Lâm Đồng: Cây mai dương tiếp tục xâm lấn đất sản xuất

Câu chuyện tôm hùm đất (tôm càng đỏ), loài động vật nguy hiểm xâm nhập vào các tỉnh phía Bắc đang được dư luận cả nước quan tâm. Mặc dù chưa phát hiện trường hợp tôm hùm đất tuồn vào Lâm Ðồng, nhưng nhìn lại một loài thực vật ngoại lai xâm hại hơn chục năm qua tại địa phương là cây mai dương (mắt mèo, trinh nữ thân gỗ…), chúng ta không khỏi giật mình. Bởi tới giờ, loại cây này vẫn không ngừng phát triển, tấn công các loài thực vật bản địa và không ngừng xâm lấn đất sản xuất của người dân.

Hiện một số huyện trên địa bàn tỉnh đã và đang khá vất vả trong cuộc chiến chống “kẻ xâm lấn” bởi với đặc tính phát triển nhanh, mạnh mẽ và bởi loại cây này tới giờ cũng chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu.

Nơi nào đất để trống, ven bờ sông, suối, quốc lộ, cây mai dương đều phát triển rất mạnh. Ảnh: C.Thành

Tốc độ xâm hại “chóng mặt”

Nếu chỉ nhìn thoáng qua, nhiều người dễ nhầm cây mai dương là cây xấu hổ (hoa trinh nữ, hàm thu thảo…), nhưng trên thực tế, loại cây này về bản chất gây hại thì hoàn toàn khác. Chúng thường mọc thành từng lùm lớn, cao hơn 3 m, thân có nhiều gai cứng và phát tán hạt rất mạnh mẽ.

Đầu tháng 6/2019, chúng tôi đi dọc sông Đa Nhim (huyện Đơn Dương), đoạn chạy qua thị trấn Thạnh Mỹ. Lác đác ở đây vẫn còn nhiều vị trí cây mai dương mọc ken dày đặc ven hai bên bờ sông.

Ông Hoàng Văn Kình, lão nông 70 tuổi có căn nhà cấp 4 nằm sát con sông Đa Nhim, tần ngần đứng cạnh đám mai dương cao quá đầu người, rồi kể: “Nhà tôi còn 2.000 m2 đất thấp, trũng giáp bờ sông, nên có vụ làm vụ bỏ không do khó canh tác. Ngay từ năm 2011, loại cây này đã mọc “tràng giang đại hải” tại đây. Bất cứ miếng đất nào bỏ trống không có người làm đều có loại cây xâm hại này. Tôi đã chặt, gom lại đốt, xịt thuốc hóa học cả chục lần rồi, tốn nhiều công sức nhưng hết mùa mưa đi qua thì chúng lại phát triển như ban đầu, không có cách nào xử lý triệt để được”.

Không chỉ có mặt ở Đơn Dương mà hiện nay cây mai dương đã có mặt ở tất cả 12 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, những huyện có mật độ cây mai dương xâm lấn đất sản xuất, mọc trên vùng đất bỏ trống nhiều nhất là huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Di Linh, Bảo Lâm, Cát Tiên…

Dọc Quốc lộ 20, đoạn từ đường cao tốc Liên Khương – Prenn (huyện Đức Trọng) tới thị trấn Di Linh, huyện Di Linh, chúng tôi ghi nhận loại cây này xâm lấn đến sát mép đường quốc lộ. Cây mai dương cũng có mặt rất nhiều ở khu vực Sân bay Liên Khương, thị trấn Liên Nghĩa hay dọc Quốc lộ 27 (huyện Lâm Hà) cũng như bất kỳ nơi nào chúng có cơ hội phát tán hạt tới, nhất là các con sông, suối…

Nhiều người dân chia sẻ, tại những nơi cây mai dương mọc lên, hầu như các loại cây bản địa đều không thể tồn tại hoặc phát triển cũng hoàn toàn lép vế. Họa hoằn lắm cũng chỉ thấy một vài cây khác mọc vượt qua được tầng gai góc của chúng nhưng còi cọc, rất khó phát triển. Thêm nữa, thân cây mai dương khi chết phân hủy lại tạo ra chất độc gây ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm môi trường xung quanh.

Diệt trừ cây mai dương còn nhiều thách thức

Lâu nay, mặc dù các sở, ngành, địa phương tại Lâm Đồng có nhiều cố gắng, đưa ra không ít giải pháp để diệt trừ cây mai dương, thế nhưng tại nhiều địa phương loại cây gây hại trên vẫn tiếp tục phát triển, xâm hại với tốc độ nhanh, mạnh.

