Giáo dục nhân văn trong thời kỳ truyền thông – công nghệ: Gợi dẫn những mô hình từ thực tế

Ở Việt Nam, không kể đô thị hay nông thôn, một thế hệ trẻ có dấu hiệu nghiện công nghệ truyền thông đang gây lúng túng cho môi trường giáo dục từ gia đình đến nhà trường. Tuy thế, nếu công nghệ truyền thông có những ý tưởng hoặc cách giáo dục nhân văn thích hợp, chúng ta vẫn tìm thấy những tác động tích cực về nhân văn/nhân tính được lan truyền.

Sau khi đăng lên facebook và nhận được sự cộng cảm rất lớn, các ghi chép của Trang Nguyễn được cô tập hợp, cân chỉnh, biên tập, xuất bản thành sách Trở về nơi hoang dã (2018). Ảnh: INT

Một số mô hình tôi đưa ra dưới đây, trước hết, dựa trên quan sát cá nhân về sự thay đổi trong nội dung truyền thông của cá nhân, nhóm hay đơn vị/cơ quan. Thứ nữa, trong các nội dung đó, nhìn chung, có sự tích hợp giữa giáo dục STEM và giáo dục CORE1 nhằm khơi dậy tối đa cảm xúc, hứng thú và nhận thức của người tiếp nhận.

Mô hình “truyện kể”

Truyện kể vừa tạo dựng thế giới vừa soi chiếu thế giới. Giáo dục nhân văn sử dụng truyện kể, về bản chất, là đặt cá nhân vào vai trò bộc lộ cảm xúc, tự thể hiện mình. Cá nhân từng được chủ nghĩa nhân văn xem là thước đo giá trị con người. Nhưng trong thời công nghệ truyền thông số, cá nhân lại là thực thể dễ bị mất bản sắc và thay thế bởi những phiên bản được nâng cấp. Kể chuyện, rút cuộc, là quyền năng gần như cuối cùng để cá nhân chứng minh sự hiện diện, tồn tại của mình giữa thế giới người máy và AI. Trong thời của chủ nghĩa kết nối, số đông dễ dàng loại bỏ, bỏ quên/bỏ rơi cá nhân. Song chính câu chuyện của một cá nhân lại khiến số đông chú ý, tập trung và chia sẻ.

Tất cả đều diễn ra trong môi trường công nghệ số nhưng kết quả trên thực tế đã cố kết ít nhất một nhóm/cộng đồng tìm thấy nhau ở lòng trắc ẩn, niềm vui và hi vọng.

Truyền thông và mạng xã hội Việt Nam luôn đầy ắp những “truyện kể” dưới hai bản dạng phổ biến: truyện kể được hình thành tự phát, ngẫu nhiên; truyện kể được tạo tác như một sản phẩm báo chí, truyền thông.

So với tự phát, các truyện kể dưới hình hài báo chí thường qua bàn tay chọn lọc, tinh chỉnh và do đó, nội dung, cấu trúc, thông điệp của chúng hẳn nhiên rõ ràng hơn. Theo tôi, hình thức này giàu khả năng tham gia giáo dục nhân văn vì bản thân nó đồng thời thỏa mãn nhiều mức độ: nhân vật, câu chuyện, hình ảnh, xúc cảm, khả năng truyền cảm hứng, khả năng tỉnh thức cảm quan sống ý nghĩa.

Lựa chọn chuyên mục “Tôi kể” trên báo điện tử VnExpress làm ví dụ mẫu, tôi tạm hình dung bốn điểm nhấn trong mô hình truyện kể nhận được phản hồi tích cực từ cộng đồng: 1/Chủ thể câu chuyện là cá nhân cụ thể, “thường dân” (khác với các câu chuyện của chính trị gia, nhà khoa học, nhà kinh tế hoặc giới Celeb); 2/Câu chuyện thể hiện các quan điểm, sở thích, năng lực riêng của cá nhân. Dĩ nhiên, ở đây, câu chuyện phải có những đặc điểm nổi bật, hấp dẫn; 3/Tính chất “truyện kể” hình thành khi câu chuyện được thể hiện qua dạng video báo chí, trong đó, thao tác quay/dựng phim đòi hỏi tính sáng tạo. 4/ Thông qua cách xây dựng video, cấu trúc truyện kể được xử lí nhanh, đơn giản và hiệu quả.

