Hệ lụy khôn lường

Không khỏi lo ngại về vấn đề môi trường khi hàng triệu tấn vật chất lấy lên từ việc nạo vét các luồng lạch, cảng biển sẽ lại được đem đổ xuống biển trong khi cách thức xử lý còn khác nhau trong vấn đề có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường này.

Nạo vét đường thủy để tận thu sản phẩm. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Mới đây nhất, cơ quan lãnh đạo cao nhất của tỉnh Khánh Hòa đã nói không với việc nhấn chìm chất nạo vét xuống vùng biển thuộc tỉnh quản lý. Cho dù việc nhấn chìm này chưa đặt ra trên thực tế mà chỉ mới dừng ở mức đề xuất đề tài nghiên cứu, xác định các vùng biển trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có thể sử dụng làm nơi nhấn chìm vật chất nạo nét, song điều này cũng có thể dẫn tới việc “hé cánh cửa cho con sói đặt chân vào” ở một thời điểm nào đó trong tương lai.

Chưa xác định được vùng biển có thể đổ vật chất nạo vét cũng đồng nghĩa với việc những vật chất này “khó có cửa” được đổ xuống vùng biển thuộc tỉnh Khánh Hòa – một điểm đến du lịch nổi tiếng không chỉ với nước ta mà cả thế giới. Quan điểm dứt khoát trong vấn đề nhấn chìm vật chất nạo vét của Khánh Hòa vì thế góp phần cởi bỏ một trong những quan ngại không nhỏ trong vấn đề môi trường biển hiện nay ở nước ta.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà có thể an tâm hơn với môi trường biển, bởi còn ít địa phương có được thái độ dứt khoát như Khánh Hòa. Trước đó, vật chất nạo vét đã được “bật đèn xanh” để nhấn chìm xuống biển ở các địa phương khác.

Từ tháng 5 vừa qua, hàng triệu mét khối vật chất nạo vét cảng biển đã bắt đầu được nhấn chìm xuống lòng biển ở địa điểm cách đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) hơn 28 km về phía Đông. Nhằm nâng công suất cảng chuyên dụng của Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất, doanh nghiệp đã được chấp thuận nạo vét, đưa 15 triệu m3 nhấn chìm xuống vùng biển trên.

Tháng 6 mới đây, tỉnh Bình Định cũng nhận được đề xuất về 3 phương án xử lý vật chất nạo vét cảng Quy Nhơn, trong đó có phương án nhấn chìm khoảng 300.000 m3 vật chất nạo vét xuống biển. Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã cấp phép cho việc nhấn chìm 14,3 triệu m3 bùn phát sinh trong quá trình nạo vét làm cảng chuyên dụng cho dự án Hóa dầu Long Sơn xuống vùng biển cách mũi Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) khoảng 10 km.

Những thông tin trên cho thấy nhu cầu xử lý vật chất nạo vét ở các tỉnh ven biển nước ta rất lớn, tới hàng chục và có thể lên tới hàng trăm triệu tấn nếu nhìn về tương lai. Có nhiều cách thức xử lý vật chất nạo vét, sao cứ muốn chọn cách nhấn chìm xuống biển dù điều này có thể dẫn tới những hệ lụy khôn lường? Có thể có nhiều lý do, song có điều ai cũng thấy, cũng tính được ngay là nhấn chìm là rẻ và nhanh nhất.

Việc xử lý vật chất nạo vét từng gây ra nhiều tranh luận nhất từ trước tới nay là đề xuất nhấn chìm khoảng 1 triệu m3 vật chất từ dự án nạo vét của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân xuống vùng biển gần Hòn Cau (tỉnh Bình Thuận), nơi có khu bảo tồn biển nổi tiếng. Cuối cùng, mong muốn giữ vững hệ sinh thái biển cũng như bảo vệ môi trường biển đã thắng trong “cuộc chiến” với vật chất nạo vét.

Hoạt động kinh tế biển vô cùng quan trọng với một đất nước có chiều dài bờ biển hơn 3.000 km như nước ta, song cũng quan trọng không kém là bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển cho sự phát triển bền vững trong tương lai lâu dài. Môi trường biển sao có thể bảo đảm nếu nơi này “đóng” với việc làm có nguy cơ gây ô nhiễm nhưng nơi khác lại “mở”?