Hành trình xúc động đưa trứng rùa biển từ Côn Đảo về Cù Lao Chàm ấp nở của “vua rùa”

Trứng rùa từ Côn Đảo xa xôi, trải qua hành trình lịch sử mang về Cù Lao Chàm ấp nở rồi thả ra đại dương mênh mông.

Kỳ 1: Gặp “vua rùa” Côn Đảo trên đất Cù Lao Chàm

Suốt hành trình 3 năm chuyển trứng rùa biển về ấp nở ở Cù Lao Chàm, Lê Xuân Ái – người được mệnh danh là “vua rùa” Côn Đảo, góp công lao không nhỏ.

Duyên nợ với rùa biển

Tháng 7, cái nắng ngày hè trút nóng hầm hập. Con nước Cửa Đại phẳng lặng và cuộn tròn những ngọn sóng dập dìu như thể tưới mát lòng người dịu êm trước tiết trời oi ả.

Cảng du lịch Cù Lao Chàm, xã đảo Tân Hiệp, TP Hội An.

Từ cầu cảng Cửa Đại, vượt lộ trình 12 hải lý, chúng tôi có mặt ở Cù Lao Chàm – cụm đảo nằm trọn trong địa giới hành chính của Tân Hiệp – xã đảo nằm tách biệt so với phần đất liền của đô thị cổ Hội An, Quảng Nam.

Ca nô cập cảng Cù Lao Chàm sau chưa đầy 15 phút đồng hồ lướt vèo vèo trên mặt con sóng. Lượng khách tấp nập kéo ra hòn đảo bé nhỏ ken đặc. Trái với dòng người đang nối gót nhau bủa vây lấy khu chợ hải sản sầm uất, tôi ngược hướng bước về “đại bản doanh” của Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm.

Và sau vài lần lỗi hẹn bởi những chuyến công tác đột xuất, thạc sĩ Lê Xuân Ái – cố vấn kỹ thuật Ban Quản lý Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cuối cùng cũng dành cho tôi một cuộc gặp. Cuộc gặp ngắn ngủi với chút ít thì giờ trong quỹ thời gian rảnh hiếm hoi của vị chuyên gia đầu ngành về rùa biển.

Chân dung “vua rùa” Côn Đảo – ông Lê Xuân Ái.

4 năm qua, hình ảnh người đàn ông đội mũ tai bèo, nói chất giọng lơ lớ miền Nam không còn xa lạ với cư dân Hòn Lao (đảo duy nhất có người sinh sống ở Cù Lao Chàm).

Ngày qua ngày, ông Ái “rùa”, biệt danh thân thương mà bà con xã đảo gọi trìu mến ông Lê Xuân Ái, bận túi bụi với công cuộc bảo tồn rùa biển. Những câu chuyện xoay quanh loài động vật quý hiếm này được ông say sưa chia sẻ cùng cư dân bản địa suốt bao năm qua. Để rồi, bà con dần dà ngộ ra tầm quan trọng cốt lõi của việc bảo tồn rùa biển. Ít ai biết rằng, người đàn ông giản dị, hào sảng này nguyên là Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo.

Lật ngược dòng chảy thời gian, năm 1985, ông Lê Xuân Ái (SN 1963, quê Núi Thành, Quảng Nam) tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm TP.HCM. Vừa cầm trên tay tấm bằng đại học, chàng trai trẻ chân ướt chân ráo rời đất liền, khăn gói ra Côn Đảo (huyện đảo thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) kiếm kế sinh nhai.

“Cứ đinh ninh ra đó đôi ba năm rồi quay trở về thành phố, nào ngờ Vườn quốc gia Côn Đảo có sức hút mãnh liệt và níu chân tôi ngót 21 năm. Hơn 2 thập kỷ gắn bó với quần đảo xa ngái, tâm trí tôi lưu giữ đầy ắp vui buồn nhưng việc bén duyên với rùa biển, dốc sức bảo tồn loài động vật này có lẽ là kỷ niệm, dấu ấn không thể nào xóa nhòa”, ngồi ở đất đảo Cù Lao Chàm, vị chuyên gia bảo tồn rùa biển bồi hồi chia sẻ về Côn Đảo.

