Nạn săn bắt rùa biển giảm

Ước tính có khoảng 1,1 triệu con rùa biển đã bị đánh bắt bất hợp pháp từ năm 1990 đến năm 2020, nhưng ngày nay, vấn nạn này đã giảm bớt, theo một nghiên cứu mới.

Đây là nghiên cứu đầu tiên ước tính số lượng rùa biển trưởng thành bị buôn bán trên thị trường chợ đen trên toàn thế giới. Theo đó, hơn một triệu con rùa biển đã bị đánh bắt và buôn bán bất hợp pháp trong thập kỷ 1990-2020. Đáng mừng là sản lượng đánh bắt bất hợp pháp trong thập kỷ 2010-2020 đã thấp hơn gần 30% so với thập kỷ trước.

Nghiên cứu công bố ngày 7/9 trên tạp chí Global Change Biology.

Trong nhiều thiên niên kỷ, con người đã sử dụng cả rùa biển trưởng thành và trứng rùa làm thức ăn và phục vụ các thực hành văn hóa. Tuy nhiên, trong 200 năm qua, nhiều quần thể rùa biển đã giảm mạnh do bị đánh bắt để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các mặt hàng làm từ rùa. Ở châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á, mai rùa biển được dùng làm lược, đồ trang sức và đồ khảm. Rùa cũng bị săn bắt để lấy thịt và dùng trong y học cổ truyền.

Ước tính, năm 2014, có khoảng 42.000 con rùa biển được khai thác hợp pháp mỗi năm; trong khi đó, không thể xác định số lượng rùa bị buôn bán trên thị trường chợ đen. Sáu trong số bảy loài rùa biển đã biết trên toàn cầu đang có nguy cơ tuyệt chủng do bị săn bắt, tình cờ vướng vào ngư cụ, kết hợp với mất môi trường sống.

Loài rùa đồi mồi trong ảnh có nguy cơ tuyệt chủng (trong ảnh) do có bộ mai đẹp, thường bị khai thác làm đồ trang sức.

Để xác định số lượng rùa biển bị khai thác bất hợp pháp, nhóm các nhà khoa học bảo tồn biển tại Đại học Bang Arizona đã khảo sát các chuyên gia về rùa biển và sàng lọc qua 150 tài liệu khác nhau, bao gồm các báo cáo từ các tổ chức phi chính phủ, các bài báo trên các tạp chí được bình duyệt và các bài báo đại chúng.

Kết hợp các thông tin này, nhóm nghiên cứu đưa ra một ước tính thận trọng rằng khoảng 1,1 triệu con rùa biển đã bị đánh bắt bất hợp pháp từ năm 1990 đến năm 2020. Gần 90% trong số đó được đưa đến Trung Quốc và Nhật Bản. Phần lớn rùa được bắt từ một số quốc gia có thu nhập trung bình và thấp.

Trong số các loài có thể xác định được, loài bị khai thác thường xuyên nhất là rùa xanh (Chelonia mydas), bị săn bắt để lấy thịt; và đồi mồi cực kỳ nguy cấp (Eretmochelys imbricata), bị bắt để lấy bộ mai đẹp.

Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy, số lượng rùa bị đánh bắt bất hợp pháp giảm từ khoảng 61.000 con/năm trong giai đoạn từ đầu năm 2000 đến cuối năm 2009 xuống còn khoảng 44.000 con/năm trong thập kỷ vừa qua. Rùa thường bị bắt đi từ các quần thể lớn và đa dạng về mặt di truyền, do đó có thể phục hồi; trừ những trường hợp ngoại lệ như đồi mồi.

Nghiên cứu mới cũng chỉ ra các loài rùa và các địa điểm hay xảy ra săn bắt, điều này có thể giúp các nhà bảo tồn nhắm mục tiêu đến các cộng đồng cụ thể để vận động chính sách.

Nhìn chung, các con số báo hiệu rằng các nỗ lực bảo tồn đang có tác dụng, theo Jesse Senko, người đứng đầu nhóm nghiên cứu.