Trả sông, biển về cho mẹ thiên nhiên

Vừa qua, một số tỉnh- thành trong nước đã mạnh tay di dời, giải tỏa các dự án lấn sông, lấn biển để trả không gian sông, biển về cho tự nhiên.

Mới đây nhất, tỉnh Bình Định quyết di dời 3 khách sạn lớn ven biển để dành toàn bộ dải bờ biển vịnh Quy Nhơn cho cộng đồng.

Tại ĐBSCL, các nhà khoa học cho rằng các địa phương rất cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch, chọn cách hành xử đúng với sông, biển để tránh gây những hệ lụy đáng tiếc về sau.

Đơn cử như chuyện sạt lở bấy lâu nay, có lý giải cho rằng do khai thác cát quá mức, do dân cất nhà cặp bờ sông quá nhiều, do sông có nhiều hố sâu…

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi về “căn nguyên” gây ra sạt lở, TS Dương Văn Ni (Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên- ĐH Cần Thơ) cho hay, vấn đề hiện nay là lượng cát bù nhỏ hơn lượng cát mất.

Mà lượng cát mất thì có nhiều nguyên nhân, nguyên nhân chính vẫn là do các nước thượng nguồn xây đập thủy điện. Bên cạnh, do khai thác quá mức. Tuy nhiên, nguyên nhân thứ 3 lớn hơn nữa ở chỗ hiểu sai vấn đề nên tiền của xã hội bị thất thoát, lãng phí do đầu tư “trật mục tiêu”…

Ông lý giải, phù sa đi về đồng bằng phân biệt làm 2 nhóm: Nhóm phù sa thô (cát, sỏi, sạn đi dưới đáy), nhóm phù sa mịn (thịt, sét) thường đi trên mặt nước. Ở đáy sông có những hố sâu tự nhiên (có hố có cả 1.000 năm nay). Mùa này là mấy vật liệu thô như cát, sỏi, sạn… lấp vô hố đó.

Tới tháng 6, 7, nước từ thượng nguồn bắt đầu đổ về mạnh- năng lượng trong dòng nước đó lấy vật liệu trong hố sâu phía trên chở xuống hố dưới, từ hố dưới xuống hố dưới nữa…

Tính từ miền Bắc của Lào về tới Việt Nam có khoảng 500 hố sâu như vậy trên sông. Do đó, cát về tới đồng bằng đôi khi phải mất hàng trăm năm. Cơ chế đó là làm tự tiêu năng lượng trong nước. Khi nước dời vật liệu thô ra tới bờ biển thì nước hết chảy, tạo ra những giồng cát song song với bờ biển. Đầu tiên nó tạo ra ở ngoài thềm bờ biển trước rồi bồi từ từ nhô lên khỏi mặt biển.

Lúc bấy giờ, phù sa mịn mới bị giữ lại- bãi bùn bị giữ lại và bờ biển lấn ra từ từ. Đó cũng là cơ chế tạo ra đồng bằng. Tuy nhiên, nhiều người thấy hố sâu cho là mỏ cát nên lấy trước. Tới lúc nước thượng nguồn đổ về, không có gì trong hố để lấy, năng lượng còn nguyên nên phải lấy đất bên bờ sông- sạt lở xảy ra.

Trong khi, từ năm 2004 đến nay, lượng phù sa thô giảm rất đáng kể (do các nước thượng nguồn xây đập thủy điện. Cộng thêm tình trạng khai thác cát rất triệt để- không chỉ để san nền, làm đường… mà còn hút cát bán. Tệ nhất là khai thác những giồng cát ngoài bờ biển.