Khoảng thời gian đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhắc đến rùa biển là nhắc tới một trời ký ức xót xa trong lòng của “thủ lĩnh” Vườn quốc gia Côn Đảo.

Khoảng thời gian đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nhắc đến rùa biển là nhắc tới một trời ký ức xót xa trong lòng ông Ái.

Thuở ấy, ông Ái giật mình khi chứng kiến cảnh người dân cầm dao xẻ thịt, khai thác trứng rùa ồ ạt chẳng khác nào tận diệt. Từ sáng sớm tới tối muộn, ngư dân trên đảo quần thảo khắp dải biển ven bờ, đua nhau bủa lưới bắt rùa.

Nhắc đến đây, khóe mắt ông Ái ầng ậng như cay xè. Buông tiếng thở dài, ông tiếp chuyện: “Hồi đó, rùa ở Côn Đảo nhiều vô số kể. Tự bao đời, rùa biển trở thành món ăn thường nhật của người dân trên đảo. Cưới hỏi hay đám giỗ, họ cũng đãi nhau bằng món thịt rùa. Thậm chí, thịt rùa còn trở thành đồ ăn của lợn. Vẩy đồi mồi được dùng để chế tác hàng thủ công mỹ nghệ”.

Ngày qua ngày chứng kiến cảnh tượng nhói lòng trên, Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo lúc bấy giờ nuôi quyết tâm bảo tồn rùa biển. Duyên nợ với rùa biển của “vua rùa” Lê Xuân Ái bắt đầu từ đây.

“Vua rùa” đi học bảo tồn rùa biển

Công cuộc bảo tồn rùa biển “thai nghén” trong ông suốt 5 năm (từ năm 1990). Vào một ngày trung tuần tháng 3 năm 1995, ông Ái sang ngủ qua đêm ở Hòn Tre Lớn (đảo nhỏ thuộc Côn Đảo). Giữa khuya, biển gầm gừ dậy sóng, đánh tơi tả bãi bờ hoang sơ. Trở giấc, lật đật chạy về hướng sóng vỗ, ông quặn thắt lòng khi tiếp nhận cảnh tượng hãi hùng.

Giữa màn đêm tĩnh mịch giăng phủ, ánh đèn pin le lói đưa ánh nhìn của ông chạm tới những chú rùa con đang bị dòng nước hung tợn xô đẩy lật ngửa. Trứng rùa xếp thành từng lớp trôi lềnh bềnh, kéo nỗi xót xa của ông Ái trôi về vô tận, cùng cực. “Cứu rùa trước khi quá muộn” – vị Giám đốc Vườn quốc gia Côn Đảo thốt lên giữa muôn trùng con sóng bạc đầu.

Nhiều năm trời, ông Ái dốc sức cho công cuộc bảo tồn rùa biển ở Côn Đảo.

Từ đề xuất của ông Ái, giữa năm 1995, chính quyền huyện Côn Đảo ban hành lệnh cấm khai thác rùa. Kế hoạch bảo tồn rùa biển ngay lập tức được đích thân ông Ái soạn thảo và áp dụng.

Tất tần tật rùa lớn, rùa bé đang cư ngụ ở Vườn quốc gia Côn Đảo được ông Ái cùng cộng sự gom nhặt và nuôi nhốt trong bể. “Hành động bảo tồn rùa kiểu này thất bại toàn tập. Một chuyên gia Philippines nhận lời mời ra Côn Đảo để đánh giá phương pháp bảo tồn rùa của chúng tôi đã lắc đầu ngao ngán.

