùng môi trường sắp tới mà Bộ TNMT phải làm”, ông Đồng cho hay.

Trong khi đó, PGS.TS Lê Hoàng Nghiêm, Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, lại cho rằng cần cẩn trọng với kết quả này bởi ô nhiễm không khí là vấn đề mang tính liên vùng.

“Nếu cô lập TP.HCM nghiên cứu thì đơn giản. Nhưng cần xét bài toán tổng thể khi chất ô nhiễm liên tục bị chuyển từ vùng này sang vùng khác”, ông Nghiêm phân tích.

4% người dân hài lòng về chất lượng không khí

Kết quả khảo sát trực tuyến của GreenID năm 2016 và 2018 cho thấy 99% người dân TP.HCM quan tâm tới chất lượng không khí nhưng chỉ 4% hài lòng.

Theo khảo sát “Vấn đề lo lắng nhất của người dân” năm 2018 của Viện Nghiên cứu Phát triển Mekong, 17,06% người chọn ô nhiễm không khí, đứng thứ 2 chỉ sau vấn đề việc làm (24,12%).