Ông Huỳnh Ngọc Thạch, Phó Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) huyện Đơn Dương nhận định, tại huyện Đơn Dương, nơi có dòng sông Đa Nhim chạy dài 24 km qua địa bàn, nên khu vực này là điều kiện lý tưởng cho cây mai dương phát tán, mọc lấn các loài cây thực vật bản địa, đất sản xuất của người dân ven 2 bờ sông.

“Vào đầu tháng 5 hằng năm, huyện Đơn Dương đều tổ chức phát thuốc hóa học tới các xã để tiến hành ra quân chặt đốt, xịt thuốc ở hai bên bờ sông Đa Nhim, suối, kênh mương… Chính vì vậy, nếu so với 5-6 năm trước đây khi loại cây này có thời điểm mọc phủ cả trăm héc ta ven bờ sông, tới giờ đã hạn chế rất nhiều được sự phát triển của chúng. Còn diệt hết loại cây này thì thú thật không thể thực hiện được” – ông Thạch chia sẻ.

Ông Thạch nhìn nhận việc diệt trừ cây mai dương phần lớn do người dân phải chủ động thực hiện mới mang lại hiệu quả cao, bên cạnh đó là sự phối hợp thực hiện của các đơn vị, đoàn thể, liên tục diệt trừ loại cây này. “Nếu lơ là một thời gian loại cây này sẽ xâm lấn trở lại với tốc độ rất nhanh” – ông Thạch nói.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Phó Phòng NN&PTNT huyện Đức Trọng, cây mai dương sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ vào mùa mưa, nó là một loài cây mọc khỏe, không kén đất, hạt có thể phát tán xa theo dòng nước, sinh sản và phát triển mạnh sau khi bị cháy, khả năng nảy mầm thời gian cả chục năm, có thể nảy chồi trên các gốc đã bị chặt… Chính vì vậy, công tác diệt trừ hiện còn gặp nhiều khó khăn.

“Giải pháp phát đốt, sau đó đợi cây mai dương non mọc lên vừa tầm, tiếp tục xịt thuốc lưu dẫn cho cây chết hẳn, chúng tôi cũng tính tới nhưng chưa áp dụng làm. Nguyên nhân là trên cạn thì không vấn đề gì nhưng khi xịt thuốc số lượng lớn ven dòng sông Đa Nhim, ven các suối, thuốc hóa học sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường nước, đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của người dân phía hạ nguồn” – ông Hải băn khoăn.

Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật – Sở NN&PTNT Lâm Đồng, cho biết cây mai dương xuất hiện tại địa bàn tỉnh từ cả chục năm trước nhưng tới giờ, về cơ bản các địa phương đã khống chế được tốc độ xâm lấn của loại cây này, nhất là khu vực đất sản xuất của người dân.

Giải pháp theo ông Hưng phải chặt hạ tận rễ khi cây chưa đến kỳ ra hoa kết trái. Bất kỳ nơi đâu, nếu thấy cây xuất hiện lập tức chặt bỏ, nhổ gốc. Nếu gặp cây đã có quả, cần gom quả lại, đào hố sâu để chôn lấp cùng với vôi, sau đó đợi cây non mọc lên xịt thuốc lưu dẫn cho cây chết hẳn. Đặc biệt là phải làm kiên trì trong thời gian dài mới mong sạch nguồn gen.

Sở NN&PTNT Lâm Đồng cho biết, công tác diệt trừ cây mai dương các năm qua nhiều huyện, khu vực làm rất tốt nhưng cũng có một số nơi làm chưa tốt, để cây tiếp tục xâm lấn đất dọc bờ sông, suối… Nguyên nhân vẫn là do chủ quan trong công tác tuyên truyền, một phần kinh phí hỗ trợ các địa phương hạn hẹn, các đơn vị phối hợp không đồng bộ. “Sở NN&PTNT là cơ quan chuyên môn chỉ đánh giá, hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật, còn trách nhiệm chính diệt trừ cây mai dương thuộc về UBND các huyện, thành phố, nhưng nhiều địa phương công tác này thực hiện chưa tốt thời gian qua” – một lãnh đạo Sở NN&PTNT đánh giá.

Cây mai dương có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Châu Mỹ, là loài cây bụi mọc dày đặc, nhiều gai cứng và được xếp vào danh sách 100 loài thực vật ngoại lai nguy hiểm nhất thế giới, do sức sống, sức phát triển nhanh chóng. Chúng sinh sôi mạnh tạo thành một thảm cây bụi cao, làm mất dinh dưỡng trong đất, cạnh tranh và dần tiêu diệt các loài cây khác, nhất là các loài thực vật ở tầm thấp. Đặc biệt, một cây sinh sản được 9.000 hạt, hạt nhẹ, có lông, do đó rất dễ phát tán theo gió hay dòng nước. Hạt có thể giữ sức nảy mầm đến 20 năm.