Singapore quyết giảm rác thải nhựa gây ô nhiễm

Hưởng ứng phong trào bảo vệ Trái đất trước sự “xâm lăng” của các loại rác thải nhựa, hơn 270 cửa hàng thực phẩm và đồ uống trên khắp đất nước Singapore cam kết sẽ từ bỏ việc sử dụng ống hút nhựa bắt đầu từ ngày 1/7 tới – theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF).

Rác thải nhựa đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường biển hết sức nghiêm trọng. (Nguồn: AP).

Giới doanh nghiệp hưởng ứng

Các chuỗi cửa hàng thực phẩm và đồ uống hưởng ứng chiến dịch này đã cam kết sẽ ngừng sử dụng hoàn toàn các loại ống hút nhựa khi phục vụ ẩm thực cho khách hàng, thay vào đó sẽ chỉ sử dụng ống hút nhựa vì những lý do đặc biệt -WWF nói trong một thông cáo báo chí công bố hôm 3/6.

Nhóm các cửa hàng này bao gồm 53 cửa hàng thực phẩm được sở hữu bởi Accor Group – tập đoàn vận hành chuỗi khách sạn gồm Raffles, Swissotel và Fairmont – 24 cửa hàng thuộc chuỗi Pastamania, hàng chục các cửa hàng thuộc quyền quản lý của Quỹ Bảo tồn tự nhiên Singapore và 15 cửa hàng ăn uống thuộc Tập đoàn Spa Espirit.

“Đây là đợt cam kết lớn nhất của các công ty, tập đoàn trong ngành công nghiệp ẩm thực của Singapore nhằm nỗ lực thay thế các loại ống hút nhựa ở quốc đảo này” – Bà Lotika Mehta, quản lý chiến dịch của WWF ở Singapore, cho hay.

Động thái trên là một phần của sáng kiến PACT (Hành động về nhựa) mà WWF đưa ra, đồng thời nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng cục Môi trường Quốc gia và tổ chức Vì môi trường Zero Waste SG.

Được biết, người dân Singapore sử dụng khoảng 2,2 triệu ống hút nhựa mỗi ngày – theo một bản báo cáo mà các hãng AlphaBeta, The Final Straw và Cyan Project công bố trong năm 2018.

“Ngừng sử dụng ống hút nhựa chỉ là bước đầu tiên trong nỗ lực tổng thể nhằm kêu gọi giới doanh nghiệp ngừng sử dụng các sản phẩm nhựa. WWF, Zero Waste SG sẽ tiếp tục phối hợp với ngành công nghiệp ẩm thực để giảm việc sử dụng nhựa không cần thiết – như chai nhựa, ống hút nhựa, đĩa nhựa – để giải quyết vấn đề ô nhiễm do rác thải nhựa” – WWF tuyên bố.

Nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế

Hàng năm, Singapore sử dụng tới 1,76 tỷ vật dụng làm bằng nhựa – theo một báo cáo mà Hội đồng Môi trường nước này công bố vào năm 2018. Con số này bao gồm 820 triệu túi nhựa từ các siêu thị, 467 triệu chai nhựa PET và 473 triệu sản phẩm nhựa không thể tái chế.

Đây là một ví dụ điển hình cho thấy giới doanh nghiệp sẵn sàng hành động tự nguyện. Chúng tôi khuyến khích nhiều doanh nghiệp tham gia vào nỗ lực chung này” – Kim Stengert, Trưởng văn phòng Quan hệ và truyền thông chiến lược WWF Singapore, cho hay.

Theo Hãng phân tích Stingstat, có khoảng 7.500 cửa hàng ăn ở Singapore tính đến thời điểm năm 2016, bởi vậy mà con số 270 cửa hàng tham gia vào PACT chỉ chiếm 3,5% tổng số cửa hàng. Một số chuỗi cửa hàng ẩm thực có tiếng trên thế giới cũng dự kiến sẽ tham gia sáng kiến PACT trong thời gian tới, bao gồm: KFC, Starbucks, Burger King.

Singapore không phải quốc gia đầu tiên trên thế giới có hành động quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường khỏi vấn nạn rác thải nhựa. Việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng 1 lần cũng sự kiến sẽ sớm bị cấm tại Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu từ năm 2021, sau một cuộc bỏ phiếu trong Nghị viện châu Âu tổ chức vào ngày 27/3/2021. Các quốc gia thành viên EU cũng đặt ra mục tiêu vào năm 2029 thu gom và tái chế ít nhất 90% các loại chai nhựa thải ra môi trường.

Tháng 12/2018, Bali đã ban hành lệnh cấm sử dụng các loại đồ nhựa dùng 1 lần, và đặt ra mục tiêu vào năm 2019 giảm 70% tổng lượng rác thải nhựa trên biển.

Malaysia cũng có kế hoạch ngừng sử dụng đồ nhựa sử dụng 1 lần vào năm 2030, trong đó chính quyền nước này đã ban hành lệnh cấm sử dụng ống hút nhựa ở thủ đô Kuala Lumpur, thành phố Putrajava và Labuan bắt đầu từ ngày 1/1 năm nay. Các doanh nghiệp bị phát hiện sử dụng ống hút nhựa có thể bị tước giấy phép kinh doanh.

Được biết, sáng kiến PACT được WWF công bố vào năm 2019 với mục tiêu “Không có nhựa trong thiên nhiên” vào năm 2030. Các doanh nghiệp tham gia sáng kiến này cam kết sẽ ngừng sử dụng các loại đồ nhựa không cần thiết, đồng thời cân nhắc sử dụng các sản phẩm thay thế được chế tạo từ vật liệu thân thiện với môi trường.