Hệ lụy trên dòng Mê Công: Siêu đập của Trung Quốc đe dọa sinh kế ở hạ lưu

Lượng cá và trầm tích sụt giảm vì các con đập thủy điện của Trung Quốc khiến việc đánh bắt và canh tác trở nên khó khăn hơn trước nhiều lần.

Dòng vốn từ Bắc Kinh

Khoảng vài trăm km về phía hạ lưu, thủ đô Phnom Penh của Campuchia đang trải qua cơn sốt xây dựng với nguồn tiền chủ yếu đến từ Trung Quốc. Và theo như lời nhiều người dân Campuchia, thành phố cảng Sihanoukville ở phía nam đang dần biến đối gần như trở thành một thành phố của Trung Quốc.

Một ngư dân đang kéo lưới trên dòng Mê Công ở tỉnh Kandal, Campuchia. (Ảnh: Reuters.)

Kim Heang, giám đốc điều hành công ty bất động sản Khmer ở Phnom Penh, cho biết người Trung Quốc “cảm thấy an toàn khi đầu tư vào Campuchia”. “Khi người Trung Quốc tới đây, họ được bảo vệ”, ông nói. “Không ai có thể làm gì sai trái với các nhà đầu tư Trung Quốc bởi họ được sự hậu thuẫn của chính quyền trung ương”.

Khi được hỏi người dân Campuchia có được hưởng lợi từ làn sóng đầu tư Trung Quốc không, Kim trả lời: “Vừa có vừa không”.

“Những người tới để đầu tư, chắc chắn họ hưởng lợi”, Kim nói. Những người Campuchia giàu có bán đất cho người Trung Quốc cũng thu được nhiều lợi ích. Tuy nhiên, trong khi một số người dân bình thường nhận được các công việc dịch vụ liên quan tới các dự án đầu tư của Trung Quốc, công việc này không mang lại nguồn thu nhập ổn định và đủ để họ nuôi sống gia đình. Vậy nên, đa phần người dân Campuchia “đều không vui”, ông nhấn mạnh.

Siêu đập thủy điện

Trong số hàng loạt hồ sơ dự thầu xây dựng cơ sở hạ tầng cho Campuchia, dự án thu hút sự chú ý hơn cả là con đập được lên kế hoạch xây dựng ở thị trấn Sambor, cách Phnom Penh khoảng 6 tiếng lái xe. Nếu hoàn thành, đây sẽ là đập thủy điện lớn nhất ở hạ lưu sông Mê Công. Song các nhà nghiên cứu và người dân địa phương lo sợ con đập sẽ gây ra những tác động nặng nề ngoài ý muốn.

“Chúng tôi không muốn xây đập ở đây”, Seng Chanti, 47 tuổi, người sống trên đảo Koh Pdao ở giữa dòng Mê Công, nói. Ông là một ngư dân nhưng vẫn dành thời gian đưa du khách đi xem cá heo Irrawaddy, hay còn gọi là cá heo Mê Công, loài động vật quý hiếm đang trên bờ vực tuyệt chủng. “Nếu đập được xây, chắc chắn sẽ không còn con cá heo nào và cũng không còn cá ở khu vực này nữa”, Seng nói.

Rất nhiều chuyên gia quốc tế cũng đồng tình. “Với vị trí của Sambor, nếu như dự án thủy điện 2.600 megawatt hình thành, nó sẽ phá hủy hoàn toàn nghề cá của Campuchia”, Courtney Weatherby, nhà nghiên cứu tại chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, đánh giá.

Nghiên cứu của Viện Di sản Thiên nhiên, trụ sở ở California, Mỹ, về dự án đập thủy điện ở Sambor, nhấn mạnh con đập có thể “giết chết dòng sông theo nghĩa đen” thông qua việc phá hoại nguồn cá và gây ra các biến động môi trường khác.

Campuchia nhập khẩu hầu hết năng lượng cho nhu cầu sử dụng. Họ cần điện rẻ hơn so với nguồn điện mua từ các quốc gia láng giềng. Điều này đồng nghĩa Thủ tướng Campuchia Hunsen có thể sẽ không để ý tới cảnh báo từ báo cáo của Viện Di sản Thiên nhiên, nhưng người dân Campuchia thì vô cùng lo âu.

“Nếu không còn nghề cá và du lịch sinh thái, chúng tôi sẽ sống kiểu gì?”, ngư dân Phum Saoin ở Sambor bày tỏ. “Điện sẽ có là điều đương nhiên nhưng chúng tôi không thể ăn điện”.

Các công ty Trung Quốc đã giúp tài trợ cho trên 5 dự án thủy điện khác trên các nhánh của sông Mê Công ở Campuchia và quốc gia láng giềng Lào. Dự án đập thủy điện Sesan 2 với công suất 400 megawatt được công bố hồi năm 2017 cũng từng gây tranh cãi ở Campuchia.

Ngư dân thu gom cá trong lưới kéo từ dòng Mê Công ở tỉnh Kndal, Campuchia. (Ảnh: AP.)

Theo ước tính, các con đập được xây trên dòng chảy chính của sông Mê Công ở lãnh thổ Trung Quốc, đã làm sụt giảm khoảng 50% lượng trầm tích đưa xuống vùng hạ lưu. Với nhiều dự án đập mới đang được lên kế hoạch, mực nước cũng như lượng trầm tính sẽ còn xuống thấp nữa. Đây sẽ là kịch bản “ngày tận thế” với cư dân dọc sông Mê Công ở vùng hạ lưu.

“Về dài hạn, Trung Quốc, một trong những quốc gia có lượng nước phân bổ bình quân đầu người thấp nhất trên thế giới, sẽ cần nước”, Brian Eyler, giám đốc dự án Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, nhận định. “Nếu các chỉ thị chính trị thay đổi, những kỹ sư Trung Quốc có lẽ sẽ tìm cách đưa nước từ các đập trên dòng Mê Công vào Trung Quốc. Và đây sẽ là một vấn đề lớn, đặc biệt vào mùa khô, khi nước từ thượng nguồn là tất cả những gì hạ lưu sông Mê Công có”.

Thiếu nước từ thượng nguồn, ngư trường nội địa lớn nhất thế giới, nơi cung cấp 1/4 sản lượng cá nước ngọt toàn cầu, sẽ gặp nguy hiểm. Cuộc sống của hàng chục triệu người ở hạ lưu sông Mê Công cũng lâm vào cảnh khốn cùng vì mất nước, cá và trầm tích, thứ tạo nên đất đai màu mỡ giúp canh tác hiệu quả, đặc biệt là lúa.

Đối với họ, ảnh hưởng của Trung Quốc không còn là giả thuyết. Đó là thứ họ cảm nhận thấy mỗi ngày cùng với tác động của biến đổi khí hậu và tình trạng môi trường sống ngày càng bị thu hẹp.

Khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) rút nguồn viện trợ cho cuộc bầu cử ở Campuchia hồi tháng 7 năm ngoái, Trung Quốc đã nhảy vào và chi 20 triệu USD hỗ trợ chính phủ mua sắm trang thiết bị bầu cử.

Giới quan sát cho rằng sự phụ thuộc ngày càng tăng của chính phủ Campuchia vào “hầu bao hào phóng” của Trung Quốc cũng có thể khiến họ gặp rủi ro.

“Ở thời điểm hiện tại, việc Campuchia xa rời phương Tây khiến họ gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự hỗ trợ từ Trung Quốc, cả về kinh tế lẫn các vấn đề trong nước và quốc tế”, Virak Ou, lãnh đạo viện nghiên cứu Diễn đàn Tương lai, trụ sở ở Phnom Penh, bình luận. “Điều đó có nghĩa chúng ta đang chịu ơn Trung Quốc”.