Tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm hai năm vì ô nhiễm không khí

Một nghiên cứu mới được công bố của Viện nghiên cứu Chính sách Năng lượng thuộc Đại học Chicago cho thấy ô nhiễm không khí làm giảm 1,8 năm tuổi thọ trung bình của người dân toàn cầu và trở thành mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người.

Nghiên cứu mới tập trung vào ô nhiễm hạt mịn do việc đốt nhiên liệu hóa thạch từ xe cộ và công nghiệp, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tuổi thọ trung bình của người dân hai nước bị rút ngắn những 6 năm. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng kết hợp nghiên cứu về tuổi thọ bị giảm do tiếp xúc lâu ngày với các hạt bụi mịn với bản đồ ô nhiễm rất chi tiết. Tác động của không khí độc hại lớn hơn cả hút thuốc lá hoặc HIV/AIDS.

Một phụ nữ đeo khẩu trang đi trên đường phố đầy sương mù ở Bắc Kinh (Ảnh: Andy Wong/AP)

Michael Greenstone, Giám đốc Viện nghiên cứu Chính sách Năng lượng và là người đứng đầu công trình nghiên cứu cho biết: “Trong khi mọi người có thể ngừng hút thuốc và thực hiện các bước để tự bảo vệ mình khỏi bệnh tật, họ không thể làm gì nhiều để tự bảo vệ mình khỏi không khí đang hít thở. Nghiên cứu của chúng tôi giúp người dân và các nhà hoạch định chính sách nhận thấy việc ô nhiễm hạt mịn ảnh hưởng đến họ và cộng đồng như thế nào và tiết lộ những lợi ích của các chính sách để giảm ô nhiễm hạt”.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng cảnh báo có tới 90% số người tiếp xúc với không khí không an toàn và việc hít thở không khí độc hại giết chết 7 triệu người mỗi năm, đồng thời gây hại cho hàng tỷ người.

Tháng 10 vừa qua, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO nói rằng ô nhiễm không khí là một dạng “thuốc lá mới”, tuy nhiên, “mặc cho những cái chết và khuyết tật vô bổ có thể ngăn ngừa, một làn khói tự mãn vẫn tràn ngập khắp hành tinh”.

Đáng chú ý là con số về ca tử vong sớm chắc chắn không được đánh giá đầy đủ vì chỉ bao gồm ô nhiễm hạt và năm nguyên nhân liên quan chặt chẽ nhất gây ra tử vong. Ước tính ban đầu – bằng việc sử dụng các mô hình cải tiến – cho thấy tổng cộng có 9 triệu cái chết là từ ô nhiễm hạt mịn. Các mối liên hệ mới với tổn thương sức khỏe đang được tiết lộ mỗi tháng, trong đó trẻ em là đối tượng bị ảnh hưởng đặc biệt. Nghiên cứu gần đây cho thấy mối kết nối giữa tình trạng phổi bị ức chế phát triển (do ô nhiễm không khí) và bệnh béo phì ở trẻ em.

Nghiên cứu mới nhất của Viện nghiên cứu Chính sách Năng lượng thiết lập một phương thức đo chỉ số chất lượng không khí (AQLI), cho phép mọi người tìm hiểu xem họ sẽ sống bao lâu nữa nếu hít thở không khí đáp ứng các hướng dẫn của WHO so với nơi họ sinh sống.

“Trên khắp thế giới ngày nay, mọi người đang hít thở không khí nguy hiểm đối với sức khỏe. Nhưng cách truyền thông về những rủi ro này thường rất mờ nhạt và khó hiểu”, Greenstone nói. “Chúng tôi đã phát triển AQLI để giải quyết những thiếu sót này. AQLI đo hàm lượng ô nhiễm không khí và chuyển đổi thành những số liệu có lẽ là quan trọng nhất hiện nay – tuổi thọ dự tính”.

Người dân ở Ấn Độ sẽ sống thêm được trung bình 4,3 năm nếu nước này đạt được các hướng dẫn của WHO và riêng người dân ở bang Uttar Pradesh sẽ sống thêm 8,6 năm.

Ở Mỹ, khoảng 1/3 dân số sống ở những khu vực có không khí bị ô nhiễm và những người sống trong các quận bị ô nhiễm nhất có thể sống lâu hơn một năm nếu không khí trong lành. Tại Luân Đôn, nghiên cứu chỉ ra mức giảm tuổi thọ trung bình là bốn tháng.

Giảm tuổi thọ trung bình toàn cầu là 1,8 năm – cao hơn mức giảm 1,6 năm do hút thuốc lá. Các nguy cơ khác đối với sức khỏe con người thậm chí còn có tác dụng nhỏ hơn: nước bẩn và vệ sinh giảm tuổi thọ trung bình 7 tháng và HIV/AIDS 4 tháng; tử vong do chiến tranh và khủng bố tương đương với mức giảm 22 ngày tuổi thọ trung bình toàn cầu.

Nhật Anh (Theo Theguardian)

Nguồn: