Côn trùng thụ phấn suy giảm đe doạ nông nghiệp

ThienNhien.Net – Khoảng 75% cây trồng được thụ phấn nhờ côn trùng. Chính vì vậy, tình trạng suy giảm số lượng các loài côn trùng hoang dã do thiếu môi trường sống và sử dụng quá nhiều thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp đang đe dọa an ninh lương thực của thế giới.

So với 50 năm trước, dân số thế giới đã tăng gần gấp đôi và lượng calo trung bình mỗi người tiêu thụ cũng tăng khoảng 30%. Để đáp ứng nhu cầu lương thực, diện tích đất nông nghiệp đã được mở rộng, chủ yếu bằng cách khai phá đất rừng. Nông nghiệp cũng được chuyển đổi sang hình thức thâm canh: phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các giống cây trồng mới đã góp phần nâng năng suất lên 130%.

Tuy nhiên, rõ ràng là con người rồi sẽ chẳng còn rừng để khai hoang và cũng không thể tăng thêm năng suất trên cùng một diện tích đất. Trong khi đó, nông nghiệp thâm canh cao cũng bộc lộ nhiều dấu hiệu cho thấy sẽ không bền vững về lâu dài.

Theo thống kê, toàn thế giới mỗi năm mất đi khoảng 75 tỷ tấn đất do rửa trôi và bị gió thổi ra biển sau khi cày xới. Quá trình làm thủy lợi cũng khiến 320 triệu ha đất bị nhiễm mặn. Và khoảng 40% diện tích đất nông nghiệp đang bị suy thoái vì nhiều nguyên do.

Vai trò của côn trùng thụ phấn

Nông nghiệp cũng như sức khoẻ con người phụ thuộc nhiều vào các dịch vụ hệ sinh thái do động vật hoang dã cung cấp. Sâu, mọt gỗ, rết và nhiều loài sinh vật khác giúp đất tơi xốp; chim ăn côn trùng gây hại; ruồi, bọ cánh cứng giúp phân huỷ phân gia súc; ong và các loài côn trùng khác thụ phấn cho cây trồng… Tuy nhiên, điều đáng buồn là nông nghiệp hiện đại đang tự làm hại mình vì áp dụng quá nhiều biện pháp đe doạ tới các loài sinh vật hữu ích này.

Chỉ nhìn vào hoạt động thụ phấn của côn trùng thôi cũng đủ thấy con người sẽ dẫm lên chân mình ra sao nếu không quan tâm tới môi trường.

Khoảng 75% cây trồng thụ phấn nhờ các loài côn trùng như ong, ruồi, bướm, chim hoặc thậm chí là dơi. Theo tính toán, hoạt động thụ phấn của côn trùng cho hoa màu đã mang lại 14,6 tỷ USD/năm cho Hoa Kỳ và 440 triệu bảng/năm cho Vương quốc Anh.

Đa phần cây trồng đều được thụ phấn nhờ các loài côn trùng hoang dã, chỉ một số ít được thực hiện nhờ thuần hóa ong mật. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, tại Anh, 1/3 cây trồng được thụ phấn nhờ ong mật, phần còn lại được thực hiện bởi một số loài côn trùng hoang dã khác.

Tuy nhiên, số lượng các loài ong đang giảm rõ rệt ở châu Âu, nhiều loài biến mất khỏi môi trường sống trước đây và một số loài đã tuyệt chủng. Chỉ riêng Anh đã mất đi 3 loài ong nghệ bản địa và 6 loài nữa cũng đang có nguy cơ tuyệt chủng. Trên toàn châu Âu, có đến 4 loài ong nghệ đã tuyệt chủng và cũng có nhiều bằng chứng cho thấy sự suy giảm về số lượng các loài ong ở Bắc Mỹ và Trung Quốc.

Bằng chứng từ nhiều nơi trên thế giới đều cho thấy sự giảm sút ngày càng gia tăng và không thể dự báo về sản lượng cây trồng thụ phấn nhờ côn trùng, đặc biệt là ở những khu vực thâm canh cao.

Thụ phấn bằng tay ở Trung Quốc (Ảnh: International Centre for Integrated Mountain Development, Nepal)

Thụ phấn bằng tay

Côn trùng thụ phấn sẽ bay từ môi trường hoang dã xung quanh vào các cánh đồng để thụ phấn cho cây trồng, nhưng nếu không có môi trường hoang dã hoặc cây trồng bị phun thuốc trừ sâu quá nhiều thì côn trùng thụ phấn sẽ không thể tồn tại và điều này tác động trực tiếp tới năng suất cây trồng.

Tình trạng này đã xảy ra đối với các vườn táo và lê ở phía tây nam Trung Quốc, nơi các loài ong hoang dã không thể sống sót do việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như thiếu môi trường sống.

Những năm gần đây, nông dân trong vùng đã phải thụ phấn bằng tay cho cây trồng bằng cách mang các chậu phấn hoa và dùng cọ phủ phấn lên từng bông hoa.

Biện pháp này rõ ràng chỉ khả thi với những cây trồng có giá trị cao và thế giới cũng không đủ nhân công để thụ phấn thủ công cho tất cả các loài cây trồng.

Duy trì môi trường hoang dã cho các loài côn trùng thụ phấn

Đặc điểm của loài côn trùng hoang dã là cần nơi yên tĩnh để làm tổ và hoa dại để nhấm nháp khi cây trồng chưa ra hoa.

Vì vậy, mội giải pháp khá đơn giản được các nhà nghiên cứu châu Âu và Bắc Mỹ đưa ra để tăng số lượng côn trùng hoang dã là trồng những vườn hoa dại nhỏ và giữ nguyên thảm thực vật tự nhiên trên các trang trại, cánh đồng. Điều này không chỉ giúp tăng số lượng côn trùng thụ phấn mà còn làm tăng quần thể các loài thiên địch trong tự nhiên, giúp giảm sự phụ thuộc vào thuốc trừ sâu.

Đây là cách thức đơn giản nhưng có lẽ là duy nhất để cứu vãn ngành nông nghiệp trước sự đe dọa biến mất của các loài côn trùng thụ phấn.

Bởi lẽ, nếu không có những loài thụ phấn, chúng ta sẽ buộc phải sống nhờ những loại cây lương thực thụ phấn nhờ gió như lúa mì, lúa mạch, ngô và một số cây lương thực ít ỏi khác. Bữa ăn của chúng ta sẽ kém dinh dưỡng một cách thê thảm vì không còn táo, dâu tây, đậu, dưa, cà chua, việt quất, bí ngô… và nhiều thứ khác nữa.

Đã đến lúc con người cần phải thừa nhận tầm tầm quan trọng của các loài côn trùng thụ phấn và trả lại môi trường cho chúng tồn tại, vì lợi ích của chính con người.