Gần 500 sinh viên khoa quản trị kinh doanh trường ĐH Công nghiệp TP.HCM tham gia vẽ tranh hưởng ứng chiến dịch “Tôi đồng hành” hướng về bệnh nhi ung thư. Ảnh: http://iuhers.com

Mô hình truyện kể cũng có thể xuất hiện trong các hình thức khác: phỏng vấn, chân dung hoặc đối thoại. Ở Việt Nam, mạng xã hội và Youtube là hai phương tiện truyền thông chiếm thị phần lớn, dễ dàng cá nhân hóa nhờ khả năng tạo lập, tương tác và nhân rộng. Do đó, truyện kể trên Youtube sẽ là hiện tại và tương lai của các kênh “truyền hình” cá nhân.

Mô hình “trải nghiệm”

Trải nghiệm, với tư cách là yếu tố cấu thành nên hiểu biết của con người, theo Y. Harari, không thể như các đại lượng đo đếm được (nguyên tử, sóng điện từ, protein hay các con số) mà là “một hiện tượng chủ quan tạo thành từ ba yếu tố chính: cảm giác, cảm xúc và suy nghĩ”2. Các tác động của cảm xúc, cảm giác sẽ tạo thành vốn hiểu biết của mỗi cá nhân. Chính những trải nghiệm mới thúc đẩy mối bận tâm của chúng ta trước điều tốt/xấu và nhận thức được các phẩm chất đạo đức mà mình tôn trọng. Nhưng lựa chọn trải nghiệm nào cho giáo dục nhân văn, theo tôi, cần đặt trên hai chiều hướng: những trải nghiệm mang cảm xúc, nhận thức về trách nhiệm, bổn phận với cộng đồng/xã hội; những trải nghiệm biểu lộ thái độ và quyết định đạo đức của cá nhân.

Là một nhà bảo tồn động vật hoang dã, hiện là đại sứ cho Quỹ United for Wildlife của Hoàng gia Anh, Trang Nguyễn, trên facebook cá nhân, đã kể lại chân thực hành trình năm năm trải nghiệm, tham gia các hoạt động bảo tồn động vật hoang dã ở Nam Phi, Campuchia và Việt Nam.

Các nhà sư phạm, các nhà giáo dục cần nắm bắt nhanh thời điểm lí tưởng này, thời của công nghệ số, để tối đa hóa sức mạnh giáo dục nhân văn.

Lời kể cùng với hình ảnh thực tế gây ấn tượng rằng trải nghiệm của cô gái này, dù khá trẻ (sinh năm 1990), mang đến những cảm xúc, cảm giác rất khác biệt: bảo vệ và giải cứu động vật hoang dã. Những gì Trang trải nghiệm gợi nhắc tầm quan trọng của thiên nhiên và sẽ là dẫn chứng chính xác cho cái cách thiên nhiên đối lập, đối thoại với nhân thế ra sao. Trang không chỉ gióng tiếng chuông cấp bách về tình trạng buôn bán, bắn giết động vật quý hiếm, mà còn đánh động chúng ta nhìn lại mình trước số phận của thiên nhiên.

Mỗi trải nghiệm, tùy sức đẩy của cảm xúc, sẽ thúc giục cá nhân đi đến những quyết định thể hiện thái độ, đạo đức và nhận thức của mình. Cuối năm 2017, cộng đồng mạng xôn xao trước đoạn clip quay cảnh một em bé trần truồng, co ro giữa trời giá lạnh. Người đăng clip còn cho biết em bé bị liệt hai chân, không thể đi lại. Phản ứng chung của mạng xã hội là bày tỏ cảm giác xót xa, trắc ẩn với hoàn cảnh của bé. Ngay tức khắc, gia đình chị Nguyễn Ngọc Phương (TPHCM) đã quyết định lên nơi em bé sống, huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa), thăm hỏi và giúp đỡ em. Khi biết thêm rằng mẹ em bị tâm thần, không có điều kiện nuôi nấng con cái, bản thân em đã 6 tuổi nhưng chỉ nặng 10kg và cao 80cm, chị Phương đã xin gia đình nhận nuôi em. Kể từ đó, cái tên em bé Vàng Thị Pàng và nhật kí ngày tháng chăm sóc, chữa trị và dạy dỗ em của gia đình chị Phương thu hút hàng ngàn lượt người theo dõi. Báo chí, truyền thông cũng đưa tin về sự kiện này và họ gọi đó là “câu chuyện cổ tích” giữa thời hiện đại.

