Quy hoạch năng lượng vùng Mê Công cần tăng cường dân chủ và minh bạch

ThienNhien.Net – Quy hoạch phát triển năng lượng vùng Mê Công chưa thực sự minh bạch, dân chủ và bám sát nhu cầu thực tế. Do vậy, các quy hoạch này không phát huy được vai trò thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Cuộc trao đổi dưới đây giữa Tổ chức Sông ngòi Quốc tế (IR) và ông Witoon Permpongsacharoen, Giám đốc Mạng lưới Sinh thái và Năng lượng Mê Công (MEE Net, Thái Lan),* sẽ đề cập rõ hơn vấn đề này.

Theo ông, bối cảnh quy hoạch năng lượng khu vực Mê Công hiện nay như thế nào?

Hiện nay, người ta thường căn cứ vào dự báo nhu cầu năng lượng để xây dựng Kế hoạch Phát triển Năng lượng. Dự báo nhu cầu năng lượng lại dựa trên dự báo tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, các dự báo nhu cầu năng lượng được xây dựng cho giai đoạn 10 năm, trong khi dự báo về GDP có thể chỉ được thiết lập cho khoảng thời gian tối đa là 3 năm. Không ai có thể dự đoán tăng trưởng GDP trong 10 năm vì chúng ta không thể dự đoán chắc chắn về tăng trưởng kinh tế. GDP sẽ không tăng theo cấp số nhân mà sẽ dao động lên xuống trong vòng 20 năm tới.

Những dự báo nhu cầu cùng kế hoạch phát triển năng lượng sẽ được dùng để thu hút đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng ngành năng lượng. Điều đó có nghĩa là dự báo càng cao thì sẽ nhận được mức đầu tư lớn. Như vậy sẽ xuất hiện một khoảng cách giữa nhu cầu dự đoán và nhu cầu năng lượng thực tế. Đây chính là tình trạng chung của hệ thống quy hoạch năng lượng tập trung.

Một vấn đề khác là tăng trưởng năng lượng thường dựa trên nhu cầu tối đa ở thời kỳ cao điểm. Tại các quốc gia nhiệt đới gió mùa như ở khu vực Mê Công, nhu cầu điện cao nhất là vào mùa nóng do người dân sử dụng điều hòa nhiệt độ. Thời kỳ cao điểm này có thể chỉ kéo dài trong hai tuần. Tại Thái Lan, có thời điểm trong vòng 60 giờ, nhu cầu điện có thể tăng thêm 2.000MW. Tuy nhiên, nhu cầu này chỉ duy trì trong một khoảng thời gian ngắn.

Thêm vào đó là vấn đề về biên độ dự trữ điện. Trước đây, tỉ lệ này ở Thái Lan là 25% và hiện nay là 15% nhưng các Kế hoạch Phát triển Năng lượng cũng đang cố gắng kéo tỉ lệ này lên 20%. Khi tổng công suất điện thấp, 15% không phải một con số lớn, ví dụ với 10.000 MW thì 15% là 1.500 MW, nhưng nếu tổng công suất điện là 30.000 MW thì con số lúc này là 4.500 MW. Nhà máy điện lớn nhất tại Thái Lan là 2.000 MW, do đó nếu tách toàn bộ nhà máy ra khỏi hệ thống thì cũng chỉ nằm trong 15% biên độ điện dự phòng. Đây là những con số cho thấy các vấn đề về số liệu thống kê trong quy hoạch năng lượng dẫn đến dự báo nhu cầu quá cao.

Ảnh minh họa: internationalrivers.org
Ảnh minh họa: internationalrivers.org

Có thể có phương pháp tiếp cận khác thay thế không thưa ông?

Tiêu thụ năng lượng hiệu quả sẽ giúp nền kinh tế phát triển tốt hơn. Với hướng tiếp cận này, có thể có nhiều cách để giải quyết vấn đề về nhu cầu tiêu thụ điện lên đỉnh điểm ở một thời điểm ví như đề nghị người tiêu thụ cuối cùng quản lý tốt nhu cầu sử dụng. Nếu có 10 nhà máy cần tổng cộng 2.000 MW trong một tuần nào đó, có thể đề xuất với họ cách điều chỉnh nhu cầu tiêu thụ điện trong giai đoạn này như hạn chế hoạt động hay dùng chế độ chờ. Có thể áp dụng các khuyến khích tài chính để người tiêu dùng cuối cùng hợp tác trong thời kỳ cao điểm về điện. Như vậy có thể thay việc nâng công suất toàn hệ thống bằng cải thiện quản lý để đối phó với hai tuần tiêu thụ điện cao điểm.

Biện pháp này có thể khả thi với Thái Lan vì phần lớn các nhà máy tiêu thụ điện nhiều chỉ thuộc sở hữu của chưa đến 20 gia đình. Nếu muốn áp dụng biện pháp này chỉ cần tới trao đổi thực tiếp với đại diện các công ty và thỏa thuận về thời điểm nhu cầu điện đỉnh điểm. Việc thực hiện sáng kiến này phải bắt đầu ngay từ chính các ngành công nghiệp năng lượng. Tuy nhiên, công nghiệp năng lượng là một ngành kinh doanh và Công ty Điện lực Thái Lan (EGAT) là một doanh nghiệp và họ luôn muốn gia tăng nhu cầu, tăng đầu tư và doanh thu của họ.

Chính trị có tác động như thế nào với quá trình quy hoạch năng lượng?

Dự báo chỉ là một trong nhiều khía cạnh của việc quy hoạch năng lượng. Ở khu vực Mê Công, công nghiệp năng lượng là độc quyền tập trung, trong đó chỉ có một số ít chuyên gia có trách nhiệm ra quyết định trong một hệ thống quy hoạch năng lượng còn thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình. Để cải thiện hiệu quả của quy hoạch năng lượng, cần tăng cường tính dân chủ và minh bạch hơn.

Chúng ta không thể chuyển đổi từ mô hình thị trường điện tập trung sang phi tập trung, nhưng có thể hướng tới một hệ thống thị trường mở. Ở đó mọi người được tự do trở thành người sản xuất cũng như tiêu thụ, thông qua những sáng kiến như năng lượng mặt trời trên mái nhà chẳng hạn. Những hệ thống phi tập trung này có thể dự phòng cho mạng lưới tập trung. Tuy nhiên những gì đang diễn ra hiện nay thì đang hướng đến việc bổ sung thật nhiều điện năng thay vì cải thiện hệ thống. Các sáng kiến ở quy mô nhỏ vì vậy không thể giảm được con số công suất trong quy hoạch. Chính vì vậy chúng ta cần đưa tất cả những sáng kiến này vào trong cùng một hệ thống và quy hoạch.

Làm thế nào để hệ thống này phát huy được tính dân chủ, thưa ông?

Câu hỏi về dân chủ hóa ngành năng lượng rất phức tạp và liên quan quan tới nhiều vấn đề chính trị phức tạp khác. Khi nói đến chính trị, chúng ta thường hình dung tới các cuộc bầu cử và bỏ phiếu. Tuy nhiên, ở Thái Lan, lĩnh vực năng lượng đã chiếm tới 1/3 nền kinh tế, nếu chỉ cần dân chủ trong ngành điện thôi cũng sẽ kéo theo dẫn chủ trong các ngành khác và lĩnh vực khác.

Thách thức đặt ra là làm sao để công chúng tham gia vào vấn đề này. Điển hình như trường hợp vận động chống lại các dự án xây dựng đập thủy điện: nếu chỉ những người bị ảnh hưởng bởi con đập tham gia vào quá trình vận động, thì mặc dù có thể khiến dự án phải dừng lại thì cũng không hẳn sẽ tạo ra được những thay đổi trong xã hội. Vấn đề là phải tác động được tới những người tiêu dùng cuối cùng, tìm ra vấn đề mà họ quan tâm. Chính vì thế mà MEE Net đang hoạt động để đưa đến thông điệp “Hãy biết về nguồn năng lượng của bạn” (Know your power) với mục tiêu tạo ra một quy trình có sự tham gia nhiều hơn của các bên trong quy hoạch năng lượng. Rốt cuộc thì vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để người dân biết được họ có thể làm gì để trở thành một phần giải pháp và có thể cùng nhau chung sức tạo ra một nền năng lượng dân chủ và minh bạch.

* Mạng lưới Sinh thái và Năng lượng Mê Công (MEENet) có văn phòng tại Thái Lan, hoạt động để giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội phát sinh do quá trình tăng trưởng nhanh chóng của ngành điện trong khu vực, về quy hoạch năng lượng khu vực Mê Công và những lựa chọn thay thế tốt hơn việc xây dựng các đập thủy điện lớn.