Người này nhận định, nếu bảo tồn rùa bằng trái tim như cách tôi đang ứng dụng thì hoàn toàn không hiệu quả. Ngoài trái tim yêu thương rùa thì cần phải bảo tồn rùa bằng khối óc”, ông Ái nhớ lại.

Từ đề xuất của ông Ái, giữa năm 1995, chính quyền huyện Côn Đảo ban hành lệnh cấm khai thác rùa.

Không cam chịu thất bại, ông Ái mạnh dạn đề xuất Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tài trợ dự án nhỏ về bảo tồn rùa biển – một bước ngoặt mở toang cánh cửa cứu rùa biển khỏi nguy cơ tuyệt chủng ở Côn Đảo.

Đúng 1 năm sau (1996), WWF tài trợ cho đoàn cán bộ Vườn quốc gia Côn Đảo, trong đó có ông Ái sang Philippines để học cách bảo tồn rùa, san hô. Từ đây, vị lãnh đạo của vườn quốc gia rộng lớn mới ngộ ra phương pháp nuôi nhốt rùa của mình là sai lầm.

“Quả thật, hoàn thành khóa học trở về, tôi thả hàng nghìn con rùa bị nhốt trong bể chứa nhưng chỉ duy nhất 1 con bò ra đại dương.

Muốn rùa sinh sôi phải thuận theo tự nhiên, cứ để rùa vùng vẫy ngoài biển cả bao la. Đặc biệt, với kinh nghiệm tích lũy sau chuyến “du học”, ở Vườn quốc gia Côn Đảo, tôi ưu tiên dành những bãi cát xa khu dân cư, du khách không lui tới để rùa mẹ có thể lên bờ sinh sản.

Theo thuộc tính, rùa rất kỵ tiếng ồn và ánh sáng. Đó là lý do vì sao rùa không bao giờ tìm đến những môi trường như vậy để đẻ trứng”, ông Ái chia sẻ.

21 năm gắn bó với Côn Đảo, Lê Xuân Ái góp công to lớn trong công cuộc biển quần đảo này trở thành “thiên đường” sinh sôi của rùa biển.

Từ một nơi khét tiếng tận diệt rùa biển, Côn Đảo giờ đây đang trở thành địa chỉ tin cậy để học tập kinh nghiệm bảo tồn rùa của không ít địa phương trên khắp dải đất hình chữ S.

21 năm gắn bó với Côn Đảo, Lê Xuân Ái góp công to lớn trong công cuộc biển quần đảo này trở thành “thiên đường” sinh sôi của rùa biển. Và không ngoa chút nào, khi nhiều năm qua, cái danh “vua rùa” Côn Đảo được người đời phong tặng cho ông Lê Xuân Ái.

Còn 3 năm trở lại đây, ông Ái “rùa” đang tiếp tục viết tiếp chương mới trong hành trình bảo tồn rùa biển trên chính quê hương của mình. Ngay tại Cù Lao Chàm – hòn đảo hoang sơ ở Quảng Nam đang trỗi dậy với công cuộc bảo tồn rùa biển quý hiếm.

“Ở Việt Nam, có một loại công dân xuất ngoại không cần hộ chiếu”

Đó là chia sẻ vui của ông Lê Xuân Ái khiến không ít các chuyên gia trong nước và quốc tế phì cười. Bởi lẽ, rùa Côn Đảo sau khi nở sẽ di cư khắp vùng biển các nước ASEAN như: Thái Lan, Philippines, Indonesia.

“Một số nhà khoa học trên thế giới cho rằng, rùa dù có di cư đến đâu thì khoảng 20 năm sau, chúng cũng sẽ tìm về nơi mình nở để sinh sản.

Bởi lẽ, khi rùa con nở ra và tự bò xuống biển, nó có thể ghi nhận trọng trường, mùi vị (cát, nước biển). Tuy nhiên, giải mã về điều kỳ diệu này, không một chuyên gia nào lý giải được”, “vua rùa” Côn Đảo nói.