Trải nghiệm của chị Phương không xảy ra theo chủ đích sắp xếp, lên kế hoạch từ trước mà đến từ quyết định giàu tính cảm xúc, cảm giác. Sự thay đổi một cách tích cực tốt đẹp của bé Vàng Thị Pàng là minh chứng thuyết phục cho nỗ lực của chị Phương. Mặt khác, đối với cộng đồng theo dõi trải nghiệm của bé Pàng và chị Phương, họ có cơ hội được tích lũy và bày tỏ thái độ xúc cảm của mình. Tất cả đều diễn ra trong môi trường công nghệ số nhưng kết quả trên thực tế đã cố kết ít nhất một nhóm/cộng đồng tìm thấy nhau ở lòng trắc ẩn, niềm vui và hi vọng.

Mô hình “chia sẻ”

Chia sẻ dường như là mô hình dễ dàng với tất cả những ai tham gia truyền thông công nghệ số. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng “chia sẻ” ở đây không phải là việc bình luận, bấm like hay share bất kì điều gì diễn ra trên mạng xã hội mà là, theo phương pháp của giáo dục nhân văn, thách thức/phê phán hay cộng hưởng một ý tưởng nào đó.

Nhật kí chăm sóc, chữa trị và dạy dỗ bé Vàng Thị Pàng của gia đình chị Phương thu hút hàng ngàn lượt người theo dõi.

Một ý tưởng của cá nhân hay nhóm chỉ được coi là hữu dụng khi thuyết phục cộng đồng đánh giá rằng nó khiến cho “thế giới trở nên tốt đẹp hơn”. Trong khi các dạng thức chia sẻ thông thường (ảnh, clip, video, status, email, messenger…) đều có nguy cơ trao tay dữ liệu cá nhân cho “Dữ liệu giáo” thì sự chia sẻ các sáng kiến, ý tưởng tốt mang lại cảm hứng thực hành tức thời. Trong truyền thông công nghệ số, mô hình chia sẻ cũng cần đến các quy tắc có tính ràng buộc để cá nhân tập trung nhận diện hành vi chia sẻ nào là đúng đắn hoặc không.

Chiến dịch “Tôi đồng hành” là một sự kiện có sức lan tỏa lớn trên mạng xã hội trong năm 2018. Ban tổ chức yêu cầu người tham gia thực hiện các bước đơn giản: vẽ tranh hoặc làm hoa hướng dương, viết thông điệp yêu thương dành cho bệnh nhi ung thư; đăng ảnh chụp bức vẽ đó trên facebook cá nhân với hashtag #ngayhoihoahuongduong2018, #uocnguyenhong2018; tag mời thêm bạn facebook của mình tham gia. Mỗi bông hoa đăng trên facebook theo đúng yêu cầu sẽ được một công ty tài trợ ủng hộ 30.000 đồng thực hiện quà ước nguyện của bệnh nhi.

Nhờ sự hưởng ứng của cộng đồng, khi chiến dịch kết thúc, đã có hơn 300 nghìn bài viết chia sẻ hoa hướng dương. Nhà tài trợ đã trao tặng số tiền hần 5.6 tỷ đồng cho chương trình. Điều đáng nói là, trong số các bài chia sẻ, có đến hơn 300 ngàn bài không hợp lệ theo yêu cầu của ban tổ chức, nhưng chính con số này đã cho thấy cộng đồng (với nhiều thành phần xã hội khác nhau) hiểu rõ ý nghĩa của hành động chia sẻ. Họ chủ yếu nhắm đến cảm xúc được thực hiện một việc làm tốt đẹp dành cho người khác. Và sự hợp tác, chia sẻ cùng nhau khiến các quy định bắt buộc đã phải nhượng bộ. Chia sẻ, như vậy, cũng góp phần để các vấn đề xã hội lớn và phức tạp hơn được nhìn nhận, giải quyết thực chất.

