Chế ống tiêm, bình truyền dịch thành… cốc nhựa

Tại cơ sở của ông chủ Thành, làng Triều Khúc (Thanh Trì, Hà Nội), tràn ngập vỏ chai truyền dịch, bơm tiêm, lọ thuốc… Ba công nhân đang hối hả làm việc bên chiếc máy sơ chế nhựa. "Trông lộn xộn thế thôi, vài hôm là thành cốc, gáo hết", một công nhân cười nói.

Buổi sáng, con đường nhỏ dẫn vào làng Triều Khúc đông nghẹt, nhộn nhịp những chiếc xe tải mini chở đủ loại túi rác khổng lồ.
Cũng tại làng này, vừa qua, Cục Cảnh sát môi trường đã phát hiện một chuyến hàng chở tới 700 kg rác thải y tế độc hại của bà Triệu Thị Quý. Trong đó chủ yếu là vỏ thuốc, ống nhựa truyền dịch, ống tiêm từ bệnh viện Việt Đức.
Nhựa gì cũng tái chế được
Theo như lời chị Hiên, bán giải khát cạnh đình làng, Triều Khúc là trung tâm thu mua, sơ chế rác nổi tiếng của khu vực phía Bắc. Trong đó, rác thải y tế được coi là nguyên liệu “hấp dẫn”. Thời điểm bận rộn nhất cả của làng là vào buổi đêm, hàng đoàn xe tải nối đuôi nhau chở rác vào làng.
Khi khách ngỏ ý muốn tìm giúp một cơ sở thu mua có uy tín, chị mau mắn cho địa chỉ cơ sở của anh Thành ở xóm Lẻ. “Cứ đặt cọc tiền là hàng sẽ chuyển đến ngay trong ngày. Xanh, đỏ, tím, vàng… màu gì cũng có”, chị Hiền dặn.
Tại cơ sở của anh Thành, chủ nhà đi vắng, khách mặc sức đi “tham quan” xưởng chế biến. Khoảnh sân trước rộng khoảng 30m2 chất đầy các chai truyền dịch vừa được dỡ khỏi xe. Bên trong xưởng chất đầy các loại nhựa được chế biến, sặc sỡ đủ màu.
Sơn, một công nhân lâu năm ở đây, cho biết, sau khi có dịch cúm gà, nghề sơ, tái chế nhựa mới thực sự “bành trướng”, chiếm chỗ của nghề thu mua lông gà, lông vịt. “Nhựa, túi bóng gì cũng tái chế được. Phất nhất là nhựa y tế, dễ chế biến mà lại dễ bán”, anh Sơn nói.
Cạnh chiếc “máy giặt” (loại máy chuyên dùng để làm sạch các loại nhựa thu gom) đang chạy hối hả, 3 công nhân thay nhau đổ các hạt nhựa vừa cắt nhỏ cùng một loại bột giặt không nhãn mác vào phễu. Một công nhân đứng tuổi luồn tay đổ hàng thúng nhựa to vào một đầu, còn phía đằng kia, một cậu bé dùng rổ vớt từng thúng nhựa đã được “rửa” cho vào bao, đem phơi khô trước khi nghiền.
Theo anh Sơn, cơ sở này mỗi ngày sơ chế được 7 đến 8 tạ rác, các hộ nhỏ hơn chỉ khoảng 3 tạ. Chỉ một phần trong số đó được tái chế còn phần lớn sau khi sơ chế thành hạt được nhập cho các cơ sở chế biến nhựa gia dụng ở các tỉnh lân cận.
Qua tìm hiểu của phóng viên, ngoài việc thu mua nhỏ lẻ từ những gánh hàng phế liệu, các chủ cơ sở ở Triều Khúc còn mua theo hợp đồng từ các bệnh viện. Rác y tế được mua với giá khoảng 6.000 đồng/kg nhựa, 1.500 đồng/kg chai thủy tinh.
Từ rác bệnh viện thành… cốc nhựa
“Giá hạt nhựa nguyên liệu nhập khẩu quá đắt đỏ trong khi đồ nhựa ngày càng bán chạy. Nhựa rác bán chạy lắm, có bao nhiêu hết bấy nhiêu”, vừa nói Sơn vừa chỉ vào những lô hàng cốc, xô, chậu, gáo múc nước đã đóng thùng đang chờ khách đến mang đi.
Khi được hỏi về quy trình xử lý rác và rác thải bệnh viện có gì khác nhau, chủ một cơ sở sản xuất cười nói: “Đều như nhau cả thôi!”. Rác được mua từ bệnh viện về sẽ xử lý bóc tách vỏ nhựa và lớp cao su (nếu có). Sau đó, rác được tách riêng từng loại vàng, xanh, đỏ, trắng trước khi đưa vào nghiền vụn. Nhựa y tế cũng chia ra từng loại, thuỷ tinh để riêng, dây truyền dịch, bình bằng nhựa, hay túi ni lông chứa bơm tiêm đều được chia tách để riêng.
“Trông lộn xộn thế thôi, chứ chỉ vài hôm là mấy cái chai này (chai truyền dịch) sẽ thành các cốc, cái bát mọi người dùng hằng ngày. Nhanh lắm!”, ông chủ này nói.
Theo tiết lộ của ông chủ này, công đoạn khử trùng cho rác thải y tế khá đơn giản. “Rửa mấy lần như thế, sau chế biến trong máy ở hai ba trăm độ thì còn con gì sống nổi nữa mà lo”, người đàn ông chừng 40 tuổi vô tư nói.
Liếc mắt qua hàng rào, nhìn sang cơ sở sơ chế bên cạnh, một đống kim tiêm vừa được đổ ra. Nhiều chiếc vẫn còn vết máu đỏ… 
Ẩn họa từ “làng rác”
Theo thống kê của UBND xã Tân Triều, làng Triều Khúc có tới hơn 200 hộ với khoảng 1.000 lao động làm nghề sơ chế hoặc tái chế rác thải, phế liệu. Tuy nhiên chỉ có 25 hộ đăng ký kinh doanh còn lại đều làm… “chui”. 
Ông Nguyễn Duy Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tân Triều, cho biết, mặc dù biết tác động môi trường của rác, nhưng do đây là nghề truyền thống và giải quyết được nhiều việc làm nên trước mắt xã vẫn duy trì. Biện pháp duy nhất để kiểm soát các cơ sở gây ô nhiểm là… “nhắc nhở” người dân tuân thủ các quy định về xử lý chất thải.
Đề cập đến khả năng truyền bệnh từ những chất thải y tế sau thu gom, ông Tuấn đã từ chối trả lời. Thậm chí còn tỏ ra ngạc nhiên khi nghe phóng viên hỏi về bà Quý, chủ cơ sở thu gom sơ chế vừa bị công an phát hiện đã nhập hàng từ chất thải bệnh viện Việt Đức.
“Tháng 11 tới, chúng tôi sẽ hoàn tất việc san lấp mặt bằng cho dự án làng nghề rộng 10 ha tại địa phận giáp ranh xã Đại Kim. Các cơ sở làm nghề truyền thống sẽ được di dời vào khu quy hoạch này. Tại đây chúng tôi cũng sẽ xây dựng đồng bộ các công trình xử lý chất thải” – ông Tuấn nói.
Trên con đường dẫn vào làng Triều Khúc, từng đoàn xe chở phế liệu vẫn nhộn nhịp chuyển hàng.