Thay đổi thói quen tiêu dùng để bảo vệ môi trường

ThienNhien.Net – Những thói quen tiêu dùng bất hợp lý của mỗi người trong xã hội đang tạo thêm sức ép lên môi trường sống. Nếu chúng ta có ý thức tiêu dùng trách nhiệm sẽ tránh lãng phí tài nguyên, hạn chế ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường bền vững. Chính vì vậy, chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm 2015 với thông điệp “Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm – Vì một Trái đất bền vững” nhằm hướng đến những hành động thiết thực để bảo vệ môi trường.

Những ngày thời tiết nắng nóng, điều hòa nhiệt độ sử dụng khắp nơi, từ cơ quan, công sở, trường học đến từng ngôi nhà của mỗi gia đình. Không nhiều người để ý, điều chỉnh nhiệt độ điều hòa ở mức hợp lý vừa tiết kiệm điện, giảm chi phí sinh hoạt, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Có thể lấy ví dụ với nhiều thói quen khác trong cuộc sống hằng ngày như dùng nước sạch sao cho không lãng phí, sử dụng thực phẩm tiết kiệm hay đơn giản như dùng túi ni-lông tái sinh… đều là hành động thể hiện tiêu dùng có trách nhiệm. Túi ni-lông là sản phẩm được sử dụng rộng rãi trong đời sống nhưng khi bị loại bỏ lại rất khó phân hủy. Giải pháp tái sinh túi ni-lông đã được ứng dụng từ nhiều năm nay. Tuy nhiên sản phẩm này vẫn ít được lựa chọn do người dân chưa quen, giá thành túi ni-lông rất rẻ nên dễ dàng bị vứt bỏ sau khi dùng. Đây chỉ là một trong những biểu hiện để thấy nhận thức của người dân đối với tiêu dùng xanh, lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường vẫn còn hạn chế. Bên cạnh đó, một số sản phẩm sử dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường nhưng giá thành còn cao cũng là nguyên nhân khiến người tiêu dùng chưa mặn mà.

Lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ từng bước hình thành thói quen tiêu dùng xanh. (Ảnh: Vũ Dung)
Lựa chọn sản phẩm thân thiện với môi trường sẽ từng bước hình thành thói quen tiêu dùng xanh. (Ảnh: Vũ Dung)

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở nước ta, tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang chiều sâu. Sản xuất công nghiệp với công nghệ lạc hậu làm mức tiêu hao nguyên liệu, năng lượng còn rất lớn kéo theo tỷ suất phát thải chất ô nhiễm cao. Cùng với đó, nhu cầu phát triển nóng của nền kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tăng và nhiều thói quen tiêu dùng do phong tục, tập quán, đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái.

Theo đánh giá của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), hệ sinh thái trên Trái đất đang dần tiến tới mức suy thoái hoặc bị biến đổi, nguyên nhân là do sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế. Nếu vào năm 2050, vẫn với các mô hình sản xuất và tiêu dùng tiêu tốn nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay, cộng với dân số thế giới gia tăng (dự kiến chạm ngưỡng 9,6 tỷ người), thì chúng ta sẽ phải cần tới 3 trái đất mới đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng. Các hộ gia đình tiêu thụ 29% năng lượng toàn cầu, góp phần vào 21% của lượng phát thải các-bon. Bên cạnh đó, có khoảng 1,3 tỷ tấn lương thực bị lãng phí mỗi năm, 1,5 tỷ người trên thế giới đang thừa cân hoặc béo phì trong khi gần 1 tỷ người suy dinh dưỡng và 1 tỷ người đói. Tình trạng sử dụng nước sạch lãng phí, gây ô nhiễm nguồn nước cũng đáng báo động. Con người chỉ có thể khai thác 0,5% lượng nước ngọt cho các mục đích tiêu dùng và các nhu cầu của hệ sinh thái, nhưng đang làm ô nhiễm nước nhanh hơn khả năng làm sạch tự nhiên tại các sông hồ. Trong khi đó, hơn 1 tỷ người trên thế giới hiện vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch. Đây là những con số khiến chúng ta phải suy nghĩ trước mỗi việc làm, hành động có thể gây tổn thương cho môi trường từ chính thói quen sinh hoạt hằng ngày.

Theo đánh giá của các chuyên gia, mua sắm xanh, tiêu dùng xanh có nhiều lợi ích như: Nâng cao độ an toàn, sức khỏe cho người dân, cộng đồng, giảm sử dụng năng lượng cũng như tài nguyên thiên nhiên. Tiêu dùng cũng là yếu tố tạo ra nhu cầu, kích thích nguồn cung để phát triển sản phẩm mới, thân thiện với môi trường. Càng nhiều sản phẩm tái chế được sử dụng thì quá trình thu gom, phân loại chất thải để sản xuất những sản phẩm này sẽ càng được đẩy mạnh hơn.

Vấn đề sản xuất và tiêu dùng bền vững đã được đề cập cụ thể trong Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Theo chiến lược này, một trong các định hướng ưu tiên nhằm phát triển bền vững là đẩy mạnh áp dụng rộng rãi sản xuất sạch để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên vật liệu, năng lượng, nước, giảm phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm. Đồng thời, chú trọng xây dựng văn hóa tiêu dùng văn minh, hài hòa và thân thiện với thiên nhiên. Từng bước thực hiện dán nhãn sinh thái, mua sắm xanh, phát triển thị trường sản phẩm sinh thái và sáng kiến cộng đồng về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Cùng với việc tuyên truyền, khuyến khích sử dụng các sản phẩm xanh, để xây dựng thói quen tiêu dùng có trách nhiệm, cần phải áp dụng những chính sách điều chỉnh hành vi tiêu dùng không hợp lý; yêu cầu các doanh nghiệp cam kết phát triển, cho ra đời các sản phẩm xanh, an toàn, chất lượng, giúp người tiêu dùng có thêm nhiều lựa chọn.