Ngược lại, các cá nhân hoặc tổ chức muốn cộng đồng xã hội cùng hợp tác triển khai ý tưởng, thì phải nhờ đến truyền thông số. Các chiến dịch quy mô thế giới như Giờ trái đất hay Cuộc chạy Marathon Hy vọng đều cần đến sự chia sẻ âm thầm và trách nhiệm từ hàng triệu cá nhân không cùng chung ngôn ngữ, màu da, sắc tộc nhưng có chung tương tác truyền thông và nhận thức về hành động nhân văn.

Sự đồng thuận về ý tưởng cũng nói lên sở thích, cảm hứng và nhận thức chung. Nhóm “Lối sống tối giản” (Minimalism Lifestyle) tuy mới xuất hiện (tháng 6/2017) nhưng đã có hơn 34 nghìn thành viên. Chủ đề chính của nhóm là các ý tưởng và cách thực hành lối sống tối giản. Mỗi thành viên chia sẻ các thu nhận, hiểu biết hoặc băn khoăn của mình về lối sống này. Thoạt nhìn, cách tồn tại của nhóm không có gì đặc biệt hơn so với vô số nhóm kín hoặc công khai trên mạng xã hội Việt Nam. Tuy nhiên, “minimalism” (chủ nghĩa tối giản) lại đang nằm trong xu hướng lớn từ nghệ thuật đến lối sống trên thế giới. Những gì mà minimalism tạo ra trong kiến trúc, thiết kế, bài trí, văn chương, điện ảnh,… là sự chống lại các ràng buộc vật liệu, chất liệu từng chi phối tư duy con người.

Trên thế giới, chủ nghĩa tối giản đang kích thích nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ độc lập, dấn tới những dự định sáng tạo ở phạm vi vừa sức của các điều kiện, trong đó có điều kiện tài chính, mặt khác, đặt họ vào tiếng nói tương thông liên cá nhân vốn rất cấp thiết trong thời đại truyền thông.

Đặt trong bối cảnh đó, những người theo “Lối sống tối giản” tự định hình sở thích và nhận thức của mình như một giá trị xứng đáng theo đuổi. Mặt khác, ở Việt Nam gần đây, đằng sau sự trương phình của chủ nghĩa tiêu dùng đang gây khủng hoảng môi trường và áp lực tâm lí, “lối sống tối giản” có thể là sự “trở về” cội nguồn phương Đông đề cao tính “vô”, tính Thiền trong hình hài và tâm tưởng. Đó là lí do khiến nhóm “Lối sống tối giản” thường quan tâm đến hoạt động trao đổi đồ cũ, đồ tái chế hoặc tặng quần áo/vật dụng cho người có nhu cầu. Một lần nữa, ý thức về chia sẻ của nhóm có dịp tìm kiếm những lá phiếu đồng thuận.

Nhìn lại, có thể thấy bản thân các hoạt động công nghệ truyền thông số ở Việt Nam cũng hướng đến khả năng mở rộng sự tiếp nhận của người dùng. Đấy không chỉ là thông tin, các tính năng ảo diệu của công nghệ. Đấy còn là các câu chuyện, trải nghiệm hay chia sẻ mà chỉ con người mới thấu hiểu những cảm xúc, sự cộng cảm và ý thức về trách nhiệm chung ở đó. Và vì thế, mỗi người trở nên tích cực hơn trong hành động, hiểu biết nhân văn. Các nhà sư phạm, các nhà giáo dục cần nắm bắt nhanh thời điểm lí tưởng này, thời của công nghệ số, để tối đa hóa sức mạnh giáo dục nhân văn, một nền tảng giáo dục căn bản nhưng đang bị thử thách nghiêm trọng như hiện nay.


Chú thích:

1 Trong bài thứ hai, “Lựa chọn giáo dục STEM hay CORE”, tôi đã cho rằng, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, nên có sự giao thoa hài hòa giữa giáo dục các lĩnh vực khoa học – công nghệ (STEM) và giáo dục khơi gợi cảm xúc, nhận thức nhân văn (CORE). Bởi thế, ở bài này, các ví dụ thực tế đưa ra đều được lựa chọn, phân tích để chỉ ra sức mạnh công nghệ truyền thông số đã trở nên “đắt giá” như thế nào khi chứa đựng tinh thần giáo dục nhân văn.

2 Y. Harari. 2018. Homo Deus. Lược sử tương lai. Dương Ngọc Trà dịch. NXB Thế giới, H., tr.283.