Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển

Tại Hội thảo khởi động Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” được tổ chức ngày 30/10/2019 tại Hà Nội, ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: “Ảnh hưởng tiêu cực của rác thải nhựa đến hệ sinh thái đã lên đến mức cảnh bảo”.

Ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tham gia hội thảo là đại diện nhiều Bộ, ban, ngành như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Bộ Xây Dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cùng nhiều chuyên gia trong nước và ngước tế về rác thải nhựa.

Rác thải biển: Thách thức của toàn cầu

Tốc đô đô thị hóa, phát triển kinh tế và chuyển đổi mô hình tiêu dùng – sản xuất, lượng bao bì sử dụng một lần tăng lên nhanh chóng trên toàn thế giới. Xét đến khía cạnh môi trường, hệ thống quản lý rác thải ở phần lớn các quốc gia vẫn hoạt động thiếu hiệu quả trong các khâu thu gom, phân loại, tái chế, tái tạo năng lượng và xử lý rác thải bao bì. Những xu hướng này góp phần làm tăng đáng kể lượng rác thải biển – mối đe dọa đối với hệ sinh thái biển, ngành thủy sản và du lịch.

Khoảng 60 – 90% rải thải biển là nhựa, trong đó phần lớn là từ các sản phẩm nhựa và bao bì sử dụng một lần. Ước tính, mỗi năm, 5-13 triệu tấn rác thải trên toàn thế giới đổ ra đại dương.

Đông Á và Đông Nam Á là những khu vực điểm nóng về xả rác thải nhựa ra đại dương và có tác động tiềm ẩn đối với đa dạng sinh học. Đối với Việt Nam, theo đánh giá của thế giới, với tốc độ đẩy rác thải nhựa ra biển khoảng 1,8 triệu tấn/năm, Việt Nam là một trong 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển.

Nếu không có biện pháp ngăn chặn trên quy mô quốc gia và quốc tế, đến năm 2050 theo ước tính của Liên hợp quốc, ngoài biển sẽ nhiều nhựa, sắt, thép và nguyên vật liệu xây dựng hơn cá.

Nỗ lực của thế giới nhằm đối phó với rác thải biển

Chính phủ các nước ngày càng nhận thấy sự cần thiết của việc chuyển đổi sang hướng tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn đối với rác thải nhựa để giải quyết những thách thức này.

Cụ thể, năm 2018, Ủy ban châu Âu công bố Chiến lược châu Âu về nhựa trong nền kinh tế tuần hoàn. Chiến lược nhằm mục tiêu ngăn chặn rác thải nhựa, mở rộng khả năng tái chế và nâng cao yêu cầu của thị trường đối với nhựa tái chế. Ngoài ra, Chiến lược còn hướng đến việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn và ngăn chặn rác thải biển. Dự kiến, đến năm 2030, toàn bộ bao bì nhựa được đưa vào thị trường châu Âu sẽ được tái sử dụng hoặc tái chế.

Ở Đông Á và Đông Nam Á, nhiều sáng kiến cấp quốc gia và địa phương đã được đưa ra nhằm giảm lượng rác thải nhựa xả vào đại dương. Năm 2018, nguyên thủ các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Nhật Bản và các nước khác thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo Đông Nam Á về chống rác thải nhựa ở biển. Tháng 6 năm 2019, các quốc gia thành viên ASEAN tiếp tục thông qua Tuyên bố Bangkok về chống rác thải biển, cam kết tăng cường nỗ lực giảm thiểu và giải quyết thách thức về rác thải nhựa, trong đó ưu tiên các nguyên tắc kinh tế tuần hoàn.

Hòa mình vào nỗ lực của thế giới, Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Phát triển kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nhằm “ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng”. Bộ Tài Nguyên và Môi trường cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 với mục tiêu “quản lý được rác thải nhựa đại dương từ nguồn thải trên đất liền và nguồn thải ở biển theo cách tiếp cận nền kinh tế tuần hoàn đảm bảo chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển; đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; tạo đột phá trong nhận thức, ứng xử và hành vi của toàn cộng đồng trong tiêu dùng sản phẩm nhựa, rác thải nhựa”.

Dự án Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển

Mặc dù các quốc gia trên thế giới đã có những bước đi cụ thể như trên, nhưng thực tiễn cho thấy rác thải nhựa vẫn là vấn đề bức xúc của toàn cầu. Theo Vụ trưởng Phạm Phú Bình, “suy nghĩ lại về rác thải nhựa” là đòi hỏi cấp thiết để đưa ra được những giải pháp phù hợp thay đổi chuỗi hoạt động từ sản xuất đến tiêu dùng hướng đến bền vững và quản lý rác thải sau tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Lâm Giang, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Đại diện Bộ Công                         Thương (Thứ 2, hàng đầu, từ trái qua) tham gia hội thảo khởi động dự án

Dự án “Suy nghĩ lại về nhựa – Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển” do Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quốc tế Pháp (Expertise France) và Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp thực hiện, với nguồn tài trợ từ Liên minh châu Âu và Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế Liên bang Đức.

Trong khoảng thời gian triển khai từ tháng 05/2019 đến 04/2022, Dự án sẽ tập trung vào 06 lĩnh vực: (1) Đối thoại chính sách về sản xuất và quản lý nhựa; (2) Quản lý rác thải nhựa; (3) Tiêu dùng và sản xuất nhựa một cách bền vững; (4) Giảm rác thải từ các nguồn gắn với hoạt động trên biển; (5) Mua sắm xanh và (6) Nâng cao nhận thức về tiêu dùng và sản xuất bền vững sản phẩm nhựa.

Phạm vi hoạt động của Dự án là các nước đối tác trong khu vực Đông Á và Đông Nam Á, bao gồm: Việt Nam, Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Nhật Bản.

Tại Việt Nam, Dự án tập trung cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ phát triển và triển khai chính sách liên quan đến nhựa, kinh tế tuần hoàn và rác thải biển.

Sau hội thảo khởi động, từ tháng 11/2019, Dự án sẽ bắt đầu lựa chọn các dự án thí điểm do các tổ chức phi lợi nhuận thực hiện.

Nguồn: