Nghị định mới về tổ chức và quản lý rừng đặc dụng

ThienNhien.Net – Ngày 28/02/2011 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Quốc gia Triển khai Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng do Bộ NN&PTNT tổ chức và chủ trì.

Tham gia hội nghị có hơn 100 đại biểu là đại diện của các bộ ngành có liên quan, ban quản lý các khu bảo tồn, trường đại học, viện nghiên cứu, hội khoa học, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước, cùng cơ quan truyền thông, báo chí.

Hệ thống rừng đặc dụng của Việt Nam được thành lập và hoạt động trong gần 50 năm qua theo quy định của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Đất đai; với chức năng và nhiệm vụ chính là bảo vệ và bảo tồn các hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên và các giá trị văn hóa, lịch sử môi trường.

Trong nhiều thập kỷ qua, với nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam và sự hỗ trợ hiệu quả của cộng đồng quốc tế, đến nay Việt Nam đã thiết lập được một hệ thống rừng đặc dụng với diện tích khoảng 2,2 triệu ha gồm 164 khu rừng đặc dụng, trong đó có 30 Vườn quốc gia, 64 khu Bảo tồn thiên nhiên, 45 khu bảo vệ cảnh quan và 20 khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học đại diện cho hầu hết các hệ sinh thái quan trọng bao gồm cả trên cạn, đất ngập nước và trên biển.

Hiện nay, công tác tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng đang có những vấn đề tồn tại; việc quy hoạch, quản lý và tổ chức bảo vệ ở các khu rừng đặc dụng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thiếu sự tham gia của các bên có liên quan. Các khu rừng đặc dụng hiện có đều bị suy thoái đa dạng sinh học ở các mức độ khác nhau do các hoạt động của con người, như khai thác gỗ, thu hái lâm sản và săn bắt, buôn bán bất hợp pháp các loài động vật hoang dã.

Nghị định 117 được ban hành sẽ tạo hành lang pháp lý thống nhất về tổ chức quản lý hệ thống rừng đặc dụng trong cả nước. Trong diễn văn khai mạc, tiến sĩ Hứa Đức Nhị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, phát biểu: Nghị định được ban hành là một dấu mốc quan trọng về chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo hành lang pháp lý thống nhất về tổ chức quản lý và thể chế chính sách quan trọng trong gần 50 năm qua. Nghị định sẽ làm thay đổi tương đối cách quản lý hiện tại, nhằm đáp ứng cơ chế, chính sách, là cơ sở cho các hoạt động bảo vệ, bảo tồn, duy trì phát triển các giá trị đặc biệt về thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái, đa dạng sinh học, nguồn gen sinh vật, di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan; nghiên cứu khoa học; cung ứng dịch vụ môi trường, góp phần giảm thiểu các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội bền vững.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh thêm: Trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng, Chính phủ Việt Nam chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương trong việc quản lý các khu rừng đặc dụng trên địa bàn, đặc biệt gắn quyền và lợi ích hợp pháp, trách nhiệm của người dân địa phương cùng tham gia vào công tác bảo tồn thiên nhiên.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2011.