Thái Lan siết việc bảo vệ Hồng hoàng mũ cát

BVR&MT – Cục Vườn Quốc gia và bảo tồn động thực vật hoang dã Thái Lan dự định đưa Hồng hoàng mũ cát (Rhinoplax vigil) thành loài được bảo tồn để bảo vệ loài quý hiếm này khỏi nạn săn bắn bất hợp pháp.

Loài Hồng hoàng mũ cát

Thợ săn thường bắt đầu săn Hồng hoàng mũ cát trong mùa làm tổ, từ tháng 12 đến tháng 5, để giết chim mẹ lấy mỏ sừng và bắt chim non – mặt hàng có nhu cầu đặc biệt cao ở Trung Quốc.

Kể từ năm 2016, Cục này này đã bắt giữ 5 thợ săn, tịch thu những cá thể Hồng hoàng mũ cát còn sống cùng 01 cá thể đã chết.

Hồng hoàng mũ cát là một trong những loài chim mỏ sừng lạ thường nhất – loài duy nhất có lớp vỏ rắn bọc kín mỏ. Tuy nhiên, đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm của loài này.

Hơn 1.000 năm nay, Hồng hoàng mũ cát bị săn lùng ở Borneo để lấy mỏ rồi bán sang Trung Quốc nhưng trong vòng 9 năm qua, loài này đã phải chịu áp lực chưa từng có từ nhu cầu mỏ sừng bùng nổ để làm đồ trang sức chạm khắc và đồ trang trí.

Loài này được đưa vào Phụ lục 1 của Công ước CITES.

Các nguồn tin cho biết Cục Vườn Quốc gia và bảo tồn động thực vật hoang dã Thái Lan đang hợp tác với Hornbill Research Foundation thuộc Đại học Mahidol nghiên cứu về các hoạt động và hành vi làm tổ của loài để có thể thực hiện kế hoạch bảo vệ.

Cục đã thành lập một đơn vị tuần tra đặc biệt để giám sát các cá thể chim tại khu vực làm tổ, đồng thời đang soạn thảo một kế hoạch quốc gia cho việc quản lý Hồng hoàng mũ cát.

Theo TRAFFIC, trong khoảng từ tháng 10/2018 đến tháng 4/2019, đã có ít nhất 236 bài đăng trực tuyến rao bán các sản phẩm từ lớp mỏ sừng và các bộ phận cơ thể Hồng hoàng mũ cát.

Các sản phẩm được bán bao gồm lớp mỏ sừng, mặt dây chuyền, nhẫn, vòng đeo tay, khóa thắt lưng và mỏ sừng nhồi bông.

Nhật Anh (Theo PBSworld)

Nguồn: