Kinh tế tuần hoàn: Không nên dừng ở những nhà sản xuất lớn

Ảnh: TL

Kinh tế tuần hoàn đang có những bước khởi đầu tại Việt Nam với sự tham gia của các nhà sản xuất lớn.

Ngành công nghiệp thời trang hoạt động theo mô hình “Khai thác tài nguyên – Sản xuất – Vứt bỏ sau tiêu thụ” (Take-make-dispose). Với kim ngạch xuất khẩu hơn 30 tỉ USD/năm, ngành dệt may đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của cả nước, song chất thải hóa chất cũng khiến ngành này trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường hàng đầu tại Việt Nam.

Vì vậy, trong 3 năm qua, Chương trình cải thiện hiệu quả tài nguyên Việt Nam đã hỗ trợ 82 nhà máy dệt may và da giày tại Việt Nam, đầu tư 37 triệu USD vào các biện pháp sử dụng tài nguyên hiệu quả, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được 30 triệu USD/năm nhờ tiết giảm sử dụng nước, năng lượng và hóa chất. Theo ông Kyle Kelhofer, Giám đốc khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào của IFC, những giải pháp này, vừa giúp tiết kiệm được chi phí sản xuất vừa cải thiện được tính cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đây là một ví dụ cho thấy vai trò của doanh nghiệp trong việc hướng tới nền kinh tế tuần hoàn 2020-2030 mà Việt Nam nhắc đến rất nhiều trong những năm qua. Mặc dù chỉ là một quốc gia xếp thứ 68 thế giới về diện tích, thứ 15 thế giới về dân số, nhưng nghịch lý là Việt Nam hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm. Theo World Bank, chỉ riêng ô nhiễm nước cũng có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP.

Để giải quyết nguy cơ cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm và suy thoái môi trường, giới chuyên gia đang thúc đẩy các chính sách nhằm giúp Việt Nam thay đổi cách tiếp cận chuyển đổi từ mô hình “kinh tế truyền thống” sang “kinh tế tuần hoàn”. Cũng như các doanh nghiệp ngành dệt may, những nỗ lực hướng tới phát triển bền vững đang được nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam theo đuổi, không chỉ giúp giảm phát thải, mà còn kiến tạo ra giá trị từ rác thải. Chẳng hạn, thông qua việc thu gom 1 tấn nắp chai bia và tái chế thành vật liệu sắt để xây cầu hỗ trợ cộng đồng, dự án của Heineken đã thực hiện thành công mục tiêu thúc đẩy tái chế, giảm rác thải và cải thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cộng đồng. Unilever với chương trình thu gom tái chế bao bì nhựa và phân loại rác tại nguồn; Coca-Cola với chương trình thu gom, phân loại chai nhựa trong sáng kiến Zero Waste to Nature…

Quốc tế có rất nhiều bài học đáng giá tham khảo về vấn đề này. Ủy ban Tài nguyên Quốc tế xuất bản báo cáo cho thấy, sử dụng tài nguyên khôn ngoan hơn có thể tăng thêm 2.000 tỉ USD cho nền kinh tế toàn cầu vào năm 2050 và hạn chế rác thải thực phẩm có thể đóng góp 252 tỉ USD mỗi năm vào năm 2030. Một loạt báo cáo của Câu Lạc bộ Rome cho thấy, nếu tuổi thọ của sản phẩm tăng gấp đôi và một nửa số nguyên liệu thô được tiêu thụ ngày nay thay thế bằng vật liệu tái chế, thì sẽ tạo ra 200.000 việc làm mới ở Tây Ban Nha và 300.000 việc làm mới ở Pháp.

Nhiều tập đoàn trên thế giới đã hoạt động theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Trong đó, trách nhiệm của nhà sản xuất (Extended Producer Responsibility- EPR) đã trở thành lá cờ đầu trong xu hướng sản xuất và kinh doanh này. Các quy tắc EPR thúc đẩy nhà sản xuất và thương hiệu tính toán chi phí lại sản xuất liên quan tới hoạt động tái chế, tái sử dụng. Theo OECD, chi phí này sẽ được tính thấp hơn nếu sản phẩm có thể được bán cho nhà tái chế.

Số lượng chính sách về EPR đã tăng từ vài chục vào đầu những năm 1990 lên gần 400 trên toàn thế giới vào năm 2013, trong đó có nhiều quốc gia tại Đông Nam Á. Các chính sách này có thể kịp thời đưa tỉ lệ tái chế nhựa từ 10-20% ngày nay gần với tỉ lệ 60-80% hiện được các vật liệu khác như nhôm, thép và giấy…

Khi vận dụng khái niệm EPR, mỗi quốc gia lại có một cách làm khác biệt. Ví dụ, Anh xác định những công ty có doanh thu hơn 3,7 triệu USD và sử dụng 50 tấn nguyên liệu đóng gói mỗi năm phải báo cáo dữ liệu sử dụng nhựa đóng gói. Anh cũng đưa ra kế hoạch yêu cầu nhà sản xuất bao bì nhựa phải trả toàn bộ chi phí xử lý chất thải của họ và trả lại tiền đặt cọc cho lon và vỏ chai. Cũng với cách tiếp cận tương tự, Áo đã thiết lập công cụ báo cáo qua internet theo từng khoảng thời gian, ví dụ như hằng tháng, hằng quý cho doanh nghiệp dựa trên số lượng nguyên liệu sử dụng để đóng gói sản phẩm…

Mô hình kinh tế tuần hoàn được đánh giá là cần thiết cho Việt Nam nhưng hiện ở giai đoạn đầu và chỉ có ở doanh nghiệp lớn. Một tin mừng là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam sẽ có Nghị quyết về phát triển bền vững, đặt ra kỳ vọng mô hình kinh tế bền vững này sẽ sớm trở thành động lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.