Gỗ khủng ở rừng đặc dụng: Công an, kiểm lâm vào cuộc

Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chức năng đã xác nhận việc phá rừng đúng như báo chí phản ánh.

Từ phản ánh của báo Pháp Luật TP.HCM cùng nhiều cơ quan báo chí về việc rừng đặc dụng Nam Kar (Đắk Lắk) bị đốn hạ, ngày 26-11, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Ana, công an huyện cùng đơn vị liên quan đã đi xác minh.

Hàng loạt cây lớn mới bị đốn hạ

Khu vực rừng nơi cơ quan chức năng kiểm tra nằm trên xã Bình Hòa, do Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên (BQL KBTTN) Nam Kar làm chủ rừng. Quá trình kiểm tra, cán bộ hạt cùng công an ghi nhận nhiều súc gỗ lớn vuông vắn nằm la liệt theo các đường mòn trong rừng. Hàng loạt cây có đường kính khoảng 1 m được xác định mới bị cưa trong thời gian gần đây.

Ngoài ra, tại địa điểm phá rừng, cơ quan kiểm lâm còn phát hiện có phương tiện vận chuyển gỗ ra khỏi rừng như máy tời và vật dùng hỗ trợ trâu kéo gỗ.

Trao đổi với PV ngay tại hiện trường, ông Võ Văn Tụ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Ana, cho hay báo chí phản ánh là đúng và việc kiểm tra nhằm xác định lại điểm khai thác gỗ, ai là người quản lý để có cơ sở xử lý.

Kiểm lâm đang kiểm tra hiện trường vụ phá rừng. (Ảnh: H.TRƯỜNG)

“Chúng tôi sẽ báo cáo với phía UBND huyện, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk. Trước mắt là cắt cử anh em, đặc biệt phía chủ rừng cùng với địa phương phối hợp để bắt giữ các đối tượng phá rừng giao cơ quan chức năng” – ông nói.

Hạt Kiểm lâm: Trách nhiệm thuộc về chủ rừng

Theo hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Krông Ana, quá trình thực địa ghi nhận trong thời gian vừa rồi thì có xảy ra mưa lũ lớn trên diện rộng ở tỉnh Đắk Lắk, đặc biệt là huyện Lắk và Krông Ana, có thể lâm tặc lợi dụng mùa nước lớn, tận dụng nước lớn để khai thác gỗ. “Việc phá rừng xảy ra ở rừng đặc dụng Nam Kar cũng đã diễn ra khá lâu chứ không phải mới đây, lâm tặc đã khai thác có thể cách đây khoảng một tháng, trong thời gian mưa lụt, đường trơn”.

Ông Tụ cũng khẳng định chủ quản lý rừng phải chịu trách nhiệm và nhìn nhận công trường gỗ trong rừng đặc dụng như vậy là một sự việc nghiêm trọng, vì đây là vùng cấm nghiêm ngặt. “Mà để lâm tặc vào tác động trong vùng lõi thì rõ ràng trách nhiệm thuộc về chủ rừng là BQL KBTTN Nam Kar” – ông nhắc lại.

Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm Krông Ana xác nhận đang làm báo cáo gửi UBND huyện và Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk về vụ việc.

Đáng nói là trong khi cơ quan chức trách ghi nhận như trên thì đại diện chủ rừng trước đó lại trả lời PV rằng thời gian qua liên tục kiểm tra và không phát hiện có xảy ra tình trạng phá rừng nào. “Trong tháng vừa rồi không xuất hiện tình trạng phá rừng. Việc phá rừng trong thời gian vừa rồi là không có!” – ông Nguyễn Văn Nhật, Giám đốc BQL KBTTN Nam Kar, vài hôm trước khẳng định.

Trước đó, trong vai người đi bẫy chim, PV đã ghi nhận cảnh tượng rừng đặc dụng Nam Kar bị tàn phá nghiêm trọng, nhiều cây cổ thụ có tuổi đời hàng chục đến hàng trăm năm bị cưa xẻ thành ván gỗ lớn nằm chồng lên nhau. Không những thế, cách bìa rừng hơn 3 km, chúng tôi tận mắt chứng kiến là một công trường gỗ với hàng loạt tấm ván có đường kính rất lớn, nhiều gốc cây cổ thụ có tuổi đời trăm năm bị cưa xẻ với dấu cắt rất mới…

Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk yêu cầu hoàn tất hồ sơ vi phạm

Ngày 27-11, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk có văn bản giao BQL rừng đặc dụng Nam Kar phối hợp với cơ quan chức năng tiếp tục kiểm tra, xác minh, hoàn tất hồ sơ vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép xảy ra trên lâm phận quản lý của đơn vị để xử lý hoặc gửi cơ quan chức năng xử lý theo quy định.

BQL cũng được giao chủ động rà soát khu vực xảy ra vi phạm, đồng thời làm rõ nguyên nhân, mức độ vi phạm và trách nhiệm của BQL rừng đặc dụng Nam Kar. Báo cáo kết quả về sở trước ngày 29-11.

“BQL rừng đặc dụng Nam Kar phải có trách nhiệm trông coi, bảo vệ hiện trường và tang vật (gỗ vi phạm tại hiện trường) của vụ vi phạm khai thác gỗ trái phép nêu trên trong thời gian chờ xử lý theo quy định của pháp luật. Cạnh đó, xây dựng kế hoạch phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường tuần tra, truy quét tại các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản…” – sở yêu cầu.