Buôn bán da voi tăng nhanh ở Đông Nam Á

Theo một báo cáo vừa công bố của tổ chức Elephant Family, buôn bán da voi bất hợp pháp đang tăng ở khắp Đông Nam Á.

Elephant Family điều tra việc buôn bán da voi trong giai đoạn 2016-2018 và đưa ra cập nhật dựa trên bản báo cáo công bố năm 2018.

Mặc dù buôn bán qua mạng giảm một thời gian ngắn vào tháng 10/2018 do các đề cập về da voi bị loại bỏ khỏi các thảo luận online và hầu hết các trang buôn bán trực tuyến bị đóng cửa, nhưng ngay tháng sau đó, “các trang lại tiếp tục hoạt động và đến tháng 5/2019, lượng người đăng ký tất cả các trang liên quan đến các giao dịch da voi tăng trở lại và hiện vẫn tiếp tục tăng”.

Ngoài để lấy ngà thì hiện nay, voi còn đứng trước nguy cơ bị săn trộm để lấy da. (Ảnh: Andrew Linscott/Getty Images)

Báo cáo cho thấy người buôn bán da voi thích giao dịch online (chợ ảo) hơn là chợ thực. Tất cả những người cung cấp thông tin cho điều tra đều cho biết nguồn cung da voi là từ nơi nào đó thuộc Đông Nam Á, chủ yếu từ Myanmar.

Nhóm điều tra cho biết mạng lưới thương mại trải rộng khắp khu vực, gồm cả Campuchia, Trung Quốc, Lào và Malaysia.

Ngoài đánh giá tình trạng buôn bán da voi nói chung tăng, cuộc điều tra cũng xem xét các loại sản phẩm khác làm bằng da đang được sử dụng vào mục đích gì, người buôn bán giao dịch trực tuyến ra sao.

Nhóm điều tra phát hiện buôn bán trực tuyến qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook tăng ở quy mô toàn cầu. Trong các nhóm hoạt động trên khắp châu Á, người buôn bán trao đổi các mặt hàng dược phẩm và da trang trí bằng da voi.

“Các trang trực tuyến cho phép người buôn bán da voi ẩn danh, các giao dịch lại không qua kênh tiền mặt, thành ra họ lách được các lệnh cấm cũng như việc thực thi pháp luật. Điều này là nguyên nhân các trang trực tuyến hấp dân hơn các chợ thực”, theo báo cáo.

Điều tra cũng cung cấp thông tin về việc kéo dài cái chết của voi khi bị giết bất hợp pháp và mối đe dọa tiềm tàng từ việc buôn bán đối với loài nguy cấp này.

Mặc dù những kẻ săn trộm thường dùng thuốc độc bẫy cá thể voi nhưng đôi khi cả đàn voi bị giết hại và điều này tạo ra mối nguy hại lớn hơn rất nhiều cho loài. Những ngọn mác tẩm thuốc độc được sử dụng để đâm vào con vật, gây ra cái chết từ từ trong khoảng thời gian 2-8 giờ đồng hồ.

“Một số cá thể voi hoảng sợ và chạy đi, làm cho chất độc có tác dụng nhanh hơn, một số cá thể gục ngã và mất phương hướng, không thể di chuyển. Các cá thể voi bị ngấm thuốc độc thường rất khát nước và lần mò đi tìm nguồn nước, vì thế xác chúng thường tìm thấy cạnh sông suối, khi mà chất độc đã loang ra và những kẻ săn trộm cũng lột xong da”.

Trong khi buôn bán ngà thường được biết đến như là lý do của nạn săn trộm voi Châu Á, báo cáo nhấn mạnh rằng buôn bán da đang là một đe dọa lớn dần đối với loài này.

Da voi được bán theo trọng lượng. (Ảnh: Elephant Family)

“Hiện còn khoảng 45.697 – 48.34 cá thể voi Châu Á (elephas maximus) hoang dã tại 13 quốc gia, từ Indonesia đến Ấn Độ, bằng khoảng 10% số lượng voi Châu Phi. Do vậy, loài này được xếp loại nguy cấp, thậm chí cực kỳ nguy cấp ở một số vùng. Voi bị giết để lấy ngà hoặc bị bắt để phục vụ ngành khai thác gỗ, và gần đây là phục vụ các vườn thú và trại du lịch. Voi Châu Á hiện tại đang ở tuyến đầu của mối đe dọa mới – bị săn trộm để lấy da”.

“Chỉ trừ khi việc này dừng lại, trước khi mở rộng ra các quốc gia và châu lục khác, buôn bán da có thể hủy diệt các quần thể voi, thậm chí còn tàn khốc hơn cả buôn bán ngà voi”.

Bên cạnh các nỗ lực về chống săn trộm, nghiên cứu của Elephant Famil cũng khuyến cáo việc tăng cường thực thi luật với những đối tượng tiêu thụ và những kẻ buôn lậu.

“Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan thực thi pháp luật, tuy nhiên chúng tôi kêu gọi họ tăng cường và duy trì hành động. Bên cạnh việc dẹp bỏ các chợ thực, điều quan trọng là dẹp bỏ các chợ online và cần phải làm ngay, trước khi nó lan rộng”, báo cáo nêu rõ.

Nhật Anh (Theo NYdailynews)

Nguồn: