Trung Quốc và Ủy hội sông Mê Công: Hợp tác chứ không cạnh tranh

Khi mà đầu tư vào thủy điện ở lưu vực Mê Công đang tiếp tục gia tăng thì một cơ chế liên chính phủ như Ủy hội sông Mê Công (MRC) có thể làm gì để thúc đẩy kinh tế và công lý môi trường? Trung Quốc đang và sẽ đóng vai trò như thế nào trong mối quan hệ với các nước hạ nguồn? Bài phỏng vấn trên Tờ China Dialoguage với ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC sẽ giải đáp phần nào những thắc mắc này.

Sông Mê Công đoạn qua tỉnh Stung Treng, Campuchia (Ảnh: Sokratana Hou/MRC)

PV: Ông có thể cho biết quan điểm về việc xây đập dọc sông Lan Thương – Mê Công?

Ông Phạm Tuấn Phan: Yêu cầu cốt lõi của chúng tôi (Hiệp định Mê Công 1995 về phát triển bền vững và hợp tác trong lưu vực dòng sông) là bất kỳ đề xuất xây đập nào tại dòng chính Mê Công cũng đều cần được tham vấn theo Quy trình Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA). Kết quả của nghiên cứu của MRC cũng chỉ rõ với tầm nhìn toàn lưu vực thì kế hoạch của các nước không hề bền vững và tối ưu. Điều này có thể hiểu được vì kế hoạch của các nước đều hướng theo triển vọng của quốc gia. MRC đưa các nước lại với nhau để tối ưu hóa các kế hoạch tương lai nhằm tăng lợi ích và giảm thiệt hại tiềm tàng.

Tôi rất thích thú với trường hợp lưu vực sông Senegal (được chia sẻ giữa ba nước Mali, Mauritania và Senegal) cũng như những ví dụ khác, nơi mà các nước cùng nhau sở hữu và vận hành đập. Những trường hợp như thế cho chúng tôi thấy rằng chỉ thông qua đầu tư chung, cùng nhau chia sẻ lợi ích và thiệt hại, các nước mới có thể giải quyết các tác động của phát triển.

MRC hiện đang cùng với các nước thành viên xây dựng Kế hoạch giám sát môi trường chung cho các đập trên dòng chính. Nội dung Kế hoạch dựa trên các khuyến nghị từ quy trình Tham vấn trước của 3 con đập Xayaburi (2011), Don Sahong (2015) và Pak Beng (2017). Kế hoạch giám sát sẽ tập trung vào 5 thông số môi trường chính gồm thủy văn, trầm tích, chất lượng nước, hệ sinh thái thủy sinh và thủy sản. Kết quả giám sát sẽ đề xuất các biện pháp quản lý phù hợp với từng dự án thủy điện.

PV: Với tư cách một tổ chức liên chính phủ, MRC đóng vai trò gì trong khu vực Lan Thương – Mê Công, đặc biệt trong việc thu hẹp khoảng cách để thấu hiểu nhau và định hình lợi ích chung?

Ông Phạm Tuấn Phan: Tôi cho rằng MRC có vai trò độc nhất vô nhị trong việc quản trị ở cấp khu vực về nguồn nước và các nguồn tài nguyên liên quan đến phát triển bền vững. Cần nhớ rằng nhu cầu sử dụng nguồn nước Mê Công để phát triển kinh tế trong khu vực là rất cao. Không có cơ chế đối thoại riêng biệt và chia sẻ lợi ích thì phát triển ở quốc gia này có thể gây thiệt hại ở nước khác. Nhưng khi có cơ chế thích hợp để các nước cùng hành động thì sẽ tạo ra cơ hội hợp tác và hòa bình. Đó cũng là vai trò quan trọng nhất của MRC với tư cách tạo cơ chế cho ngoại giao nguồn nước. Không tổ chức nào khác có năng lực để đại diện cho một tầm nhìn hợp tác toàn lưu vực. Thêm vào đó, MRC cũng có khả năng phân tích một cách chuyên sâu về một lĩnh vực riêng hoặc liên ngành – như về thủy điện, thủy sản, giao thông thủy, tưới tiêu, chất lượng nguồn lước, đất ngập nước…

Việc đánh giá chiến lược ở tầm khu vực cho phép chúng tôi xác định và giảm thiểu rối đa rủi ro. Là một tổ chức cấp khu vực, MRC có thể đóng vai trò thúc đẩy đối thoại bằng cách xem xét các cơ chế chia sẻ lợi ích liên biên giới. Vai trò đó được các nhà lãnh đạo quốc gia trong khu vực công nhận và tái khẳng định tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 3 của MRC. Các đối tác đối thoại (Trung Quốc  và Miến Điện) cũng thừa nhận tầm quan trọng của MRC.

Các nhà lãnh đạo và bộ trưởng quốc gia thành viên chụp ảnh tại Hội nghị Thượng đỉnh thứ ba của Ủy hội sông Mê Công (Ảnh: MRC)
Tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 3 được tổ chức hồi tháng 4 vừa qua tại Campuchia, MRC đã công bố kết quả nghiên cứu mới nhằm đưa ra những phân tích chi tiết về lợi ích và cái giá phải trả của thủy điện. Nghiên cứu được thực hiện từ năm 2012 tới 2017 khẳng định việc xây đập để phát điện trên dòng Mê Công có tác động rất lớn đến khu vực. Theo đó, tới năm 2040, phát triển thủy điện có thể mang lại lợi ích kinh tế gấp 16 lần, song các đập mới xây cũng có thể làm giảm 10% nguồn thu của ngành thủy sản và giảm 97% lượng trầm tích về cửa sông. Sự suy giảm nguồn trầm tích màu mỡ này là thảm họa với thủy sản và nông nghiệp, đặc biệt với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

PV: Ông có thể đưa ra vài ví dụ về cách MRC thúc đẩy tầm nhìn chung giữa các nước trong khu vực Mê Công?

Ông Phạm Tuấn Phan: Ví như thông qua diễn đàn ngoại giao nguồn nước, cả 4 quốc gia đang tăng cường đối thoại song phương để đạt được hiểu biết chung về các vấn đề nguồn nước xuyên biên giới quan trọng, cùng nhau tìm ra giải pháp hợp lý và chia sẻ những mô hình quản lý tài nguyên nước tốt nhất.

Trên hết, các nước cũng đồng ý thực thi 5 dự án chung về đầu tư vào quản lý và phát triển nguồn nước. Chẳng hạn Dự án quản lý thủy sản sông Mê Công và sông Sekong giữa Lào và Campuchia nhằm giải quyết thách thức suy giảm các loài cá trắng di cư; Dự án vùng lưu vực Biển Hồ và hồ Songkhla giữa Thái Lan và Campuchia hỗ trợ việc quản trị hồ một cách bền vững thông qua trao đổi chia sẻ kinh nghiệm.

Vị trí hồ Tonle Sap và hồ Songkhla (Nguồn: MRC)

PV: Liệu còn những rào cản nào đối với quá trình hợp tác như thế?

Ông Phạm Tuấn Phan: Với Hiệp định Mê Công 1995 và sự hỗ trợ đắc lực của các đối tác trên khắp thế giới, các nước thành viên MRC đã hợp tác tốt. Tuy nhiên, dòng Mê Công chảy qua 6 nước mà nay chỉ có thành viên là các các nước hạ nguồn nên chúng tôi luôn mong muốn các đối tác đối thoại – Trung Quốc  và Miến Điện – cùng gia nhập.

Tôi tin rằng, nếu 2 nước này gia nhập, chúng ta sẽ đạt được nhiều thành tựu hơn vì mục tiêu chia sẻ nguồn nước và sinh kế người dân. Chúng tôi cần phối hợp chặt chẽ với Cơ chế hợp tác Lan Thương – Mê Công và họ cũng cần phối hợp với chúng tôi theo tinh thần hợp tác và mở cửa tương tự.

PV: Vai trò của Trung Quốc là gì với tư cách đối tác đối thoại của MRC? Ông có cho rằng MRC tương thích với Cơ chế hợp tác Lan Thương – Mê Công do Trung Quốc đề xuất?

Ông Phạm Tuấn Phan: Dù Trung Quốc không phải là thành viên đầy đủ của MRC thì chúng tôi vẫn có mối quan hệ hợp tác đang dần được cải thiện trong những năm gần đây. Nền tảng của sự hợp tác đó là thấu hiểu và phân tích khoa học thuyết phục về sông Mê Công.

Là đối tác đối thoại của MRC, Trung Quốc  hiểu rõ hệ lụy tiềm tàng về việc xây đập và cũng tỏ rõ thiện chí muốn cùng hợp tác ở cấp độ kỹ thuật để giải quyết. Trung Quốc cũng nêu rõ rằng sẽ vận hành các dự án đập thượng nguồn sao cho dòng chảy được duy trì ở mức chấp nhận được.

Tại hội nghị Thượng đỉnh lần 3 của MRC, Trung Quốc  một lần nữa tỏ rõ thiện chí hợp tác với MRC và các nước ven sông, mời chúng tôi tham gia vào việc hợp tác quản lý nguồn nước Lan Thương – Mê Công. Nhưng nên lưu ý rằng sự hợp tác cần phải mạnh mẽ hơn. Tôi minh định rằng MRC và Trung Quốc đang hợp tác chặt chẽ với nhau, và kiên quyết bác bỏ nghi ngờ rằng hai bên đang cạnh tranh. Chúng tôi mời Trung Quốc cùng hợp tác chặt chẽ với MRC.

PV: Liệu có cơ chế nào để bù đắp sinh thái cho các nước thành viên MRC đang gánh chịu hệ lụy từ việc xây đập? Quan điểm của ông thế nào về việc bù đắp sinh thái xuyên biên giới?

Ông Phạm Tuấn Phan: Chúng tôi hiện chưa có dự án nào về bù đắp sinh thái. Ở cấp quốc gia thì có các luật và quy định. Ở cấp độ khu vực/xuyên biên giới, những kế hoạch như thế cần được đàm phán. Điều có thể thực hiện là lập một quỹ khu vực của MRC nhằm quản lý và bảo vệ những giá trị môi trường sinh thái có tầm quan trọng với cả khu vực.

Chúng tôi hiện đang ở giai đoạn sơ khởi cho một chiến lược quản lý môi trường ở cấp lưu vực.