Tái thả 103 cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên

Ngày 20/6, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội tổ chức hội nghị Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm; triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, Trung tâm đã thực hiện tốt công tác tiếp nhận, cứu hộ, phòng trị bệnh, phục hồi sức khỏe, tổ chức ĐVHD về môi trường tự nhiên và chuyển giao sau cứu hộ. Cụ thể, Trung tâm đã tiếp nhận 37 vụ với 285 cá thể ĐVHD, tăng 82% (tương đương 128 cá thể) so với cùng kỳ năm 2018.

Đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội trao tặng Giấy khen cho tập thể và các cá nhân.

Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức phòng bệnh định kỳ 11 đợt cho 1.145 lượt cá thể ĐVHD. Điều trị 42 đợt cho 210 lượt cá thể ĐVHD (Hổ, Gấu ngựa, Mèo rừng…) bị mắc các bệnh viêm đường tiêu hóa, viêm đường hô hấp, tổn thương da..

Cùng với đó, Trung tâm đã tổ chức tái thả 3 đợt ĐVHD với tổng số 103 cá thể và 1,2kg Rắn về môi trường tự nhiên sau cứu hộ tại Vườn quốc gia Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh), Vườn quốc gia Pù Mát (tỉnh Nghệ An), Vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai).

So với cùng kỳ năm 2018, số lượng ĐVHD được tái thả tăng 61% (tương đương 39 cá thể). Ngoài ra, Trung tâm còn tổ chức chuyển giao 33 cá thể ĐVHD cho Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật (Vườn quốc gia Cúc Phương.

Đáng chú ý, Trung tâm thực hiện tốt công tác bảo tồn đối với các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng cao như: Hổ, Gấu, chim Công, Vượn đen má trắng, chim Hồng Hoàng…

Tổng số ĐVHD hiện đang cứu hộ, bảo tồn tại Trung tâm là 404 cá thể và 9,5kg Rắn các loại. So với cùng kỳ năm 2019 tăng 58% (tương đương 161 cá thể và 3,5kg Rắn các loại).

Năm 2019 cũng là năm Trung tâm có nhiều sự kiện hợp tác, trao đổi quốc tế về vấn đề ĐVHD nhiều nhất từ trước đến nay. Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tiếp 7 đoàn khách trong nước, quốc tế đến tham quan, làm việc và trao đổi hợp tác trong lĩnh vực cứu hộ, bảo tồn ĐVHD như: Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm xã hội Liên hợp quốc, Traffic Việt Nam, Trung tâm Con người và Thiên nhiên…

Bên cạnh đó, Trung tâm thường xuyên hợp tác trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức quốc tế như: Tổ chức ATP, tổ chức Four Paws, Tổ chức động vật châu Á…

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng (ngồi bên phải) và TS. Tuấn Bendixsen – Trưởng đại diện Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam ký kết bản ghi nhớ.

Giám đốc Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội Lương Xuân Hồng cho biết, mặc dù Trung tâm đã rất nỗ lực hoàn thành một khối lượng công việc lớn, song đơn vị vẫn đang gặp phải một số tồn tại, khó khăn nhất định. Hiện nay, diện tích chuồng trại quá chật hẹp, không gian cho ĐVHD vận động khiêm tốn ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công tác cứu hộ.

Trong khi đó, chất lượng chuyên môn trong việc điều trị bệnh ĐVHD thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt được các yêu cầu theo tiêu chuẩn thú y thế giới. Mặt khác, môi trường làm việc chưa thực sự năng động, tính sáng tạo trong triển khai công việc và khả năng làm việc của nhóm còn hạn chế.

Nhằm từng bước tháo gỡ những khó khăn, hạn chế ông Lương Xuân Hồng kiến nghị, Sở NN&PTNT Hà Nội trình UBND TP xem xét cho phép triển khai thực hiện dự án Mở rộng Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội, tạo điều kiện để Trung tâm hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.

Với những nỗ lực và thành tích đã được trong 6 tháng đầu năm 2019, tập thể Trung tâm và 3 cá nhân đã được Sở NN&PTNT Hà Nội tặng Giấy khen.

Tại hội nghị, đã diễn ra Lễ ký kết bản ghi nhớ viện trợ không hoàn lại giữa Trung tâm Cứu hộ ĐVHD Hà Nội và Tổ chức Động vật Châu Á với nội dung thuê chuyên gia Thú y cố vấn, chăm sóc, khám chữa bệnh cho ĐVHD trong thời gian 36 tháng.