Do đó, trong khi lượng phù sa thô giảm mạnh, phù sa mịn trong quá trình theo nước về đồng bằng không vô được đồng ruộng (do đê bao kín) nên bị đẩy hết ra biển. Ra tới đó, không có những bậc thang tự nhiên của cát nên tất cả đều trôi tuột hết ra biển sâu. Hệ quả là bờ biển bị sụp, lở nghiêm trọng. “Bờ biển như chiếc áo giáp bảo vệ cơ thể đồng bằng. Áo giáp bị rách thì cơ thể đồng bằng mình trở nên rất dễ tổn thương”- ông nhấn mạnh.

Cho nên, theo TS Dương Văn Ni, khả dĩ bây giờ còn nguồn phù sa mịn thì nên tận dụng nguồn đó bằng cách khôi phục lại những vùng trữ nước tự nhiên. Đồng thời, cần nhìn nhận rõ “cát đang bị khai thác hiện nay không phải do sông mang về hàng năm như trước mà là tận thu cát đã có hàng trăm, thậm chí hàng triệu năm trước”.

TS Dương Văn Ni tâm tư, chúng ta hiểu sai về hệ sinh thái, chúng ta ứng xử sai. Có nghĩa, “chúng ta đã tự làm cho mình rủi ro trước thiên nhiên rồi đổ thừa thiên nhiên khắc nghiệt.

Thiên nhiên không khắc nghiệt, thiên nhiên đã trăm năm, ngàn năm như vậy rồi”. Ngay như hạn, mặn thì ngàn năm trước đã vậy rồi. Trong ngàn năm đó, có năm nó thụt vô sâu, có năm lùi ra ngoài. Đó là bản chất của hệ sinh thái. Hệ sinh thái là cơ thể sống. Nước mặn cũng vậy, nước lũ cũng vậy.

Lâu lâu nó vượt bờ, vượt đồng, tràn bờ, tràn đồng… Nó có gây ra những thiệt hại nhưng xem kỹ lại là do chính con người gây ra. Các tỉnh ven biển đổ biết bao nhiều tiền vô bờ kè, nào là kè biển, đê biển. Thậm chí bây giờ bàn tới những công trình khủng như những đập ngăn mặn. Làm như vậy chẳng qua mang lại cảm giác an toàn giả tạo, để người ta lại lấn ra biển nữa.

Ông dẫn chứng, ngay như Hà Lan là quốc gia cổ xúy cho chuyện đê điều hàng trăm năm nhưng hiện đã trả lại biển, trả lại cho dòng sông gần hết. Còn mình đang có tự nhiên, sao ép nó nhỏ lại. Do đó, mình sẽ đối phó vĩnh viễn với những bất cập.

Đồng ý kiến này, PGS. TS. Lê Anh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ) cho biết, dòng sông có 3 chức năng: Trao đổi của nó với biển, trao đổi nước từ thượng nguồn về hạ nguồn, trao đổi giữa dòng sông với con người và trên bờ.

Ông cũng nhấn mạnh, hệ thống sông rạch như mạch máu, ngăn lại là làm nghẽn mạch. Do đó, cần có hiểu biết, tầm nhìn về sinh thái trong quy hoạch. Phải hiểu khái niệm sinh thái ngay từ ban đầu, dựa vào hệ sinh thái, nương theo hệ sinh thái đó để thay đổi.

Thực tế phát triển thời gian qua cho thấy, khi con người can thiệp thô bạo vào thiên nhiên sẽ gây ra những hậu quả khôn lường, minh chứng rõ nhất là tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang trở thành vấn nạn của toàn cầu mà ĐBSCL là một trong những đồng bằng trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Do đó, như các địa phương khác cả nước, các tỉnh thành ĐBSCL cần mạnh tay di dời, giải tỏa các dự án lấn sông, lấn biển để trả sông, biển về đúng chức năng, vai trò bao đời nay. Cùng với đó, cần rà soát quy hoạch, đưa ra khỏi quy hoạch những dự án xâm lấn không gian cộng đồng và chỉnh sửa quy hoạch theo hướng dành cho không gian cộng đồng, tôn trọng mẹ thiên nhiên.