“Không thể có thủy điện bền vững trên sông Mê Kông”

ThienNhien.Net – Những câu chuyện về cuộc sống và sinh kế của người dân các cộng đồng sống dọc sông Mê Kông của Thái Lan, Campuchia và Việt Nam trước ảnh hưởng của các dự án thủy điện trên dòng sông đã được chia sẻ tại một diễn đàn khu vực tổ chức tại tỉnh Nong Khai, Thái Lan ngày 10/10/2013.

Cùng với một số tổ chức xã hội dân sự trong khu vực, đông đảo người dân đại diện cho các cộng đồng sống dọc ven sông Mê Kông ở Đông Bắc Thái Lan và các đại diện cộng đồng từ Việt Nam, Campuchia đã chia sẻ những khó khăn mà họ phải đối mặt khi dòng chảy, nguồn cá, chất lượng nguồn nước, lưu lượng phù sa bị tác động bởi các đập thủy điện xây dựng trên dòng sông Mê Kông, ảnh hưởng trực tiếp tới sinh kế và cuộc sống của họ.

Các cộng đồng hạ nguồn Mê Kông cũng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với các dự án thủy điện được lên kế hoạch trên dòng chính sông Mê Kông, đặc biệt với đập Xayaburi đang được xây dựng và đập Don Sahong sắp được khởi công tại Lào.

111013_DiendanMK

Một góc trưng bày hình ảnh về cuộc sống của người dân tại Diễn đàn (Ảnh: Bạch Dương)
Một góc trưng bày hình ảnh về cuộc sống của người dân tại Diễn đàn (Ảnh: Bạch Dương)

Sáng kiến Thủy điện bền vững của Ủy hội sông Mê Kông cũng là một chủ đề được bàn thảo tại Diễn đàn. Theo đó, người dân bày tỏ sự ngờ vực về tính thực tế của sáng kiến này: “Tôi không thể tin là có thể có thủy điện bền vững trên dòng Mê Kông. Những tác động từ đập thủy điện mà chúng tôi đã trải nghiệm cho thấy đó chỉ là trò chơi chữ của Ủy hội sông Mê Kông” – một người dân chịu tác động từ đập thủy điện Pak Mun của Thái Lan trên dòng nhánh sông Mê Kông cho biết.

Diễn đàn do Mạng lưới các tổ chức cộng đồng tại bảy tỉnh Đông bắc Thái Lan, Quỹ Phục hồi sinh thái (FER), Tổ chức Living River Siam (SEARIN) của Thái Lan và Liên minh Cứu sông Mê Kông (StM) phối hợp tổ chức với mục tiêu kết nối các cộng đồng sống dọc hạ nguồn lưu vực sông Mê Kông, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời thúc đẩy sự phối hợp giữa các nhóm cộng đồng và các mạng lưới xã hội dân sự vì một tương lai bền vững của dòng Mê Kông.

Bạch Dương